SSDH – Cái tên Xuan Trang Ho (Hồ Thị Xuân Trang) giờ đây đã trở thành niềm tự hào của Trường đại học Wesleyan (bang Nebraska, Mỹ) bởi cô là sinh viên thứ hai của trường đoạt được học bổng danh giá Rhodes kể từ năm 1913.
Học rất giỏi, công tác xã hội cũng rất cừ, Xuân Trang đã vẽ nên một chân dung VN thế hệ 8X thành đạt trên đất Mỹ.
Học giỏi để đền ơn cha mẹ
Một ngày cuối năm 1994, cô bé Xuân Trang lúc ấy vừa tròn 12 tuổi cùng gia đình di cư tới Lincoln, thủ phủ bang Nebraska. Cuộc sống nơi đất khách những ngày mới đến quả thật không dễ dàng đối với gia đình Xuân Trang. Sớm nhận thức phải học tiếng Anh thật giỏi để mau chóng hòa nhập với cộng đồng và giúp cha mẹ, Trang tranh thủ học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, kể cả những dòng chữ trên tivi trong chương trình bản tin.
Vào trung học, phổ thông rồi ĐH, nguồn động viên lớn nhất Trang luôn đem theo bên mình là hình ảnh hai đấng sinh thành làm việc vất vả với đồng lương ít ỏi để có tiền nuôi con. Cô bé Út Trang đen nhẻm, gầy nhom ngày nào giờ đây đã là sinh viên năm cuối Trường ĐH Wesleyan ngành chính trị và tiếng Tây Ban Nha. Ngày 27-9 tới, Trang sẽ lên đường sang Anh để học thạc sĩ ngành chính trị Mỹ Latin và ngoại giao tại Trường đại học Oxford rồi trở về Mỹ học tiếp tiến sĩ.
Cô gái có nhiều hoài bão không ngần ngại bày tỏ nguyện vọng vào làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Có đọc những bài phân tích kinh tế, chính trị với lập luận sắc bén của Trang trên báo điện tử politicalaffairs.net và một số tờ báo khác mới thấy đó hoàn toàn không phải là ước mơ viển vông của một cô gái mới lớn. Hiện Trang đang làm những thủ tục an ninh cần thiết để chuẩn bị cho đợt thực tập tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong mùa hè này.
Người của cộng đồng
Dù tiêu chí của Trang là “đặt việc học lên hàng đầu” nhưng rảnh lúc nào là cô lại tranh thủ tham gia công tác xã hội.
Từ hai năm nay, cộng đồng người Việt ở Lincoln không còn xa lạ với cô gái có nước da nâu bánh mật và nụ cười đậm chất miền Đông Nam bộ, vì cô luôn có mặt để phiên dịch trong những ca khám bệnh của người Việt. “Mình may mắn tích lũy được vốn liếng ngoại ngữ, vậy tại sao không dùng nó để giúp đỡ người khác khi cần?” – Trang “lý sự” như thế để giải thích với Tuổi Trẻ vì sao cô không chọn những công việc làm thêm có mức thu nhập cao hơn. Điện thoại di động của cô chẳng khác nào “đường dây nóng” của các bệnh viện. Có những ca mổ quan trọng cần Trang đến phiên dịch lúc bốn, năm giờ sáng là chuyện bình thường.
Rời VN từ khi còn bé nhưng hình ảnh đồng quê xanh ngút ngàn của miền quê Bình Dương và những gương mặt VN thân quen cứ trở đi trở về trong giấc mơ của Trang. Tại những buổi nói chuyện với các giáo sư người Mỹ và cộng đồng, cô không bao giờ quên nhắc đến bản sắc văn hóa Việt với tất cả sự trân trọng và tự hào, bởi nó là cái khuôn định hình cho cuộc sống của Trang tại Mỹ và cũng là lý do khiến cô đạt được những thành quả như ngày hôm nay. Cô thổ lộ bằng một giọng rất chân thành: “Tất cả những gì mình đã làm đều là vì danh dự của cha mẹ và dân tộc VN”.
Xuân Trang tốt nghiệp phổ thông tại Trường Lincoln năm 2002 với điểm trung bình cao nhất trường. Năm 2005, cô được nhận học bổng Truman trị giá 30.000 USD dành cho người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phục vụ cộng đồng. Ngày 15-2 vừa qua, Trang là một trong 20 sinh viên xuất sắc nhất nước Mỹ nhận cúp All-Star Academic First Team (Những ngôi sao hàn lâm hàng đầu) do báo USA Today (Nước Mỹ ngày nay) tổ chức, với phần thưởng trị giá 2.500 USD. Nhưng giải thưởng lớn nhất mà Trang nhận được là học bổng Rhodes 2006 dành cho nhân tài đến từ những nước nói tiếng Anh, với học bổng toàn phần hai năm tại Trường đại học Oxford của Anh. Học bổng Rhodes chỉ trao cho 32 người tại Mỹ mỗi năm và Trang là người VN thứ ba tại Mỹ được nhận học bổng này. |