Nữ sinh giành học bổng toàn phần đại học Nhật Bản

0

Sẵn sàng du học – Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (APU) tại Nhật Bản vừa trao học bổng toàn phần suốt bốn năm học cho em Phạm Tú Nhã Uyên.

Ấp ủ giấc mơ du học, Phạm Tú Nhã Uyên (18 tuổi), lớp chuyên Anh trường THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đặt mục tiêu giành được học bổng du học tại trường danh tiếng. Em định hướng con đường học tập cho mình từ rất sớm, tham gia các cuộc thi, giành nhiều giải thưởng để dần thực hiện ước mơ.

Dưới đây là chia sẻ của Nhã Uyên về quá trình xin học bổng tại Đại học APU Nhật Bản.

Bắt đầu từ những năm đầu cấp hai, gia đình có dự định cho em đi du học. Nhưng mãi đến năm cuối cấp, gia đình và bản thân em mới thật sự xác định con đường du học. Không muốn tạo áp lực tài chính nên mục tiêu của em là giành học bổng 100%.

Từ những năm cấp hai, em cũng nghe khá nhiều thông tin về APU và có một anh ở chỗ học thêm của em được nhận học bổng 80% của trường. Bản thân em cũng đã có cái nhìn khá tổng quát về trường.

Lên cấp ba, em dành hai năm lớp 10, 11 để lấy các chứng chỉ cần thiết và đã đạt được điểm IELTS 8.0, điểm SAT trên 1.400, bằng JLPT N3 của Nhật.

Em dành phần thời gian còn lại tham gia vào hoạt động ngoại khóa như trợ giảng, tình nguyện, phiên dịch ở các hội thảo du học. Em lọt vào top 20 chương trình "Chắp cánh tương lai – Khám phá Nhật Bản" do công ty Kokuyo tổ chức và nhận một chuyến đi sang Nhật một tuần.

Ngoài ra, còn có các thành tích như giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế cúp Học viện Kake, các giải học sinh giỏi do trường tổ chức… Hoạt động ngoại khóa giúp em phát triển bản thân, có cái nhìn cụ thể hơn về khả năng, hiểu được thế mạnh, điều cần cải thiện.

Nhã Uyên vừa nhận được học bổng 100% từ Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (APU).

Nhã Uyên vừa nhận được học bổng 100% từ Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (APU).

Vì trường có đợt nộp hồ sơ khá sớm so với mặt bằng chung các trường khác nên việc chuẩn bị giấy tờ em cũng gặp vài khó khăn. Tuy nhiên, em không nhờ đến trung tâm du học mà tự tìm hiểu các thông tin cần thiết vì quá trình làm giấy tờ cũng không quá rắc rối. Bên cạnh đó, em còn có sự giúp đỡ nhiệt tình của văn phòng APU ở Việt Nam và đúc rút kinh nghiệm của các anh chị đi trước.

Em cho rằng, trong quá trình tự tìm hiểu, mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau. Chính từ cái nhìn khác ấy, em có thể dần phát hiện những điều mới lạ, chất riêng và độc đáo của bản thân. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị đáng để thử thách mình.

Trong quá trình xin học bổng, tốn nhiều thời gian và công sức nhất là bài luận bằng tiếng Anh. Bài luận của APU nói riêng hay đại học Nhật nói chung gây khó khăn trong quá trình viết là số lượng chữ, chỉ khoảng 150 chữ cho một câu hỏi, có lúc là 150 chữ cho ba câu hỏi. Em phải chọn lọc ý và từ ngữ kỹ càng để thể hiện đầy đủ những thứ mình muốn, phong cách cá nhân…

Nhã Uyên dành nhiều thời gian học tập và giành nhiều giải thưởng học tập từ tiếng Anh, tiếng Nhật.  

Nhã Uyên dành nhiều thời gian học tập và giành nhiều giải thưởng học tập từ tiếng Anh, tiếng Nhật.  

