SSDH – Là đại diện của quận Cam (bang California, Mỹ) tham dự hội nghị thường niên năm 2014 của Hiệp hội Liên Hợp Quốc với sự tham dự của hơn 100 nghị sĩ Mỹ, Trình đã bảo vệ lợi ích của Việt Nam khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Phạm Nguyễn Đăng Trình, sinh viên Đại học Fullerton bangCalifornia (Mỹ). Phạm Nguyễn Đăng Trình, sinh viên Đại học Fullerton bangCalifornia (Mỹ).
Phạm Nguyễn Đăng Trình (23 tuổi) sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm kinh doanh ở TP HCM. 14 tuổi em sang New Zealand du học theo diện tự túc. Tốt nghiệp cấp ba, Trình qua Mỹ, “đầu quân” cho Đại học Fullerton bang California (CSUF) để học 2 chuyên ngành Tài chính và Kinh tế.
Kinh tế gia đình không khó khăn, nhưng chàng trai người Việt luôn đặt áp lực cho bản thân phải giành được học bổng. Với điểm trung bình (GPA) thuộc hàng top cộng thêm tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, chương trình xã hội… 2 năm liền Đăng Trình nhận được học bổng của CSUF Phi Beta Delta trao cho một sinh viên quốc tế và một sinh viên trong nước xuất sắc nhất trường.
Từng trải qua những năm tháng khó khăn khi bố mẹ mới vào Nam lập nghiệp, phải làm nghề bán rau, đạp xe ba gác, sống trong nhà lá ở xóm nghèo, Trình thấu hiểu nỗi cơ cực của lớp người này. Ở Mỹ, em nhiều lần đi hiến máu nhân đạo, cùng các bạn nấu ăn cho hơn 300 người vô gia cư tại quận Cam vào sáng chủ nhật hàng tuần khi là chủ tịch của tổ chức chuyên về bảo vệ môi trường CSUF Students Recycle. Trình đồng thời giúp một số gia đình nghèo lấy lại được một phần thuế thu nhập đã đóng, theo chương trình hỗ trợ do Sở Thuế của Mỹ và Công ty United Way tổ chức.
“Một bà mẹ đơn thân người Mexico phải đảm nhận 100% trách nhiệm nuôi hai người con khuyết tật. Qua mức đóng thuế thu nhập mỗi tháng khá cao, em biết người mẹ đã làm việc rất chăm chỉ. Những năm trước, cô chưa biết đến chương trình hỗ trợ nên phải trả hơn 100 USD cho mỗi lần khai thuế mới nhận lại được 3.000 USD thuế thu nhập. Nhìn những đứa con khuyết tật của cô đang mong chờ có thể nhận lại mức thuế nhiều hơn để trang trải cuộc sống, em đã làm mọi dịch vụ tư vấn, giấy tờ miễn phí và lấy lại được 8.350 USD cho gia đình”, Trình kể. Người mẹ sau đó đã ôm Đăng Trình khóc và cảm ơn.
Những đóng góp của Phạm Nguyễn Đăng Trình cho cộng đồng dân cư quận Cam đã được Thượng nghị sĩ tiểu bang California, Sở Thuế và Chính phủ tặng bằng khen danh dự. “Sự cống hiến, phục vụ cộng cồng và lòng trắc ẩn trong các hoạt động của em là tấm gương cho tất cả mọi người”, thượng nghị sĩ Lou Correa viết trong bằng khen.
Phạm Nguyễn Đăng Trình nhận được nhiều bằng khen, học bổng cho thành tích học tập và hoạt động vì cộng đồng ở quận Cam (bang California, Mỹ).
Đang là sinh viên nhưng Phạm Nguyễn Đăng Trình đã đảm nhận nhiều vị trí trong các tổ chức như: Phòng Thương mại Việt – Mỹ, Chủ tịch Quỹ Tài chính của Hiệp hội Liên Hợp Quốc tại quận Cam (United Nations Association-USA Orange County), thành viên Hiệp hội quốc gia của Collegiate Scholars (NSCS); thành viên nhóm dự án do Công ty Boeing tổ chức tại CSUF… Sau 3 tháng tham gia khóa học tại các tòa án tối cao quận Cam, Trình với tư cách đại diện cho cộng đồng thương mại Việt Nam ở Nam Cali đã tốt nghiệp Học viện Lãnh đạo Tòa thượng thẩm, bang California.
