SSDH – Trong khi có khá nhiều bạn trẻ bây giờ hy vọng chỉ với câu thần chú vác ba lô lên và ‘bay’ sẽ giúp họ biến ước mơ trở thành một- Bill- Gates thứ- hai thì đã có những người Việt trẻ đang từng bước âm thầm thực hiện giấc mơ Mỹ của mình. Chinh phục được chiếc ‘bánh Mỹ’ khó nhằn, cạnh tranh với những đại gia công nghệ nổi tiếng, hay đơn giản hơn là làm rúng động thung lũng Silicon bằng những phát minh táo bạo cộp mác ‘made in Vietnam’.
Đó là cách mà những du học sinh Việt đã thành công khi đem chuông đi đánh xứ người.
1. CEO Đỗ Hoài Nam: “Sẽ đưa Startup Việt vào làng công nghệ thế giới”
Vào Google search cái tên Đỗ Hoài Nam chắc chắn sẽ khiến nhiều người chết ngộp bởi hàng nghìn kết quả, tuy nhiên nếu chỉ đơn giản với cái tên CEO Emotiv thì không khó để bạn nhận ra gương mặt anh chàng doanh nhân người Việt quen thuộc, cũng là một startup có tiếng tại thung lung Silicon với câu nói nổi tiếng “Sẽ đưa Startup Việt vào làng công nghệ thế giới”.
Anh chàng CEO trẻ tuổi sinh năm 1977 từng là cựu sinh viên trường Đại học RMIT, giành học bổng toàn phần Úc theo diện dành cho những sinh Việt giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo, giờ đây Đỗ Hoài Nam hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Emotiv Systems. Đây là công ty sản xuất ra bộ mũ điều khiển Emotic EPOC – trong bộ phim nổi tiếng Avatar- được các nhà làm phim cho chạy thử nghiệm trước khi giới thiệu bộ phim trước công chúng.
Bộ mũ điều khiển Emotiv EPOC có thể đọc được suy nghĩ, cảm xúc và biểu cảm của con người qua việc thu tín hiệu từ vỏ não
“Trong một tương lai gần, máy tính sẽ hiểu được không chỉ những câu lệnh khô khan mà cả những cảm xúc của bạn. Điều đó sẽ khiến máy tính có thể phục vụ con người một cách hiệu quả và hợp lý hơn gấp ngàn lần”. Có lẽ bởi vậy mà Hoài Nam cùng với 3 người bạn cộng sự xuất sắc khác (trong đó có 1 nữ doanh nhân người Việt) đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ điều khiển EPOC, giúp công ty họ thu được hơn 10 triệu USD trong năm đầu tiên và chiếm trên 70% tổng sản lượng toàn cầu về dạng sản phẩm có chức năng tương tự.
Năm 2011, anh chàng này cũng là người đã mời ban nhạc nổi tiếng Backstreet Boys về biểu diễn tại Việt Nam, mặc dầu chi phí bỏ ra và doanh thu thu về có sự chênh lệch lớn. “Vì niềm đam mê âm nhạc, chứ không hẳn vì mục đích kinh doanh” – như anh chia sẻ.
Gần đây nhất, CEO Đỗ Hoài Nam lại tiếp tục thu hút sự chú ý của làng công nghệ thế giới khi cho ra đời thiết bị InAir cực kỳ tiện dùng.
Điều đặc biệt là 100% đội ngũ kĩ sư của SeeSpace là người Việt Nam, đa phần đến từ ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, trong đó 40% vẫn đang còn trên ghế nhà trường.
SeeSpace InAir là thiết bị tăng cường nội dung ti vi thông minh, cụ thể trên nội dung ti vi bình thường khi bạn đang xem sẽ là nhiều lớp thông tin khác được tạo ra dựa trên chính nội dung mà ti vi bạn đang phát và được cập nhật liên tục theo thời gian thực.
Những hình ảnh mới nhất về thiết bị SeeSpace InAir
Đỗ Hoài Nam sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, là du học sinh từng học đại học RMIT tại Úc. Hai cộng sự đồng sáng lập của anh trong SeeSpace là Dale Herigstad – là nhà thiết kế từng 4 lần đoạt giải Emmy, cũng là thiết kế đồ họa cho 4 vận hội Olympic và kĩ xảo phim Minority Report. Người còn lại là Anne-Marie Roussel từng là người điều hành đầu tư mạo hiểm cho Microsoft Xbox và Sharp.
