Nghệ thuật viết tiểu luận tiếng Anh

0

nghe-thuat-viet-tieu-luan-tieng-anhSSDH – Viết tiểu luận tiếng Anh là một kỹ năng khá quan trọng để bạn hoàn thiện kỹ năng tổng hợp của mình. Ở trong bài tiểu luận bạn sẽ trình bày ý kiến, quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, trong thơ văn hoặc một vấn đề mà bạn quan tâm. Nhưng làm thế nào để viết một bài tiểu luận thật lôi cuốn và hấp dẫn?

 

Một bài tiểu luận thường gồm có ba phần: phần mở bài, thân bài và kết bài. Trong một bài tiểu luận bạn phải có ít nhất năm đoạn văn, một đoạn cho phần mở, một đoạn cho phần kết và phần thân bài gồm có ba đoạn. Theo trình tự logic thì bao giờ phần mở bài cũng là giới thiệu chủ đề mà bạn muốn nói tới, tiếp theo là các ý chứng minh, bổ sung cho ý kiến mà bạn nêu ra ở phần mở bài và cuối cùng là tổng kết lại những gì mình đã nói ở phần kết bài. Tiểu luận đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, trong các nghiên cứu khoa học cũng như trong trường học. Làm tiểu luận cũng là một cách để rèn luyện tư duy phê phán . Vì vậy, tiểu luận cũng có những luật lệ cơ bản của nó và để có một bài tiểu luận hay thì ít nhất bài tiểu luận đó phải đạt những yêu cầu sau:

 

I. Phần mở bài

 

Đây là đoạn văn đầu tiên trong bài tiểu luận của bạn và nó phải đạt được ít nhất một trong các tiêu chí sau đây:

 

Thứ nhất là phải hấp dẫn người đọc: Bài tiểu luận của bạn sẽ thu hút được người đọc hơn nếu nó được bắt đầu bằng một câu nói thu hút được sự chú ý và quan tâm của người đọc. Tránh bắt đầu một bài tiểu luận bằng những câu văn nhàm chán đại loại như:

 

· In this essay I will explain why Rosa Parks was an important figure. (Trong bài tiểu luận này tôi sẽ giải thích tại sao Rosa Parks lại quan trọng như thế).

 

Mà hãy thay nó bằng những câu kiểu như thế này:

 

· A Michigan museum recently paid $492.000 for an old, dilapidated bus from Montgomery, Alabama. (Gần đây viện bảo tàng Michigan đã mua một chiếc xe buýt cũ từ Montgomery, Alabama với giá kỷ lục $492,000).

 

Rõ ràng là khi đọc câu thứ hai người đọc sẽ phải băn khoăn rằng tại sao một chiếc xe buýt cũ kỹ mà lại có cái giá cao ngất ngưởng như thế. Và thế là vì tò mò, họ sẽ đọc tiếp bài tiểu luận của bạn để tìm câu trả lời.

 

Thứ hai là bạn phải giới thiệu được chủ đề mà mình muốn nói. Câu tiếp theo trong phẩn mở bài bạn nên giải thích cho câu thứ nhất và chuẩn bị cho câu chủ đề của bài tiểu luận.

 

Ví dụ như:

 

· The old yellow bus was reported to be the very one that sparked the civil rights movement, when a young woman named Rosa Parks…(Chiếc xe buýt màu vàng nói trên là vật đánh dấu bước tiến quan trọng trong quyền dân sự khi mà người phụ nữ trẻ mang tên Rosa Parks…)

 

Tiếp theo là bạn phải thể hiện ý kiến của bạn trong câu chủ đề. Trong câu chủ đề, bạn nên thể hiện rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình. Ví dụ:

 

· In refusing to surrender her seat to a white man, Rosa Parks inspired a courageous freedom movement that lives on, even today. (Từ chối sự thoả hiệp với người da trắng, Rosa Parks đã tạo một bước tiến lớn trên con đường đến với tự do tồn tại đến tận ngày nay).

 

II. Phần thân bài

 

Phần thân bài của một bài tiểu luận phải gồm ít nhất là ba đoạn văn, mỗi đoạn văn phải diễn đạt một ý để bổ sung cho ý chính của bài tiểu luận. Bạn nên diễn đạt ý chính của mình và sau đó quay lại bằng một hoặc hai câu nêu lên dẫn chứng với các số liệu hoặc ví dụ. Nếu ý chính của bạn là:

 

· It took incredible courage for an African American woman to make such a bold stance in 1955 Alabama. (Đó là một sự can đảm kỳ diệu của một người Mỹ gốc Phi để tạo nên lập trường vững chắc tại Alabama vào năm 1955).

 

Vậy thì các ý phụ để bổ sung cho ý chính của bạn có thể là:

 

· This act took place in an era when Africa Americans could be arrested and face severe retribution for committing the most trivial acts of defiance. (Hành động này đã thay đổi cả một kỷ nguyên khi mà người Mỹ gốc Phi có thế bị bắt và đối mặt với rất nhiều trừng phạt nguy hiểm vì họ không có cả những kháng cự bình thường nhất).

 

Bạn có thể sử dụng thêm một vài ý khác nữa để bổ sung cho ý chính mà bạn muốn nói, sau đó bổ sung thêm số liệu nhưng hãy ghi nhớ là bạn phải dụng từ nối để chuyển ý sang một đoạn văn mới. Bạn có thể sử dụng một vài từ nối như: moreover (thêm vào đó), in fact (thực tế là), on the whole (nói tóm lại), furthermore (thêm vào đó), as a result (kết quả là), for this reason (vì lý do này), similarly (tương tự như), likewise (tương tự như), its follows that (theo sau là), naturally (một cách tự nhiên), by comparison (so với), surely (chắc chắn), yet (nhưng)…

 

III. Kết luận

 

Đoạn văn cuối cùng sẽ là tổng kết lại ý những ý chính mà bạn đã nói và nêu lại ý kiến của bạn một lần nữa. Bạn nên nhắc lại chính kiến của mình một lần nữa nhưng không nên nhắc lại các số liệu và các ví dụ.

 

Sau khi bạn đã viết xong bài tiểu luận, bạn nên xem lại câu chủ đề và soát lại bài một lần nữa xem những ý mà mình nói có liên quan chặt chẽ và bổ sung cho câu chủ đề hay chưa. Nếu bạn cảm thấy rằng, một ý nào đó trong phần thân bài mặc dù rất hay nhưng chưa thật sự liên quan đến chủ đề mà bạn đang nói tới thì đừng ngần ngại mà thay thế chúng bằng một ý khác sát với câu chủ đề hơn. Soát lại bài là để chắc chắn rằng có sự liên kết chặt chẽ về ý giữa ba đoạn mở bài, thân bài, và kết bài, để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

 

Bằng cách làm như thế chắc chắn rằng bạn sẽ có một bài tiểu luận logic về ý và có bố cục cân đối. Chúc các bạn thành công!

 

SSDH – ST

Share.

Leave A Reply