Một ngày theo chân DHS Việt đi làm thêm

0

SSDH – Việc làm thêm của DHS rất đa dạng và có không ít những câu chuyện thú vị xung quanh. Một ngày theo chân bạn Trần Văn Quang, DHS Pháp đi làm thêm sẽ giúp bạn đọc thấy được phần nào bức tranh muôn màu về cuộc sống của DHS…

 

Hiện đang theo học Master chuyên ngành luật Kinh tế quốc tế ở Đại học Nantes nhưng trong thời gian nghỉ hè, anh Quang cũng giống như rất nhiều DHS khác tại Pháp đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống và trang trải các chi phí cuộc sống nơi xứ người đắt đỏ.

 

Công việc hiện nay của anh Quang là cùng các anh chị Việt kiều bán hàng tại các chợ truyền thống ở miền Tây nước Pháp, bởi lẽ Pháp là một đất nước phát triển nhưng họ vẫn giữ nguyên các chợ truyền thống như một phần của văn hóa Pháp. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm thì quả thực nếu không có sự kiên trì, khéo léo và không ngại vất vả thì dễ nản chí. 

 

du_hoc_-_mot-ngay-theo-chan-dhs-viet-di-lam-them

Anh Quang, anh Dũng và chị Hiệp bên quầy hàng “Saveur du Vietnamien” 

 

Để bắt đầu phiên chợ của ngày hôm nay, anh Quang cùng với các anh chị Việt kiều xuất phát từ 6h sáng tại thành phố Nantes vượt qua khoảng 200km để đến các chợ ở vùng lân cận bán hàng dù giờ bán hàng ở các chợ truyền thống của châu Âu thường bắt đầu từ 9h sáng. Lý giải về việc đi sớm như vậy, anh Quang cho biết đồ ăn phải được bảo quản lạnh đủ nhiệt độ trong các tủ lạnh chuyên dụng và được nấu ngay tại chợ theo đúng tiêu chuẩn của Hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm vốn rất nghiêm ngặt của Pháp, đồng thời giữ được hương vị thơm ngon của thức ăn để khách đến mua vẫn còn nóng hổi và ngon mắt.

 

Một ngày bán hàng ở chợ thường bắt đầu từ 9h sáng đến lúc kết thúc buổi chợ là khoảng 2h chiều. Đồ bán chủ yếu là những món ăn nổi tiếng của quê hương Việt Nam được người phương Tây yêu thích như: các loại Nem (chả giò) ăn kèm với nước mắm chua ngọt hương vị Việt Nam, cơm rang thập cẩm, mì xào giòn, gà xào, heo kho, …. được chế biến rất ngon mắt.

 

“Vốn là một giảng viên đại học, ở Việt Nam tôi chỉ làm việc với bút sách và sinh viên chứ đâu nghĩ rằng sang đây học lại làm những việc này. Tuy là công việc tay chân và vất vả nhưng tôi cũng không ngại vì nhờ nó mà tôi cũng như nhiều bạn DHS khác trang trải được phần nào cuộc sống đắt đó bên này.

 

Hơn nữa, công việc này cũng đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị mà trường lớp không có được. Từ việc bán hàng này, tôi cũng rút ra nhiều điều thú vị về cuộc sống, về tình hình kinh tế, sức tiêu dùng của người dân Pháp… Hiện nay châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên sức mua của người dân Pháp cũng giảm rõ rệt, kể cả những mặc hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm”. 

 

du_hoc_-_mot-ngay-theo-chan-dhs-viet-di-lam-them2

Bán hàng cũng không phải một công việc dễ dàng 

 

Anh Quang cho biết thêm: làm việc này được hơn 1 năm, ngoài “trình độ” nấu nướng được cải thiện, vốn tiếng Pháp và tiếng Anh của anh cũng được cải thiện rất nhiều, việc ngại giao tiếp với người dân bản xứ (vốn dĩ là một đặc điểm thường thấy của các DHS Việt Nam) của anh trước đây giờ cũng không còn. “Một ngày tôi không nhớ là mình phải nói bao nhiêu câu “Bonjour” nữa”, anh Quang hóm hỉnh chia sẻ.

 

Vừa nói chuyện, anh vừa thoăn thoắt bán thức ăn cho khách cũng như chào mời và giới thiệu về tên gọi, thành phần và xuất xứ vùng miền ở Việt Nam của từng món thức ăn một cách thành thạo. Anh cười tươi chia sẻ với tôi rằng công việc này tưởng dễ mà không hề dễ nhé: khi bán hàng, người bán phải để ý đến phản ứng và cử chỉ của thực khách để kịp thời điều chỉnh và làm hài lòng khách, bởi lẽ người Pháp rất quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và những yếu tố về văn hóa truyền thống Việt Nam được kết tinh trong từng món ăn.

 

Ngoài việc luôn phải tươi cười vui vẻ chào khách hàng cũng như mời họ mua hàng bất kể nắng hay mưa, anh Quang còn luôn phải để ý đến quá trình chế biến các món ăn và bảo quản chúng. (ở đây, nem cũng như đồ ăn được nấu ngay trước mặt khách hàng). Công việc cũng luôn chân luôn tay nên cũng cần phải có sức khỏe thì mới có thể theo kịp được, bởi lượng khách hàng khá nhiều lại thường tập trung mua vào cùng 1 thời điểm

 

Một điều khác cũng cần hết sức lưu ý là cách ứng xử trong khi giao tiếp với khách hàng, anh Quang nói: “Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc những khách hàng khó tính, hoặc những khách hàng hoài nghi về chất lượng các món ăn Việt Nam cũng như các món ăn của Châu Á. Những lúc như vậy chúng tôi cần phải kiên nhẫn và chứng minh cho họ thấy những điều họ nghĩ là không chính xác. 

 

Đôi khi lại có những thực khách cứ luôn đề nghị được nếm thử một loạt các món ăn, hỏi các thông tin về món này món kia… nhưng cuối cùng lại không mua gì cả. Lúc đó thực sự cũng bực lắm nhưng cũng phải nhẫn nhịn để tiếp tục công việc, bởi lẽ giữ được hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng, điều này cũng giống như “làm dâu trăm họ” vậy. Khi buôn bán thì phải chấp nhận chuyện được khen, bị chê, có hôm bán đắt hàng hoặc bị ế…”

 

Ngoài việc học hỏi được nhiều kinh nghiệm, anh Quang còn vui vẻ nói rằng khi bán hàng ở đây, mời khách hàng nếm thử, được họ khen ngon và nói rằng “Đồ ăn của Việt Nam thật tuyệt vời!” khiến anh rất tự hào. Đây cũng là một cách rất hay để quảng bá văn hóa Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

 

Phương Tú


Share.

Leave A Reply