2. Nam Nguyễn – Top 30 người xuất sắc nhất trong ngành marketing và quảng cáo do Forbes bình chọn
Chàng trai gốc Việt sinh năm 1983 này đã được tạp chí Forbes danh tiếng hàng đầu thế giới bình chọn là một tài năng trẻ thành đạt trong danh sách ’30 under 30’, đồng thời cũng là một trong số ít người Việt trẻ lọt vào top các bảng xếp hạng trên tờ tạp chí ‘có tiếng’ này.
Forbes nhận xét anh đã lãnh đạo bộ phận nội dung của 360i tạo ra những trải nghiệm nội dung truyền thông đa phương tiện cho một số nhãn hàng như Coca Cola, Kraft Foods và UGG, giúp các nhà tiếp thị kết nối tốt hơn đến các đối tượng của họ’.
“Tôi muốn tiếp tục tạo ra những giải pháp để kết nối mọi người. Cốt lõi của mọi thứ là tôi phải thực sự đam mê làm thế nào để tạo ra một cộng đồng tốt hơn, mạnh mẽ và kết nối hơn”.
Với nụ cười dễ thương và khá rụt rè nhưng ít ai biết chàng trai tài năng sinh ra và lớn lên ở thung lung Silicon này lại có một bề dày công việc đáng nể trước khi đảm nhiệm vị trí giám đốc bộ phận sáng tạo ở 360i. Nam Nguyễn từng học ngành quảng cáo và cổ điển của Đại học California ở San Jose, sau đó anh làm việc cho một tổ chứcc phi lợi nhuận và trong một số tổ chức phát triển cộng đồng khác, trước khi đầu quân về làm giám đốc phát triển cho trường phổ thông anh theo học trước kia.
Mạng lưới xã hội và mối quan hệ cũng như kinh nghiệm của anh chàng này cũng tăng lên đáng kể sau khi anh đảm nhiệm vai trò quan hệ cộng đồng và tiếp thị cho một mạng lưới tin tức, giải trí.
“Những công việc kể trên chính là nền tảng thực sự để tôi bắt đầu tham gia ngành quảng cáo, và tôi đã làm việc ở công ty Goodby, Silverstein and Partners trong vài năm. Sau đó tôi đầu quân cho 360i”.
Những thành tích tại 360i chính là cơ sở để Nam Nguyễn được vinh danh trong danh sách ’30 under 30’.
3.Tiến sĩ trẻ Lê Viết Quốc – Nhà khoa học của Google phát minh ra trí tuệ nhân tạo
“Với nhiều người trong ngành, ý tưởng đó khá điên rồ và đi ngược lại trào lưu chung, nhưng may mắn là ở Mỹ, người ta trân trọng những ý tưởng “điên rồ” và xem những ý tưởng “điên rồ” mới có thể thay đổi thế giới”
Theo bạn, “Cần bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo?”
Một, hai,… hay năm mươi? Đây là một bài đố mẹo hay là một cái bẫy vốn không có câu trả lời chính xác?.
Rất tiếc khi phải trả lời rằng câu hỏi trên hoàn toàn nghiêm túc, và hiện đang là một trong những kết quả nghiên cứu quan trọng nhất được giới thiệu trên trang nhất tờ New York Times gần đây.
“16.000” là đáp án, và nó cũng chính là kết quả thành công của các nhà khoa học ở Google, khi tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng 1 tỉ kết nối. Cha đẻ của ý tưởng ‘kỳ quái’ này không ai khác chính là tiến sĩ trẻ Lê Viết Quốc, chàng trai người Huế sinh năm 1982 góp phần đặt nền móng cơ bản cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hiện còn đang khá mới mẻ này.
“Muốn làm cái gì to tát đôi khi phải nghĩ khác một chút, chấp nhận mạo hiểm. Hãy đi và phát triển con đường cho chính mình.” (Lê Viết Quốc).
Ảnh Chụp tại lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford ngày 16.6.2013. Từ trái sang: GS Andrew Ng, TS Lê Viết Quốc, ông Lê Viết Ái và bà Tôn Nữ Thị Huệ.