Tháng 6/2014, em được chọn là đại diện quận Cam tham dự Hội nghị thường niên của Hiệp hội Liên Hợp Quốc tại Washington D.C. Cuộc họp có sự tham gia của hơn 100 nghị sĩ Mỹ. Thời điểm này, Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 16.000 thanh niên, sinh viên Việt Nam sinh sống, học tập tại Mỹ cùng các tổ chức sinh viên khác đã biểu tình ôn hòa tại trụ sở ngoại giao Trung Quốc, viết thỉnh nguyện thư lên Tổng thống Obama, các thượng nghị sĩ Mỹ để kêu gọi sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Nhận thấy các hoạt động này không đem lại hiệu quả cao nên nhân cơ hội được làm việc với lãnh đạo cao cấp của Liên Hợp Quốc, các thượng nghị sĩ Mỹ, Phạm Nguyễn Đăng Trình chuẩn bị 3 bài diễn văn để phát biểu tại phòng họp. Mục tiêu Trình đặt ra là đưa thông tin chính xác, khách quan đến nhiều người; bày tỏ nguyện vọng chung về hòa bình của người Việt Nam đến với các vị lãnh đạo và thể hiện tinh thần kiên quyết, đoàn kết của dân tộc Việt. Trong lần đến thăm và làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ (U.S Department of State), nam sinh tiếp tục bày tỏ quan điểm về việc vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam.
“Là người Việt yêu nước, em không thể làm ngơ khi vùng chủ quyền nước ta bị xâm phạm. Câu nói của Bác Hồ Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước luôn khắc tạc trong em”, chàng trai 23 tuổi chia sẻ.
Tranh thủ được tham gia làm việc với nhiều lãnh đạo cao cấp của Liên Hợp Quốc và hàng trăm nghị sĩ Mỹ (6/2014), Phạm Nguyễn Đăng Trình đã lên tiếng phản đối hành động hạđặt trái phép giàn khoan Hải Dương981 của Trung Quốc tạivùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Là sinh viên năm cuối với nhiều áp lực học tập, Phạm Nguyễn Đăng Trình vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng ở Việt Nam. Em là trưởng ban điều hành của Hội từ thiện Bàn tay nhân ái đang hỗ trợ gạo hàng tháng cho hơn 5.000 hoàn cảnh khó khăn khắp đất nước, xây nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo, mổ mắt – tặng xe lăn cho người khuyết tật… Trình tin rằng, mỗi người sinh ra đều mang theo một sứ mệnh và sứ mệnh của em là được giúp đỡ mọi người.
“Ước mơ từ bé của em là trở thành bác sĩ để có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Em đã thất bại khi đăng ký vào đại học y danh tiếng Otago University của New Zealand. Lúc đau khổ nhất, em nhận được lời khuyên từ một giáo viên. Cô hỏi có bao giờ em nghĩ sẽ trở thành doanh nhân thành công và xây dựng bệnh viện, thuê các bác sĩ để thực hiện ước mơ của mình. Thay vì làm bác sĩ giúp từng bệnh nhân, là doanh nhân thành công và có tấm lòng nhân hậu, em sẽ có thể giúp được nhiều người”, Trình tâm sự.
Chàng sinh viên nhắc chuyện những em bé ở Viện ung bứu TP HCM gọi mình là “anh hai” vì thường đến thăm và dẫn ra ngoài chơi mỗi dịp về Việt Nam. Căn bệnh ung thư tàn phá khiến các em dần mất đi khả năng nhìn, đau đớn vì hóa trị. Khi trở lại New Zealand học tập, Trình nhiều lần nghe tin về sự ra đi của các bé. “Trước khi trút hơi thở cuối cùng, có bé muốn được nghe giọng em và đó là điều khiến em đau khổ nhất. Những khoảnh khắc ấy sẽ không phai nhòa trong tâm trí và đó là một trong những câu chuyện làm nên em ngày hôm nay”, nam sinh nói.
Mong ước của Trình là tiếp tục phát triển hội từ thiện, xây dựng các cơ sở nhân đạo tại Việt Nam và mở rộng chương trình sang các nước châu Phi, hợp tác với các tổ chức từ thiện lớn như Bill & Melida Gates Foundation…
Nguồn: VnExpress