Làm thế nào để tìm việc làm thêm ở Phần Lan?

0

Sẵn sàng du học – Những cách thức tìm việc làm thêm sau đây được đúc kết từ kinh nghiệm của rất nhiều cựu du học sinh đi trước, bạn có thể học hỏi theo hoặc thậm chí tìm ra phương pháp của riêng mình.

Chính sách Phần Lan cho phép sinh viên có thể làm part-time 25h/tuần để trang trải bớt phần nào chi phí sinh hoạt. So với các nước khác, việc làm thêm dành cho sinh viên khan hiếm hơn nhiều, một phần do dân số ít, không có nhiều dịch vụ đa dạng nên nhu cầu lao động không cao, mặt khác do rào cản ngôn ngữ. Số lượng việc làm cũng phân bố không đồng đều. Bạn có thể khá dễ dàng tìm việc ở những thành phố lớn như Helsinki, Tampere, Turku, Oulu,… nhưng ngược lại, nếu học ở những thành phố hoặc thị trấn nhỏ thì cơ hội việc làm của bạn rất thấp, muốn có việc thì chỉ có thể dựa vào may mắn hoặc những công việc thời vụ như hái dâu vào dịp hè.

Những cách thức tìm việc làm thêm sau đây được đúc kết từ kinh nghiệm của rất nhiều cựu du học sinh đi trước, bạn có thể học hỏi theo hoặc thậm chí tìm ra phương pháp của riêng mình.

Chú ý: Bài viết này chỉ tập trung vào cách tìm việc làm thêm cho sinh viên đang đi học. Tìm việc sau khi tốt nghiệp sẽ là một chủ đề hoàn toàn khác sẽ được khai thác trong các bài viết tiếp theo.

ssdh-sinh-vien-viec-lam-them-part-time-job

Thông qua bạn bè, người quen

Networking là một trong những kĩ năng sống còn cho sinh viên quốc tế có ý định làm việc lâu dài ở nước ngoài. Bạn nên nhớ là khi đi du học, bạn luôn phải học cách sống độc lập và tự lực cánh sinh, không thể dựa vào gia đình, họ hàng người thân như ở trong nước, vì thế điều tối quan trọng là phải lập ra những mối quan hệ mới đa dạng để người ta biết đến bạn và cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau khi cần. Đừng ngại ngùng tham gia những buổi họp mặt, giao lưu, các sự kiện của cộng đồng sinh viên, chủ động làm quen với bạn bè mới, trò chuyện và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Có rất nhiều vị trí làm việc trống mà nếu không nhờ quen biết thì bạn sẽ không thể nào biết được. Điều này chắc chắn sẽ khó khăn đối với những bạn có tính cách khép kín và không thích quảng giao nhiều, nhưng vì để tạo cho chính mình nhiều cơ hội hơn, đồng thời trau dồi kĩ năng giao tiếp rất cần thiết cho công việc sau này, bạn hãy cố gắng không ngừng mở rộng giới hạn của bản thân.

Thông qua các trang web tìm việc làm

Te-palvelut.fi là trang dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm của Bộ nội vụ Kinh tế và Việc làm của Phần Lan, là trang thông dụng nhất và có lượng database lớn cho tất cả các ngành nghề. Điểm trừ của trang này là không có tiếng Anh nên bạn sẽ phải nhờ sự hỗ trợ từ Google Translate để tìm kiếm. Lời khuyên của các du học sinh tiền bối là gửi CV càng nhiều càng tốt, gửi CV đến khoảng 50 nơi thì có lẽ bạn sẽ nhận được hồi âm của 1 nơi. Tuy nhiên, việc này cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự may mắn của bạn nữa.

Thông qua cổng thông tin và bảng thông báo ở trường

Một số trường có cổng thông tin online riêng nhằm phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm thông tin cho sinh viên. Đối với những trường có network rộng (có nhiều liên kết với các công ty và các trường quốc tế), họ sẽ thường xuyên cập nhật những quảng cáo tuyển dụng cả full-time lẫn part-time. Nếu trường bạn có một cổng thông tin như thế, phải luôn nhớ liên tục kiểm tra xem có vị trí nào phù hợp với mình để apply càng sớm càng tốt. Ngoài ra cũng nên chú ý các bảng thông báo và tờ quảng cáo được dán quanh trường.

Tự mang CV đến những nơi tuyển dụng có tiềm năng

Tạo cho mình 1 CV ngắn gọn mà vẫn đầy đủ thông tin, địa chỉ liên lạc cá nhân và chủ động mang đến các nhà hàng, khách sạn trong thành phố. Bạn nói với họ rằng một khi họ có vị trí tuyển dụng trống và cần người làm thuê nhanh chóng thì có thể liên hệ với bạn. Đây cũng là 1 cách tự marketing khá hiệu quả và đôi khi bạn sẽ đạt được kết quả tích cực đến không ngờ, chỉ có điều bạn có “mặt dày” dám tự mang CV đến những nơi này hay không thôi.

Với khả năng tiếng Phần gần như là con số 0 tròn trĩnh, con đường tìm việc làm thêm của bạn được báo trước là sẽ vô cùng trắc trở, nhưng bàn tay chúng ta có thể làm nên tất cả, phải không?

Cá Domino (SSDH) – Theo thetreeacademy

Share.

Leave A Reply