Trong quá trình lên dàn ý, nguồn cảm hứng của em đến từ chuyến tham quan do công ty Kokuyo tổ chức. Trong chuyến đi, em có những trải nghiệm khác nhau ở năm trường đại học danh tiếng của Nhật Bản. Trong đó có trường đại học APU, cụ thể là một tiết giảng của giáo sư trong trường và một đêm ở lại ký túc xá. Em hiểu rõ hơn về trường, phong cách giảng dạy và trường đang tìm kiếm những học sinh như thế nào.

Cùng với trải nghiệm này, em tìm hiểu nhiều hơn về thông tin của trường qua các trang mạng xã hội. Em còn vận dụng kiến thức ngôn ngữ của bản thân để tìm kiếm và đọc chia sẻ của học sinh đến từ nhiều quốc gia để có cái nhìn bao quát hơn. Nhưng dù đọc báo hay chia sẻ thực tế của học sinh, em cũng đọc nhiều để chọn lọc thông tin đúng.

Trong quá trình tìm hiểu, khi nói về mảng học tập, học sinh Trung Quốc chủ yếu viết bằng tiếng Trung. Em có học qua một ít tiếng Trung vì yêu thích, cùng với vốn Hán tự được học ở tiếng Nhật hỗ trợ cho em trong quá trình tìm kiếm.

Qua các trang mạng xã hội của Trung Quốc, có nhiều thông tin hữu ích gồm các đánh giá, trải nghiệm, lời khuyên do các giáo sư hay phó giáo sư hiện đang làm việc ở trường đưa ra.

Nhã Uyên (thứ hai từ phải sang) giành giải nhất trong cuộc hùng biện tiếng Nhật quốc tế.

Nhã Uyên (thứ hai từ phải sang) giành giải nhất trong cuộc hùng biện tiếng Nhật quốc tế.

Song song với giai đoạn xây dựng dàn ý, em hay dành thời gian đọc chia sẻ về việc viết luận nên làm gì và không nên làm gì, một số bài mẫu của các năm trước để biết tiêu chí khi viết bài.

Quá trình viết bài của em gồm có lên dàn ý, viết nháp, viết đầy đủ các ý hoàn chỉnh và bắt đầu chọn lọc cắt chữ. Khó khăn nhất là giai đoạn chọn lọc cắt chữ vì khi viết đầy đủ các ý hoàn chỉnh thì lên đến gần 800 chữ.

Sau đó, em phải dành nhiều thời gian cân nhắc để giảm số chữ xuống 150. Em chỉnh sửa cho đến khi bản thân cảm thấy hài lòng nhất, rồi chia sẻ bài viết của mình với một số người khác để thu thập thêm ý kiến và nhận xét, ghi chép lại, xem xét lại từng lời góp ý rồi chỉnh sửa. Bài luận cuối cùng quan trọng nhất là bảo toàn được ý của bản thân và mình cảm thấy tự tin và hài lòng nhất.

Khi vào đến vòng phỏng vấn, cũng tương tự như khi viết luận, em đọc chia sẻ trên mạng và học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Thực chất việc chuẩn bị ý kỹ càng cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với nhà trường.

Em chuẩn bị trước các câu hỏi có thể xảy ra, gạch ý và sắp xếp các ý cho hợp lý. Em luyện tập chủ yếu bằng các ý tưởng chứ không đọc đi đọc lại câu trả lời quá nhiều vì đã quá quen với một mạch nói có thể khiến bản thân khi trả lời gượng gạo.

Em cũng suy nghĩ về các câu hỏi, nhờ vậy có thể xuất hiện được nhiều ý tưởng hay hơn. Cuối cùng, vẫn là phải bình tĩnh, quan sát, cảm nhận và liên tục học hỏi trong một quãng thời gian. Đấy mới là sự chuẩn bị tốt nhất và hiệu quả nhất. Ngày nhận được email của trường, em cảm thấy rất vui vì những nỗ lực đã đạt kết quả.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply