Nữ du học sinh Việt Nam gây chú ý với khóa luận “thời sự” về Covid-19

0

Sẵn sàng du học – Giành học bổng Chevening và theo học bậc thạc sĩ ngành Khoa học Trị liệu tại ĐH Cambridge (Anh) từ tháng 10/2019 – 8/2020, Nguyễn Thị Phương Nghi đã chọn đề tài khóa luận về Covid-19 để bảo vệ.

Nguyễn Thị Phương Nghi (cựu sinh viên trường ĐH Quốc tế- ĐHQG TP.HCM). (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Phương Nghi (cựu sinh viên trường ĐH Quốc tế- ĐHQG TP.HCM). (Ảnh: NVCC)

Những ngày tháng đáng nhớ tại Anh

Nghi cho biết, việc cô chọn học thạc sĩ ngành Khoa học Trị liệu (Therapeutic Sciences) là do ngành này có sự liên quan mật thiết với ngành Kỹ thuật Y sinh cô đã học bậc cử nhân tại trường ĐH Quốc tế.

“Ngành Kỹ thuật Y sinh đã giúp mình có những kiến thức nền tảng về việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sinh học trong việc điều trị bệnh và có cơ hội tham gia những đề tài nghiên cứu về những vật liệu sinh học mới có thể ứng dụng cho người bệnh.

Những kiến thức và kinh nghiệm này giúp mình hiểu rõ hơn về những tiến bộ trong nền y học thế giới và cũng hiểu được trăn trở của những người làm khoa học tại Việt Nam khi muốn phát triển đề tài nghiên cứu của mình thành sản phẩm được ứng dụng thực tế”, Nghi chia sẻ.

Do trước đây Nghi đã từng có cơ hội tham gia các kì thực tập ba tháng ở nước ngoài nên cô cũng không quá bỡ ngỡ với việc đặt chân đến một vùng đất mới như Anh.

Tuy nhiên, lúc mới sang, thời tiết ở Anh đang bước vào mùa Đông, trời thường xuyên mưa và lạnh, cộng với khối lượng bài vở đồ sộ nên nhiều lúc Nghi có cảm giác bị mất sức sống.

Những lúc như vậy, Nghi cố gắng dành thời gian gọi điện thoại nói chuyện với gia đình và bạn bè cho đỡ nhớ nhà, sau đó thì tập trung thời gian giải quyết hết bài vở và chuẩn bị bài trước khi đến lớp hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường.

Ngoài ra, vì là thành viên của cộng đồng các học giả nhận học bổng Chevening, nên thỉnh thoảng, Nghi và cả nhóm sẽ tổ chức những chuyến đi ngắn ngày đến một số địa điểm trong nước Anh nhằm tăng sự gắn bó.

Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến cho toàn bộ các lớp học chuyển sang hình thức online và kì thực tập của Nghi trong học kì Hè cũng như việc tham gia nghiên cứu ngoài giờ trong một phòng thí nghiệm tại trường bị hủy. Một số dự định khác của Nghi cũng đành phải gác lại.

“Với quan niệm “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, mình đã cố gắng khiến cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều. Mình giữ nếp sống giờ giấc sinh hoạt và làm việc như bình thường, chủ động cập nhật tin tức về dịch bệnh tại Anh và Việt Nam nhưng hạn chế đọc quá nhiều để tránh ảnh hưởng tâm lý.

Do tránh dịch nên mình cũng có nhiều thời gian ở nhà hơn nên đã tập đan len, nấu ăn hay tập yoga. Ngoài ra, mình cũng tham gia những hoạt động hỗ trợ ở trường như gọi điện thoại kiểm tra tình hình sức khỏe hay đi mua sắm nhu yếu phẩm cho những bạn đang phải cách ly”, Nghi nhớ lại.

Tại ĐH Cambridge, những tiết học của Nghi thường theo dạng những buổi chuyên đề và trao đổi thảo luận chứ không phải là chỉ ngồi nghe giảng trên giảng đường mấy trăm người.

