SSDH – Cuộc sống du học sinh không phải chỉ có việc học. Điều thú vị và giúp cuộc sống xa nhà được cân bằng là du lịch, khám phá văn hóa đất nước mà mình đang du học.
“Khi mới du học, bạn nào cũng buồn bã, tủi thân, nhớ nhà. Để vượt qua được thời kỳ này, bạn phải bước ra ngoài, kết bạn, tham gia các hoạt động, giao lưu với sinh viên khác, dành thời gian du lịch, khám phá…”. Nguyễn Hải Long, cựu du học sinh Việt Nam tại ĐH La Trobe – Úc, đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua nỗi nhớ nhà ban đầu của mình trong hành trình du học. Cuộc sống du học có nhiều thách thức mà du học sinh phải chuẩn bị tốt để vượt qua và đạt được những kỳ vọng của bản thân cũng như gia đình.
Tìm cách giảm sốc
Kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh cho thấy giai đoạn đầu khi mới ra nước ngoài là khó khăn nhất. Nhiều bạn tiếng Anh chưa tốt sẽ khủng hoảng vì hoàn toàn như… “câm điếc”, nói người bản xứ không hiểu và không hiểu những gì họ nói. Khi vào học, làm quen cách học mới cũng là điều nan giải.
Cần phải mất khoảng 6 tháng, du học sinh mới có thể vượt qua giai đoạn ban đầu bỡ ngỡ. Do đó, nếu không chuẩn bị kỹ và không có người hỗ trợ trong giai đoạn này, du học sinh rất dễ bị sốc.
Các bạn trẻ tìm hiểu kinh nghiệm du học Úc
Bạn Hoàng Thu Giang, cựu du học sinh Úc, cho rằng du học sinh nên chọn nơi sống có nhiều người Úc để tiếng Anh được tiến bộ nhanh hơn, hòa nhập nhanh hơn cuộc sống mới, thay vì cứ quanh quẩn trong cộng đồng người Việt. Ngoài ra, theo nhiều cựu du học sinh, những bạn mới sang nên tham gia các câu lạc bộ để có điều kiện giao lưu, xây dựng mối quan hệ với bạn bè, mở rộng cuộc sống để dễ chấp nhận những gì khác biệt với mình.
Lợi, hại khi làm thêm
Kinh nghiệm của bạn Nguyễn Thảo, cựu du học sinh Úc, trong việc hòa nhập nhanh cuộc sống du học là đi làm thêm. Thảo nhận xét: “Điều có ích đầu tiên khi đi làm thêm là tiếng Anh được cải thiện đáng kể, kỹ năng nghe nói tốt hơn và phản ứng nhanh, kế tiếp là tự tin hơn. Qua giao tiếp khi đi làm cũng trải nghiệm được văn hóa của người Úc – những điều mà thầy cô trên lớp không có thời gian đề cập. Khi làm thêm tại những nơi tốt, bạn còn học được cách làm việc chuyên nghiệp, làm gì cũng có quy trình thứ tự trước sau”.
Dù đưa ra lời khuyên nên đi làm thêm nhưng Thảo cũng cảnh báo nhiều bạn có tư tưởng đi làm để bù học phí. Đó là điều không tưởng! Thảo đã chứng kiến một số bạn đi làm thêm rất nhiều và kiếm được bộn tiền nhưng rồi bị rớt môn học, phải lấy tiền đó đóng học phí học lại…
Vơi nỗi nhớ nhà bằng du lịch
Cuộc sống du học sinh không phải chỉ có việc học. Điều thú vị và giúp cuộc sống xa nhà được cân bằng là du lịch, khám phá đất nước mà mình đang du học.
Kim Ngân, học cao học tại Auckland University of Technology – New Zealand, tâm sự: “Mình cũng đã có những ngỡ ngàng và sợ hãi lúc ban đầu nhưng cảm xúc đó mất dần. Thay vào là những háo hức và phấn khởi khi mình tham gia các chuyến picnic và các hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như leo núi, câu cá, đua thuyền cùng những chương trình ngoại khóa từ thiện do trường tổ chức. Từ đó, mình trở nên tự tin, giảm bớt căng thẳng trong học tập, có nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau, phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn”.
Võ Xuân Lộc, du học sinh Swansea University – Anh, bộc bạch: “Khoản làm thêm ngoài giờ giúp mình có điều kiện khám phá những phong cảnh đẹp của các tỉnh và thành phố tại Anh vào dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ”.
Ba điều cần tránh
Cựu du học sinh ĐH La Trobe Nguyễn Hải Long đưa ra 3 điều cần tránh đối với những bạn lần đầu đến Úc: Lần đầu tiên ra nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường mang rất nhiều thức ăn theo, đôi khi mang theo những chất mà nước đó cấm mang vào. Do đó, khi bắt đầu nhập cảnh tại sân bay Úc, du học sinh phải khai đúng những gì mang theo. Nếu bị phát hiện mang chất bị cấm mà không khai sẽ bị phạt 110-120 đô la Úc. Nhiều bạn mang theo mì gói cũng bị cắt bao ra hết và bị giữ lại gói gia vị. Điều đó sẽ làm việc nhập cảnh kéo dài thời gian, gây những cảm giác không tốt ban đầu cho du học sinh.
Khi sang Úc, một số bạn cũng bị người xấu rủ rê làm điều sai trái như tham gia đường dây trồng cần sa tại nhà. Nhiều trường hợp đã bị bắt, đưa về Việt Nam.
Điều cần tránh thứ ba là đánh bạc. Nhiều du học sinh dùng hết học phí của cha mẹ gửi sang để nướng vào sòng bạc, không có tiền đóng học phí nên bị đuổi về nước. Họ phải kết thúc hành trình du học một cách bẽ bàng.
Đông Đức (SSDH) – Theo NLD