Với thuật toán trên có thể giúp con người nhận diện được những vật thể phổ biến trên Youtube như người, vật nuôi, xe cộ… với độ chính xác cao. Nghiên cứu này dẫn đến sự phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo những chiếc máy có khả năng nhận thức, quan sát, máy hiểu tiếng nói, hay các bộ máy chuyển ngữ, dịch thuật,…
Kết quả quá ấn tượng tới nỗi mỗi công ty ở thung lung Silicon đều muốn tạo ra một nhóm để phát triển những nghiên cứu này.
Lê Viết Quốc vừa trở thành giáo sư Đại học Carnegie University và đang làm việc với với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Google.
4.Vũ Xuân Sơn – Chinh phục thị trường Mỹ bằng phần mềm Misfit Shine
Ít ai biết, trước khi giành giải nhì Hội chợ hàng tiêu dùng điện tử (CES) với phần mềm Misfit Shine và được cả nước Mỹ biết đến, thì người đàn ông này đã liên tục gặp thất bại trong chuyện kinh doanh, bên cạnh quãng thời gian lận đận chuyện học hành.
Sonny Vu (tên tiếng Việt là Vũ Xuân Sơn) đã cùng cựu tổng giám đốc tập đoàn máy tính Apple và một người bạn gốc Ấn thành lập nên cong ty Misfit Wearables. Sản phẩm đầu tay của công ty – Misfit Shine – cũng chính là ‘đứa con’ giúp cái tên Sonny Vũ một lần nữa lại tiếp tục trở nên ‘đình đám’ trong Hội chợ CES nổi tiếng nhất thế giới được tổ chức ở Las Vegas.
Sonny Vu và vợ – Cả hai được mệnh danh là ‘Cặp đôi hoàn hảo’ người Việt ở thung lũng Silicon
Rời Việt Nam từ năm 1979, tốt nghiệp trong tay với hai mảnh bằng toán học và ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign, dường như Kinh Doanh là hai từ chưa bao giờ mỉm cười với anh chàng chuẩn bị thi học vị tiến sĩ này. Sau khi quyết đinh bỏ ngang con đường học vấn, Sơn đi làm nghiên cứu viên cho tập đoàn Microsoft một thời gian, sau đó lại bỏ Microsoft để học… nốt chương trình nghiên cứu sinh tại MIT. Anh tâm sự: “Sau này khi cắt ngang chương trình ở MIT một lần nữa để lập ra FireSpout thì đúng là một bước khởi đầu ngu xuẩn, khi đã đổ bao nhiêu tiền vào đó”.
Misfit Shine – một sản phẩm được người Việt nghiên cứu đang đứng trong top 10 sản phẩm tại CES 2013
Hiện tại Misfit Shine là một thiết bị theo dõi hoạt động thể chất cá nhân được làm bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ não trên cơ thể và không thấm nước. thiết bị này có thể kết nối với máy tính của bác sĩ để giúp họ theo dõi và có lời khuyên kịp thời đối với người sử dụng.
Sơn cho biết chỉ sau vài ngày sản phẩm ra mắt, đã có 6 thiết bị chăm sóc sức khỏe với chức năng và kết cấu tương tự Misfit Shine được tung ra, cạnh tranh vì thế rất khốc liệt. nhưng anh vẫn hoàn toàn tự tin với sản phẩm của mình.
Được nhiều người ưa chuộng vì tính nhỏ, gon, tiện lợi và cực kỳ hữu ích
Bán FireSpout, Xuân Sơn lại cùng người bạn đại học lập công ty AgaMatrix, một công ty đang ngày càng lớn mạnh và có doanh thu hằng năm gần 100 triệu USD. Chẳng ai rõ vì sao khi đang trong thời kỳ đỉnh cao của công ty mà cả hai nhà đồng sáng lập công ty lại quyết định dứt áo ra đi, và cùng với cựu tổng giám đốc Apple lập ta Misfit Wearables.
Dù sao với bước khởi đầu thắng lợi với Misfit, hy vọng công ty này sẽ ngày càng phát triển trong tương lai và con đường kinh doanh của Sonny Vu cũng gặp nhiều may mắn hơn sau này.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Báo Du Học