New Zealand: Bí quyết đi lại trong và ngoài thành phố

0

Sẵn sàng du học – New Zealand là đất nước có hạ tầng giao thông cùng hệ thống vận tải đa dạng, có tính kết nối cao, hứa hẹn mang lại cho du học sinh nhiều trải nghiệm lí thú trong thời gian du học tại xứ sở Kiwi.

du_hoc_new_zealand_1

New Zealand: Bí quyết đi lại trong và ngoài thành phố – Nguồn Internet

Đa dạng phương tiện di chuyển trong thành phố

Phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất tại New Zealand là xe buýt. Hệ thống xe bus trong nội thành cũng như giữa các thành phố rất được đầu tư phát triển, do đó bạn có thể yên tâm bước lên xe buýt và tận hưởng khung cảnh thành phố trong lúc chờ tới điểm đến.

Nếu chưa từng sử dụng phương tiện này ở Việt Nam, bạn cũng đừng quá lo! Ở các trạm xe buýt thường có các bảng điện tử như trên báo số trạm buýt (bus stop), bao lâu nữa xe đến (DUE), số hiệu xe (Route), nơi đến (Destination), xe bị trễ (Delay)… để thuận tiện cho việc tìm đường.

Bên cạnh đó tàu (train) cũng là một loại phương tiện công cộng được nhiều người sử dụng, đặc biệt là đối với các quãng đường xa. Tuy nhiên cũng như xe buýt, tàu chỉ có ở vài thành phố lớn.

Ngoài ra, ở New Zealand còn có phà (ferry) – một phương tiện chủ yếu hoạt động ở Auckland nối liền Auckland với North Shore.  Wellington cũng có phà nhưng không phổ biến bằng và phà rất nhỏ, loại hình vận tải này cũng không có ở khu vực Christchurch. Và nếu bạn ở Wellington, bạn hãy thử sử dụng cable car (tàu hỏa leo núi) – một phương tiện di chuyển đặc thù chỉ có ở thành phố này.

Nhìn chung, hệ thống vận tải công cộng ở New Zealand rất tiện dụng, và mỗi thành phố đều sở hữu một trang web hữu ích cho việc tra cứu hành trình cùng thông tin chi tiết về giờ khởi hành, tuyến đường, thời lượng di chuyển…Và nếu bạn đã xác định thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng, bạn nên mua thẻ xe buýt theo tháng hoặc hàng năm để tiết kiệm hầu bao.

Ở Auckland, bạn có thể tham khảo trang Auckland Transport với thẻ trả trước tích hợp bus, train và ferry – AT HOP card. Nếu tải ứng dụng “AT Metro” trên các thiết bị smartphone, bạn còn có thể tiết kiệm khoảng 20% chi phí đi lại so với việc vé thông thường.

Nếu ở Wellington, bạn nhớ tham khảo trang Metlink. Wellington không có thẻ như Auckland nhưng các bạn có thể trả theo tháng hay theo tuyến. Thẻ Metro card ở Christchurch cũng tương tự như AT HOP card của Auckland và giúp tiết kiệm chi phí lên đến 30%so với vé thông thường.

Trong trường hợp bạn là tín đồ của những phương tiện cá nhân như xe đạp hay xe gắn máy, New Zealand cũng rất lý tưởng cho lựa chọn này (trừ những ngày đông lạnh giá).

Với 20 đô la New Zealand, bạn đã có thể mua một chiếc xe đạp cũ.  Những chiếc xe máy phân khối nhỏ 50cc cũng được sinh viên sử dụng tại New Zealand. Xe gắn máy có ưu điểm là tiết kiệm xăng, cơ động, dễ chạy vì dường như sinh viên Việt Nam cũng đã quá quen với loại hình này (bằng lái xe Việt Nam được dịch song ngữ có thể sử dụng để di chuyển tại New Zealand). Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng hình thức di chuyển này không thích hợp với trời mưa và mùa đông ở New Zealand vì đường phố dễ trơn trượt và tỉ lệ tai nạn xe máy cao, tiền sửa chữa, bảo hành xe gắn máy ở New Zealand cũng rất lớn.

Phương tiện di chuyển liên thành phố

Nhờ vào hệ thống giao thông hiện đại và có tính kết nối cao, sinh viên du học tại New Zealand có thể di chuyển dễ dàng giữa các thành phố hay giữa đảo Nam – Bắc để khám phá đất nước, mở rộng cơ hội việc làm.

