SSDH- Việc ẩn thông tin cá nhân và thông tin liên kết trên các đơn đăng ký sử dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu giúp người đánh giá có thể tập trung vào nội dung đăng ký thay vì hồ sơ của nhà nghiên cứu.
Một nghiên cứu cho biết, việc xóa thông tin cá nhân khỏi các đơn đăng ký sử dụng siêu máy tính, kính thiên văn và máy quang phổ có thể giúp đảm bảo thời gian nghiên cứu trên các thiết bị của những học giả đang trong thời kỳ đầu của sự nghiệp.
Nghiên cứu được thực hiện bởi văn phòng đại sứ phụ nữ STEM của chính phủ Úc, Lisa Harvey-Smith, tại UNSW Sydney. Nghiên cứu này đã phân tích kết quả của các đơn đăng ký truy cập vào bốn cơ sở hạ tầng nghiên cứu – kính thiên văn vô tuyến, Trung tâm tán xạ neutron Úc (ACNS), Kính viễn vọng Anh-Úc (AAT) và các cơ sở điện toán hiệu suất cao ở Canberra và Perth – cả trước và sau khi chức năng ẩn danh được áp dụng.
[Tham khảo: Công bố người chiến thắng Giải thưởng Nghiên cứu Đại học Toàn cầu năm 2023]
Ba trong số 4 nhóm thiết bị yêu cầu người nộp đơn loại trừ những thông tin như tên, liên kết và nguồn tài trợ khỏi bài báo cáo chính thức. Những thông tin này cần được chuyển sang một tài liệu riêng được sử dụng để kiểm tra thay vì đánh giá. Nhóm thiết bị thứ tư yêu cầu tên viết tắt thay vì tên đầy đủ của học giả, loại bỏ các liên kết và liệt kê những người nộp đơn theo thứ tự bảng chữ cái để che giấu danh tính của người nghiên cứu chính.
Nghiên cứu cho thấy trước khi quy trình nộp đơn được thay đổi, giới tính và thâm niên hầu như không ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của người nộp đơn. Nhưng việc ẩn danh đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ thành công của các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại ACNS, chủ yếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhỏ cho những ứng viên có kinh nghiệm hơn.
Tỷ lệ thành công tăng từ 61% lên 78% ở những nhà nghiên cứu mới vào nghề trong khi tỷ lệ này giảm từ 61% xuống 50% ở những người nộp đơn khác.
Việc ẩn danh cũng cải thiện tỷ lệ thành công của phụ nữ tại AAT. Nhưng một khi kết quả từ cả bốn cơ sở hạ tầng được gộp lại, chỉ có những thay đổi về thâm niên là vẫn có ý nghĩa thống kê.
[Tham khảo: Sinh viên có thể tận dụng công nghệ AI như thế nào?]
Giáo sư Harvey-Smith cho biết các đơn đăng ký ẩn danh tránh được tình trạng người đánh giá chỉ nhìn lướt qua đơn đăng ký mà không tập trung vào chi tiết, đặc biệt khi họ làm việc quá sức. Giáo sư nói rằng: “Những người đánh giá thường rất bận rộn. Họ đưa ra quyết định một cách nhanh chóng, vì vậy mà đôi khi xuất hiện thành kiến cá nhân.”
Một tác giả chính Isabelle Kingsley cho biết việc đảm bảo quyền truy cập vào một số cơ sở nghiên cứu có thể quan trọng – và khó khăn – tương tự như việc giành được các khoản tài trợ. Cô nói: “Đối với một số nhà nghiên cứu, thiết bị có ý nghĩa hơn cả tiền bạc. Ví dụ, bạn là một trong nhiều nhà thiên văn học đang cần sử dụng kính thiên văn chuyên dụng. Có khả năng bạn sẽ có cơ hội sử dụng thiết bị, nhưng cũng có khả năng là không. Và bạn sẽ không thể hoàn thành nghiên cứu của mình nếu chưa được sử dụng kính thiên văn. Vậy nên có thể nói rằng đăng ký sử dụng thiết bị nghiên cứu có tính cạnh tranh rất cao.”
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)