SSDH – Phần thi kỹ năng Nói là một buổi phỏng vấn do một giám khảo điều khiển được thực hiện trong vòng 11-14 phút. Bạn hãy nói một cách tự nhiên và có giao tiếp bằng mắt với giám khảo.
Ảnh minh họa
Trong kỳ thi IELTS, phần thi nói gồm 3 phần riêng và được chia ra như sau:
Phần | Thời lượng | Yêu cầu của đề thi |
1 | 4-5 phút | Giám khảo hỏi về những chủ đề quen thuộc như công việc / học hành, sở thích, những gì bạn thích và không thích, thói quen hàng ngày |
2 | 3-4 phút | Giám khảo cho bạn xem một trang giấy bao gồm một chủ đề kèm theo một số câu gợi ý. Bạn cần nói về chủ đề này trong vòng 1-2 phút. Bạn có 1 phút để chuẩn bị và viết ghi chú trước khi nói. Giám khảo cũng có thể hỏi một số câu sau khi bạn nói xong. |
3 | 4-5 phút | Giám khảo hỏi các câu chi tiết hơn, trừu tượng hơn và có liên quan tới chủ đề ở phần 2. |
Bạn có thể tải đề thi mẫu tại trang web chính thức của kỳ thi IELTS, có thể tìm thấy trang này một cách dễ dàng trên mạng.
Phần thi Nói được đánh giá qua các tiêu chuẩn sau:
1. Sự thành thạo và rõ ràng
Bạn có nói một cách trôi chảy và dễ hiểu không? Bạn có kết nối ý tưởng một cách rõ ràng hay không?
2. Vốn từ
Bạn có sử dụng được từ vựng một cách chính xác và hiệu quả hay không? Bạn có giải thích được ý của mình cho dù bạn không biết một từ nào đó không? Bạn có dùng hay cố gắng sử dụng các từ khó một cách chính xác hay không?
3. Ngữ pháp và mức độ chính xác
Bạn có dùng nhiều loại cấu trúc ngữ pháp hơn là lặp đi lặp lại các cấu trúc căn bản không?
Các câu của bạn chính xác, hay bạn thường xuyên mắc lỗi văn phạm?
4. Phát âm
Ngôn ngữ nói của bạn có rõ ràng và dễ hiểu không? Bạn có sử dụng trọng âm và ngữ điệu để đưa thêm ngữ nghĩa vào lời nói của mình không? Với từng từ cụ thể, liệu bạn có dùng trọng âm chính xác được không?
Cách chuẩn bị thi hiệu quả
Khi nói chúng ta thường mắc lỗi ngữ pháp vì có ít thời gian để suy nghĩ, bạn nên ghi âm câu trả lời của mình rồi sau đó nghe và ghi lại các lỗi bạn thường mắc phải. Sau đó nên lập một danh sách các lỗi của mình để bạn có thể chú ý sửa.
Hãy đọc thêm báo chí và xem các bản tin để cập nhật được các vấn để đương đại và có thêm kiến thức xã hội, khi thi bạn sẽ không mất nhiều thời gian để tìm ý tưởng.
Hãy nhờ ai đó kiểm tra phát âm của bạn hoặc ghi âm lại giọng nói của mình khi đọc một văn bản bất kỳ. Sau đó hãy tự nghe và đánh giá xem bạn phát âm sai chỗ nào, ghi lại để chú ý sửa.
Một cách rất hay để luyện tập ngữ điệu và luyện nói cho trôi chảy là đọc theo giọng của người bản xứ. Bạn có thể chọn một đoạn phim hoặc một bài nghe có phụ đề, cố gắng đọc cùng lúc với đoạn ghi âm và bắt chước cách lên xuống giọng của người nói.
Để nói tự tin hơn, bạn nên thường xuyên trò chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh, hoặc tìm gặp người nước ngoài để bắt chuyện. Nếu không có điều kiện gặp mặt trực tiếp thì bạn có thể vào các trang web tìm bạn để cùng thực hành tiếng Anh qua Skype, Yahoo hay Facebook.
Trong ngày thi
Hãy cố gắng đến địa điểm thi sớm để không phải vội vã và có thời gian thư giãn. Nếu có thể bạn hãy đến địa điểm thi trước đó vài ngày để biết rõ địa điểm mà bạn cần đến.
Khi thi, hãy giao tiếp bằng mắt với giám khảo ngay từ đầu, và trả lời các câu hỏi một cách lịch sự và thân thiện. Ngôn ngữ cử chỉ là một phần rất quan trọng trong việc giao tiếp. Ngay cả khi bạn vừa nói vừa nhìn vào bản ghi chú của mình, bạn cũng cần duy trì việc giao tiếp bằng mắt với giám khảo.
Phần thi Speaking cũng cần phải giống như một cuộc trao đổi tự nhiên. Tránh học thuộc câu trả lời vì giám khảo sẽ phát hiện ra và thay đổi câu hỏi.
Bạn phải lắng nghe kỹ các câu hỏi để dùng đúng cấu trúc ngữ pháp và các thì. Khi trả lời các câu hỏi dạng Đúng/không đúng (Yes / No), bạn không chỉ phải trả lời mà còn cần phải đưa lý do của mình để câu nói của bạn cụ thể và chi tiết hơn.
Trong mỗi phần bài thi, bạn cần trả lời tất cả các câu một cách đầy đủ nhất có thể để giám khảo có thể đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ của bạn, và điều này cũng giúp bạn tăng điểm số. Hãy chắc chắn là bạn mở rộng câu trả lời một cách tốt nhất có thể.
Đừng tránh né khi bạn không đồng tình với ý kiến của giám khảo, vì đó không nhất thiết là ý kiến thật sự của họ mà đôi khi chỉ là họ muốn tạo điều kiện cho bạn thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ và đưa ra ý kiến riêng của mình.
Khi bạn không nghe rõ hoặc chưa hiểu câu hỏi, đừng dè dặt mà hãy hỏi lại cho rõ hoặc nhờ giám khảo giúp bạn hiểu câu hỏi. Trả lời không đúng trọng tâm sẽ khiến bạn mất điểm nặng nề.
Nguồn: Vnexpress