Có giá cả phải chăng nhất với sinh viên, phải kể đến xe bus liên thành phố với dịch vụ Naked Bus. Hãng xe bus này có giá khá rẻ, mức độ phủ kín tuyến nhiều và có thể mua nhiều tour tuyến/trip (gọi là passport) thì sẽ rất tiết kiệm. Phần lớn các sinh viên quốc tế tham gia chương trình Working Holiday của chính phủ New Zealand đều dùng Naked Bus Passport. Một sự lựa chọn khác đó là Intercity Bus – một dịch vụ vận chuyển liên thành phố khá lâu đời ở New Zealand. Hệ thống bus này có các tuyến bus phủ kín, lịch khởi hành nhiều tuy nhiên giá mắc hơn Naked Bus và không có loại nhiều tour tuyến như của Naked Bus.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng xe lửa liên thành phố. Vì New Zealand chia ra 2 đảo nên sẽ không có tuyến xe lửa xuyên suốt. Xe lửa chủ yếu dành cho khách du lịch vì cảnh rất đẹp nhưng giá khá cao. Để tham khảo lịch tàu chạy, điểm đến, giá cả của các tuyến xe lửa liên thành phố, các bạn tham khảo trang web của KiwiRail. Nếu bạn là “fan” của các ngọn núi hung vĩ thì cũng nên trải nghiệm xe lửa ngắm cảnh ở New Zealand nếu có thời gian.

Để di chuyển qua lại giữa 2 đảo của New Zealand mà không muốn sử dụng máy bay hoặc phải mang theo xe hơi, thì bắt buộc phải dùng phà biển. Phà biển của New Zealand có sức chứa rất lớn, có thể chở được vài trăm hành khách với xe hơi. Ngoài ra, phà còn có nhiều tiện ích hấp dẫn khác như rạp chiếu phim, ghế nằm, nhà hàng, các hoạt động giải trí cho thiếu nhi, phòng ngủ riêng cho các khách VIP,…Phà thường sẽ khởi hành từ Wellington (đảo Bắc) và đến Picton (đảo Nam) và ngược lại, thời gian đi về giữa hai đảo là khoảng 3-4 tiếng. Có hai công ty vận hành phà biển nối hai đảo Nam và Bắc là Interislander và Bluebridge. Interislander có nhiều phà và lịch khởi hành hơn Bluebridge, tuy nhiên giá cả cũng cao hơn. Vào những ngày đẹp trời thì phà là phương tiện ngắm cảnh, ngắm cá heo tuyệt vời – và đây đồng thời cũng là một trải nghiệm nhất-định-phải-thử khi du học New Zealand.

Vốn sở hữu một hệ thống sân bay nội địa và quốc tế khá dày đặc ở cả Đảo Bắc và Đảo Nam, New Zealand là đất nước có hệ thống hàng không phát triển. Các hãng hàng không nội địa phổ biến là Air New Zealand, Jetstar New Zealand và Pacific Bule. Thực tế, nếu cần di chuyển quãng đường xa như Auckland – Christchurch hay Christchurch – Wellington thì máy bay là lựa chọn tốt nhất. Chuyến bay Auckland – Christchurch rẻ nhất có mức giá khoảng 60 đô la New Zealand/chiều, và nếu muốn di chuyển từ Wellington đến Auckland, bạn chỉ mất 1 giờ đồng hồ bay mà thôi. Đặc biệt, hãng Air New Zealand hàng tuần đều có nhiều vé khuyến mãi giá rẻ nên bạn có thể sử dụng ứng dụng Grab A Seat để nhanh tay săn vé về.

Cuối cùng, hitchhiking (đi nhờ xe) cũng là một hình thức di chuyển rất thú vị. Theo kinh nghiệm của sinh viên quốc tế, tỉ lệ thành công của hitchhiking ở các vùng xa thành phố và ở đảo Nam là cao nhất. Và để có một chuyến đi nhờ xe thành công, bạn cần chuẩn bị biển hiệu nơi muốn đến (nếu biển hiệu dễ thương thì cơ hội đi nhờ càng cao!)

Ngoài ra, bạn cũng không nên đeo kính mát vì các tài xế có xu hướng nhìn nhận người xin hitchhike qua đôi mắt. Ngoại hình cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hitchhiking, vì thế mà các bạn nữ thường dễ hitchhiking hơn các bạn nam. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là dân cư rất thưa thớt các vùng ngoại ô New Zealand, vì vậy bạn không nên đi nhờ xe một mình vào buổi đêm.

Thái Hải (SSDH) – Theo hotcourses

Share.

Leave A Reply