Người trẻ Việt đi xuất khẩu lao động: Đi 3 năm, kiếm trăm triệu và những sự lãng phí

0

Sẵn sàng du học – Anh N.V.Trung sinh năm 1996, làm công nhân dập kim loại tại Nhật Bản đã được 2 năm. Tuần làm việc 6 ngày, cuối tuần Trung không nghỉ ngơi mà làm công việc bán laptop online để kiếm thêm thu nhập. Sau 2 năm đi xuất khẩu lao động, Trung đã gửi về nhà được 200 triệu.

Dành “cả thanh xuân” để kiếm tiền

Chính sách xuất khẩu lao động có 2 mục tiêu lớn: giải quyết việc và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Mới đây, PGS. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính sách (VEPR) cũng cho biết: “Mục tiêu của xuất khẩu lao động là giúp thanh niên, người trẻ tuổi có việc làm nhiều hơn. Đặc biệt với những nước phát triển có sự hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam như Nhật Bản, họ muốn đào tạo người lao động đấy khi trở về nước có thêm tay nghề.”

Tuy nhiên, mục tiêu khi đi xuất khẩu lao động của N.V. Trung – cũng như rất nhiều người trẻ Việt khác – đơn thuần là kiếm tiền.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho hay, do chi phí đi cao nên người lao động phải tập trung vào làm việc kiếm tiền trả nợ. Ông cho biết chi phí đi sang thị trường Nhật Bản vào khoảng 5.300 USD – dù thấp hơn so với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc – nhưng vẫn còn cao so với người lao động. Theo đó, trước khi sang Nhật, trung bình người lao động phải đi vay 4.660 USD – khoảng trên 100 triệu đồng.

© Won Kim - Enclosed: Living Small

Enclosed: Living Small

“Chi phí cao như vậy nên khi họ sang bên kia làm việc, họ chỉ tập trung vào kiếm tiền hàng ngày sao cho nhiều nhất, mà không có thời gian học tiếng, kỹ năng, hay là học hỏi từ xã hội đó. Đó cũng là một thiệt thòi cho họ.” PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

Khi được hỏi về những điều đã trau dồi được cho bản thân trong 2 năm qua tại Nhật, Trung nói: “Sức chịu đựng, biết nhẫn nhịn, biết chịu khó.” Nhưng còn về kỹ năng, tay nghề để phục vụ cho công việc sau này thì Trung trả lời: “Chắc là không có rồi.”

Không thể phủ nhận là ngoài tiền, khả năng ngoại ngữ, kỷ luật làm việc trong môi trường quốc tế, người lao động còn có tay nghề. Nhưng đa phần là tay nghề thấp. Theo Vnexpress, khoảng 50% trong 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài là lao động phổ thông, có tay nghề thấp, số còn lại là lao động có tay nghề nhưng chủ yếu là đào tạo sơ cấp 3 tháng.

Lãng phí nguồn lực hậu xuất khẩu lao động

Theo khảo sát trên 112 lao động ở Hà Nam do JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) và VEPR phối hợp thực hiện, sau khi trở về Việt Nam, 61% thực tập sinh lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm ở Nhật.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Đa phần là không liên quan. Khi trở về cũng không cần gì đến nghề nghiệp đã làm ở Nhật. Tức là lực lượng lao động trở về, có một chút vốn, về mở một cửa hàng cho vợ hay là mua một xe taxi chứ không làm nghề hàn mà người đó học trong 3 năm ở Nhật.”

Kế hoạch của N.V.Trung sau khi về nước là bỏ vốn ra để kinh doanh. Trung cho biết đa số bạn bè trở về cũng không chọn việc cũ, tức là không làm công nhân trong các công ty Nhật tại Việt Nam.

Theo khảo sát của JICA, “đánh giá của doanh nghiệp về thực tập sinh trở về nước cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được khảo sát không ưu tiên tuyển dụng thực tập sinh sau khi về nước. Điều này là do thực tập sinh thường yêu cầu mức lương cao hơn so với mức trung bình mà doanh nghiệp có thể trả. Mức chênh lệch vào khoảng 100 USD.”

Một lý do khác là công nghệ tại Việt Nam không như nước ngoài nên kỹ năng nghề của thực tập sinh sau xuất khẩu lao động không áp dụng được trong nước.

Từ đó có thể thấy, tay nghề, ngôn ngữ, kỷ luật làm việc trong môi trường nước ngoài không được sử dụng khi người lao động trở về. “Đây là một sự lãng phí rất lớn,” TS Thành nhận xét.

PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận: “Dù nhà nước đã can thiệp rất nhiều nhưng xuất khẩu lao động vẫn thuần túy rất nhiều về cá nhân.” Mà cá nhân thì người lao động sẽ đi xuất khẩu thiếu định hướng, ít kế hoạch dài hạn.

Dưới góc nhìn chính sách, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương nhận định: “Về sự trở về của lực lượng lao động, chúng ta không có nhiều chiến lược, chương trình cho các lao động này hội nhập vào thị trường lao động. Cũng như sử dụng hết vốn, kỹ năng của họ.”

Trong báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 được thực hiện bởi VEPR, trong chương 6 – “Thúc đẩy năng suất lao động thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế,” các tác giả khuyến nghị thực tập sinh nên xác định được mục tiêu dài hạn khi tham gia chương trình và chuẩn bị kỹ kế hoạch học tập của bản thân. Cụ thể:

  • Có một tầm nhìn rõ ràng khi tham gia chương trình.
  • Chuẩn bị tốt hơn cho việc đi xuất khẩu lao động bằng một kế hoạch dài hạn.
  • Chủ động chia sẻ nguyện vọng của bản thân và những kỹ năng mong muốn được học hỏi với doanh nghiệp tiếp cận.
  • Chịu khó tích lũy kỹ năng, học thêm các tri thức, kỹ năng xã hội để nâng cao hiệu quả đào tạo ở nước ngoài.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Alo Úc 

Share.

Leave A Reply