SSDH – Du học đã 1 bước thay đổi lớn trong cuộc đời tôi, và nó còn lớn hơn rất nhiều khi điểm đến được lựa chọn là Anh Quốc – một đất nước rất xa, cách Việt Nam tận 18 tiếng đi máy bay.
Tôi hiện đang học tại Newcastle – thành phố phía Đông Bắc nước Anh, tuy chỉ mới là sinh viên du học năm hai, nhưng hơn một năm vừa rồi của tôi tại đây sẽ luôn là những kỷ niệm, trải nghiệm không bao giờ quên.
Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay Heathrow (London) là sự lạc lõng, bối rối phủ vây tất cả suy nghĩ về những việc mà tôi phải làm trước mắt. Có lẽ, sự hối hả trong phong thái của người dân London đã tạo cho tôi cảm giác ấy. Chỉ đứng một chỗ tại sân bay và ngắm nhìn người qua lại, tôi cũng có thể cảm nhận được London là một thành phố bận rộn, tấp nập và có chút xô bồ của cuộc sống. Đối với tôi năm ấy, một cô học sinh 18 tuổi thấp bé nhẹ cân, thì người dân Anh thực sự rất to lớn, cùng với đôi mắt sâu, mũi cao và mái tóc sáng màu, tôi cảm thấy họ rất xa lạ, rất khó gần.
Và tất cả những cảm giác đó luôn hiện hữu cứ mỗi lần tôi tới London để du lịch, hay để đáp máy bay về Việt Nam. Hôm đó, sau 5 tiếng transit, tôi rời khỏi London và bay tới Newcastle. Mọi cảm giác gần như thay đổi hoàn toàn sau khi được trường đón tại sân bay và đưa về ký túc xá. Tôi nhận được sự ân cần từ những nhân viên của trường hay người quản lý ký túc vì thế tôi cảm thấy thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn, tự tin hơn về cuộc sống ba năm tới của mình. Thậm chí chỉ sau vài tuần ở Anh, tôi đã tăng 3kg so với số cân nặng khi còn ở Việt Nam.
Một môi trường bận rộn với những con người ân cần và cởi mở khiến tôi háo hức cho 3 năm học sắp tới của mình
Năm nhất đại học với tôi không có mấy khó khăn ngoài việc phải tranh luận các tình huống môn Luật bằng tiếng Anh và nghe lũ bạn luyến thoắng không hiểu gì. Thú vị nhất là khi được học Tài Chính, toàn là những công thức tính toán, mà đối với tôi hay bất cứ học sinh Việt Nam nào thì xử lý chúng dễ như trở bàn tay. Nhưng với mấy đứa da trắng, tóc vàng thì mấy thứ số số tính tính đó lại hốc búa vô cùng. Tôi nghĩ rằng có lẽ là vì học sinh Việt Nam đã được “tu luyện” quá nhiều bởi mấy vị tích phân, đạo hàm – những công thức rắc rối hơn nhiều. Còn về việc viết luận (assignment), tôi cũng không gặp mấy khó khăn vì tôi đã học khóa dự bị đại học IFY tại Việt Nam, đã làm quen với cách viết bài và lối chấm điểm của giáo dục Anh. Rồi năm nhất của tôi qua đi với cảm xúc chủ đạo là chán ngán: bài tập thì chẳng có mấy, đi chơi nhiều thì sợ tốn tiền.
Ở Anh, tất cả mọi cửa hàng đều đóng cửa từ 7h nên buồn nhất là vào buổi tối, tôi chẳng có chỗ nào để đi và hơn hết là rất nhớ nhà. Được cái là tôi có quen một hội du học sinh Việt Nam, thỉnh thoảng tổ chức gặp gỡ rồi nấu các món Việt Nam để ăn với nhau, cùng nhau nói chuyện về Việt Nam hay chia sẻ những kinh nghiệm ở xứ sở sương mù này. Năm nhất của tôi cũng đã được tận hưởng London vào dịp Noel và được chụp ảnh tượng sáp David Beckham, đứng cạnh chụp ảnh rồi post lên facebook mà bạn bè trố mắt ra tưởng là Beckham thật, quả là đã đời.
Chụp ảnh cùng… “David Beckham”
Đến năm du học thứ hai, tôi cảm nhận được sự thay đổi về suy nghĩ và tính cách rõ rệt của bản thân. Sau khi nghỉ hè ở Việt Nam, tôi không còn thấy bối rối khi quay trở lại Anh mà thậm chí còn cảm thấy quen thuộc và ấm cúng khi về nhà ở Newcastle. Bắt đầu những ngày đầu tiên của kỳ học mới, tôi hiểu rằng du học không chỉ là cố gắng học sao cho tốt mà còn phải năng động, rèn luyện khả năng giao tiếp bản thân, nên tôi tham gia nhiều hơn vào các chương trình tình nguyện của trường. Nhưng rồi cũng chính điều đó đã khiến tôi có một chút áp lực. Bởi lẽ, khi giao lưu nhiều hơn với các bạn nước ngoài, tôi biết rằng để được nhận vào làm việc và tạo một chỗ đứng sau này cho bản thân thì sự năng nổ, hoạt bát, nhiệt tình cũng không kém phần quan trọng so với một tấm bằng đại học.
Vậy nên tôi cố gắng phải tham gia nhiều hoạt động và cố gắng kiếm một việc làm cho sinh viên. Khi đi xin việc, có những lúc bị từ chối thẳng thừng, điều đó đã đẩy bản thân tôi vào sự bí bách, áp lực. Dần dần, tôi đã suy nghĩ phóng khoáng hơn và từ từ thực hiện từng bước đường xây dựng tương lai. Đến năm du học thứ hai, tôi cũng không còn gò bó bản thân về việc chi tiêu hay tiền nong nữa. Năm du học thứ nhất thường thấy mọi thứ rất đắt đỏ, muốn tiết kiệm và không đi chơi đâu mấy. Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng khoảng thời gian được sống ở Anh cũng chẳng còn mấy nữa nên tôi đi du lịch các thành phố khác nhiều hơn, như là Glasgow, Durham và Edinburgh. Sắp tới còn dự định tới Manchester để được thăm thú Nhà Hát của Những Giấc Mơ. Tôi không tiêu hoang, lãng phí, nhưng du lịch là những trải nghiệm xứng đáng mà tôi nên dành tiền cho nó.
Tôi đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện cũng như đi du lịch nhiều hơn
Hiện tại, cũng như năm nhất thôi, chỉ muốn được về nhà với gia đình, bạn bè, thèm được đi ăn phở hay miến lươn. Nhưng tôi tin rằng khi trở về hẳn Việt Nam rồi, tôi sẽ rất nhớ Newcastle này, nhớ những kiến trúc cổ kính ở Anh và những người dân thân thiện, luôn tỏ ý được giúp đỡ tôi hay những du học sinh thiệt thòi vì phải sống xa nhà.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí