SSDH – Không kém cạnh các nam nhi đại trượng phu tại Thụy Sĩ, sau khi hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Thụy Sĩ, Thu Trang đã nhanh chóng được Trường ĐH Geneva mời ở lại làm việc tại khoa đào tạo nghề của trường. Sau 18 tháng làm việc, cô đã được bổ nhiệm đứng đầu khoa – một vị trí mà ngay cả những người dân gốc Thụy Sĩ cũng phải mơ ước.
Thành công trong nghiên cứu khoa học và giữ vị trí xứng đáng ở nước sở tại, những gương mặt Việt kiều đã góp phần làm rạng danh, là niềm tự hào của người Việt Nam ở nơi xứ người. Không kém cạnh các nam nhi đại trượng phu tại Thụy Sĩ, Thu Trang sau khi hoàn thành bằng Tiến sĩ đã nhanh chóng được trường Đại học Geneva mời ở lại làm việc tại khoa đào tạo nghề của trường. Sau 18 tháng làm việc, cô đã được bổ nhiệm đứng đầu khoa – một vị trí mà ngay cả những người dân gốc Thụy Sĩ cũng phải mơ ước.
Ngay từ khi còn là sinh viên đại học, Thu Trang đã rất năng động hợp tác với nhiều nhà quản lý trong ngành dược phẩm – lĩnh vực nổi trội của Thụy Sĩ và cánh cửa may mắn đã mở ra với một công việc tuyệt vời ngay sau khi tốt nghiệp. Cô được công ty dược phẩm OFAC tại Geneva nhận vào làm việc với chức danh quản lý dự án trong các bộ phận tiếp thị.
Sau một năm làm việc miệt mài, Thu Trang đã quyết định học tiếp lên Tiến sĩ để nâng cao năng lực của bản thân, đồng thời tiếp tục công tác nghiên cứu và giảng dạy tại phòng thí nghiệm hóa học dược phẩm của trường.
Thu Trang tại phòng làm việc.
Năm 2007, Thu Trang nhận đã hoàn thành xuất sắc bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học dược phẩm của mình. Năm 2008, trường Đại học Geneva đã mời cô gái giàu chí tiến thủ trở lại trường đảm nhận một công việc tốt hơn tại khoa đào tạo nghề của trường và đến năm 2010 thì cô là người đứng đầu phụ trách nhiệm quản lý các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của Đại học Geneva.
Sau đó, nữ tiến sĩ trẻ tuổi đã tuyển thêm hai người vào làm việc đưa tổng số người ở khoa đào tạo nghề tại phòng thí nghiệm lên 6 người. Cô vừa tham gia giảng dạy hóa học cho các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm vừa phải phụ trách toàn bộ khoa đào tạo nghề của trường. Ngoài ra, cô cũng năng động tìm kiếm các công ty sẵn sàng tuyển dụng sinh viên học nghề, tìm kiếm các hợp đồng để có thêm thu nhập cho nhân viên của mình. Năm 2012, khoa do Thu Trang phụ trách đã nhận được giải thưởng là khoa đào tạo nghề tốt nhất cho các doanh nghiệp của Thụy Sĩ.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Geneva, Thu Trang cho biết tại Thụy Sĩ không ai đào tạo cho bạn bất cứ điều gì nhưng cũng có nhiều cơ hội và việc có nắm bắt được cơ hội hay không còn tùy thuộc vào từng sinh viên cũng như từng cá nhân người lao động. Cách duy nhất để thành công không phải là e ngại mà là phải hành động theo đúng nguyên tắc và luật lệ.
Là một phụ nữ, nhất là phụ nữ gốc châu Á, thành công trong nghề nghiệp ở Thụy Sĩ là rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Kể từ năm 2010, Thu Trang đã trở thành công chức nhà nước Thụy Sĩ, được trả lương xứng đáng và đảm bảo việc làm đến khi nghỉ hưu. Thu Trang đã phải làm việc rất chăm chỉ và đó cũng là lý do tại sao ở độ tuổi 36 mà vẫn chưa lập gia đình. Ở cương vị như Thu Trang, sức ép cạnh tranh với những người gốc Thụy Sĩ rất đáng kể, song Thu Trang luôn hiểu rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.
Vũ Quân (SSDH) – Theo Dantri