SSDH – Theo Bộ GD-ĐT, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực từ những nhóm ngành như khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường… nhưng các trường đại học có đào tạo những nhóm ngành này lại tuyển sinh được rất ít.
- Hướng dẫn chi tiết làm như thế nào để chọn được ngành phù hợp?
- 08 bước đơn giản để chọn đúng ngành nghề
Thống kê của Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm năm 2021 mới đây cho thấy năm 2020, nhóm ngành khoa học tự nhiên có tổng chỉ tiêu 4.506 nhưng tổng số sinh viên nhập học chỉ là 1.867; nông lâm nghiệp và thủy sản có tổng chỉ tiêu 9.416, tổng nhập học 4.135; môi trường và bảo vệ môi trường có tổng chỉ tiêu 6.656, tổng nhập học 4.345.
Chỉ tuyển được vài ba sinh viên
Là trường có truyền thống đào tạo về khoa học tự nhiên, bên cạnh một số ngành hot, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn có một số ngành học gặp báo động đỏ về tuyển sinh đầu vào như ngành khoa học trái đất, môi trường, địa chất, khí tượng thủy văn…
Trường ĐH Giao thông vận tải có ngành kỹ thuật môi trường phục vụ công trình giao thông và phương tiện giao thông những năm gần đây chỉ tuyển được 75 – 80% so với chỉ tiêu đặt ra.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trong hai năm 2018 và 2019 không tuyển được sinh viên nào cho ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Đến năm 2020, ngành này tuyển được 4 sinh viên. Khoa sinh của trường này có tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ rất cao cũng chỉ thu hút được 3-4 sinh viên.
PGS.TS Hà Trần Phương, chủ tịch hội đồng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), cho biết: “Không chỉ ngành khoa học tự nhiên đâu, xã hội đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ, rất khát nhân lực phục vụ việc chuyển đổi này, thế nhưng môn sư phạm tin học lại không thu hút được người học. Chúng tôi rất băn khoăn không hiểu vì sao các em không chọn”.
Cần dự báo nhu cầu nhân lực
Một giảng viên của Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ rất thật: “Cử nhân vật lý ra trường lương khoảng 4-5 triệu đồng, trong khi công nhân làm trong khu công nghiệp nước ngoài lương đã 8 triệu đồng/tháng. Vào học ngành môi trường, khi ra trường không biết có xin việc được hay không.
Học trò vùng cao, nhà nghèo sẽ rất cân nhắc khi nghĩ đến những ngành này. Phụ huynh và học trò đến nhà thầy thấy đơn sơ thì họ cũng không muốn cho con họ theo học ngành khoa học tự nhiên”.
Tuy nhiên, vẫn có những ngành ra trường lương tốt nhưng lại ít người chọn. GS.TS Phạm Hồng Quang, giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết ngành nông lâm sinh viên ra trường có thể kiếm được lương 20 triệu đồng/tháng ngay nhưng rất ít sinh viên theo.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, câu chuyện những ngành xã hội rất khát nhân lực nhưng lại tuyển sinh ít không đơn giản chỉ là tâm lý chọn ngành “hot” của thí sinh hay văn hóa tuyển sinh của các trường, mà phức tạp hơn thế.
“Có nhiều ngành ‘hot’, thí sinh thi vào nhiều, nhưng ra trường chưa chắc đã có việc làm. Ngược lại có những ngành nghiên cứu cơ bản như vật lý chẳng hạn, rất ít người vào nhưng chưa chắc là thị trường không có nhu cầu đâu. Nhưng biết làm sao được, đã là thị trường thì phải tôn trọng quy luật cung cầu, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải thích nghi với tình huống thôi” – GS.TS Phạm Hồng Quang nói.
Ông Quang cũng nhận định một số ngành xã hội cần nhưng không tuyển sinh được không nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt hay không, có học bổng thu hút người học hay không, mà rất cần có sự dự báo của Nhà nước cho biết nhu cầu thị trường sắp tới cần những gì để từ đó khuyến khích xã hội tham gia, Nhà nước cũng cần đầu tư cho những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển nữa.
“Giáo dục nghề nghiệp của mình cần làm sâu hơn nữa, ngoài việc chỉ cho các em cách chọn vị trí việc làm thì cần giáo dục các em nhiều hơn nữa về giá trị nghề nghiệp mà các em sẽ theo đuổi” – ông Phạm Hồng Quang đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho rằng cũng cần chờ sự chuyển dịch của các bộ ngành: “Do đặc thù nền kinh tế của Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến môi trường, hệ thống quan trắc, dự báo, đánh giá tác động môi trường dù có nhưng chưa sâu. Do đó, nguồn việc làm cho những ngành này chưa rõ nét.
Do đặc thù công việc vất vả, thù lao chưa cao nên xã hội có cảm giác học xong ra trường khó xin việc”.
“Muốn ngành kỹ thuật môi trường “hot” thì phải chờ đến lúc tất cả các hoạt động đều cần có đánh giá về phát thải môi trường, và phải có nghiên cứu để xử lý vấn đề này. Rồi liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm cần yêu cầu có kỹ sư môi trường. Các cấp, các ngành trong Chính phủ cần có dự báo chung về nhân lực cho lĩnh vực này” – PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nói.
Nhiều giải pháp hút sinh viên
GS.TS Lê Thanh Sơn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết trường đã có kế hoạch quảng bá thêm về các ngành khó tuyển trong thời gian tới.
“Chúng tôi đang liên kết với các tổng cục của Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tạo cho sinh viên cơ hội thực tập và có học bổng nhằm thu hút sinh viên vào các ngành nói trên. Chúng tôi có học bổng 100 triệu đồng, 50 triệu, 25 triệu cho sinh viên ở nhóm tốp đầu”, ông Sơn nói.
SSDH (The TTO)