Giảng viên không chỉ là những giáo sư hay nhà nghiên cứu làm việc ở trường mà còn là những diễn giả đến từ các công ty dược, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ và luật sư về luật sở hữu trí tuệ hay những nhà đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực khoa học và sức khỏe.

Nhờ đó, ngoài việc được tìm hiểu thêm về các kĩ thuật chữa bệnh tân tiến trong y học trên thế giới, Nghi còn có thêm những góc nhìn mới cho hướng thương mại hóa các sản phẩm từ phòng lab và những vấn đề liên quan.

Phương Nghi cùng các bạn du học sinh tại ĐH Cambridge (Anh).

Phương Nghi cùng các bạn du học sinh tại ĐH Cambridge (Anh).

Khóa luận về virus SARS-CoV-2

Đề tài khóa luận tốt nghiệp của Nghi là thảo luận và đánh giá các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tác nhân SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19. Nghi muốn tìm hiểu về điểm mạnh điểm yếu về tính chất cũng như những mặt lợi và hạn chế trong việc sử dụng các loại xét nghiệm trên thị trường (xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán những ca đang nhiễm và xét nghiệm kháng thể cho những ca đã từng nhiễm), đồng thời đánh giá những vấn đề liên quan đến hình thức triển khai xét nghiệm tại các quốc gia.

“Mình cũng tìm hiểu về một số dạng xét nghiệm mới và có triển vọng trong tương lai và việc sử dụng các app theo dõi người nhiễm Covid-19. Hiện mình đã nộp khóa luận lên hệ thống của trường và đang chờ đánh giá từ hội đồng”, Nghi cho biết.

Với đề tài mang tính thời sự và cấp thiết này, Nghi đã so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới, đồng thời tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó.

Việc Nghi chọn đề tài về dịch Covid-19 làm khóa luận cũng bởi trước đó cô được tham gia những buổi thảo luận với những nhà nghiên cứu dịch tễ học đã tham gia quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi hay làm việc ở trung tâm nghiên cứu vắcxin của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc chế tạo vắcxin cúm mùa influenza cho cả thế giới hằng năm.

Những kiến thức khoa học bài bản lẫn trải nghiệm thực tiễn trong những tiết học này là những nguồn thông tin quý giá để Nghi có thể hoàn thành bài luận một cách thuận lợi.

“Sắp tới, mình sẽ làm chuyên viên Nghiên cứu tại khoa Kỹ thuật Y sinh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) và tương lai xa thì sẽ tiếp tục học lên Tiến sĩ để theo đuổi công việc nghiên cứu”, Nghi “bật mí”.

Phương Nghi cùng các bạn du học sinh tại ĐH Cambridge (Anh).

Phương Nghi cùng các bạn du học sinh tại ĐH Cambridge (Anh).

Một số thành tích nổi bật của Nghi:

  • Học bổng Chevening của Chính phủ Anh để theo học khóa Thạc Sĩ về Khoa học Trị liệu và Y sinh tại ĐH Cambridge.- Học bổng thực tập nghiên cứu tại trường ĐH Auckland (New Zealand), Viện Khoa học & Công nghệ Okinawa (Nhật Bản) và Viện Khoa học & Công nghệ IST (Áo).- Giải thưởng Honda Y-E-S dành cho Kỹ sư và Nhà khoa học trẻ Việt Nam 2018.- Học bổng AmCham Women in Engineering 2018.- Học bổng Yola Super Scholars 2017.- Học bổng trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc và Indonesia.- “Sinh viên 5 Tốt” cấp Trung ương 2015 & 2017, cấp Thành phố 3 năm liền.- Tác giả 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus và 3 bài thuyết trình tại các hội nghị/hội thảo quốc tế.
  • Học bổng tuyển sinh của trường ĐH Quốc tế.

Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply