SV Việt kể chuyện du học ở Anh

0
DH11
Mỗi một lưu học sinh có một câu chuyện riêng về cuộc sống, việc học tập của mình. Bạn Phan Linh Chi (sinh viên Học viện Kinh tế Chính trị London) có cuộc trò chuyện chia sẻ chuyện học tập, làm thêm và sinh sống tại Anh.

Là sinh viên Học viện Kinh tế Chính trị London, bạn có thể chia sẻ về việc học tập ở Anh?

Ngay từ khi học A-level, sự tự lập và tinh thần tự giác đã là thiết yếu. Tại Anh, mọi người không đi học thêm để thấy yên tâm, thi tốt. Muốn học tập tốt, bạn phải tận dụng tối đa thời gian trên lớp và chủ động đọc sách, trao đổi với thầy cô, bạn bè.

Thông thường, các giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy A-level rất nhiệt tình giúp đỡ học sinh. Ở trường Bellerbys mình học, các thầy cô còn hướng dẫn các cách học khác nhau để phù hợp với những học sinh khác nhau.

Lên ĐH, sự hỗ trợ từ phía nhà trường ít hơn. Thế nên nếu sinh viên không có khả năng tự học, việc học tập tốt sẽ là khó khăn.

Phần lớn học sinh, sinh viên Việt Nam có ưu thế trong các môn học tự nhiên. Nhưng những bạn chưa quen học tập bằng tiếng Anh sẽ gặp vất vả khi phải đương đầu với các môn cần sự điêu luyện của ngôn ngữ. Nếu không có nỗ lực bản thân, học ở Anh cũng không thể giúp sinh viên tự nhiên nói, viết tiếng Anh giỏi.

Việc thiếu tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh có thể ảnh hưởng đến quan hệ và cuộc sống ở trường của bạn. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, bạn lại phải càng chủ động nói chuyện với sinh viên nước ngoài và mọi người trong trường, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ở trường và ở cộng đồng. Như thế, bạn mới có thể hoà nhập vào cuộc sống mới, tự tin hơn, và có thể tận đụng tối đa những cơ hội của việc du học.

Cuộc sống của sinh viên ở Anh như thế nào, thưa bạn?

Nếu bạn ở nhà dân trong thời gian học A-level, cuộc sống của bạn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình bạn ở cùng. Nếu may mắn vào được một gia đình thân thiện, tốt bụng, bạn sẽ được chăm sóc chu đáo và bạn cũng cảm thấy mình như một thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, có gia đình chỉ coi việc cho sinh viên ở là một hình thức kiếm tiền đơn thuần. Khi đó, bạn sẽ sống một cuộc sống riêng như một người ở trọ, phải tự điều tiết cuộc sống của mình. Và bạn cần phải học cách hoà hợp với chủ nhà. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Khi vào ĐH (trừ khi bạn ở ký túc xá có phục vụ đồ ăn), cũng như trường hợp khi bạn ra ở riêng khi học A-level, bạn phải tự lo chuyện ăn uống, giặt giũ.

Ăn uống sao cho hợp lý, tổ chức sinh hoạt thế nào không phải là chuyện bạn nào cũng biết từ khi ở nhà. Quan trọng hơn, học sinh cần biết tự quản lý chi tiêu và tự đưa ra các quyết định trong cuộc sống, học tập.

Do gia đình ở xa, không hiểu rõ được tình hình, để có thể đưa ra những lời khuyên tốt nhất, bạn cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh có kinh nghiệm hơn. Vì vậy, việc thiết lập quan hệ tốt với mọi người là vô cùng quan trọng.

Phải chăng việc tìm được người ở cùng phù hợp cũng là vấn đề nan giải?

Nếu học ĐH ở Anh, đa số sinh viên đều phải tính chuyện tự thuê nhà, trừ khi may mắn có được chỗ ở trong ký túc xá của trường với giá cả hợp lý. Nhiều bạn, như chính tôi, đã ra ở riêng từ khi học A-level.

Ở đây, bạn cần tìm hiểu chút ít về luật pháp để đảm bảo quyền lợi của mình khi làm hợp đồng. Đi tìm được một chỗ ở không quá xa nơi học, lại được trang bị tốt và có chủ nhà tử tế là điều may mắn.

Tuy nhiên, thông tin qua các hội sinh viên, báo chí, hay ngay cả truyền miệng, ai cũng tìm được một nơi ở mà mình chấp nhận được. Một vấn đề nữa trong chuyện thuê nhà là việc tìm được người ở cùng mà bạn có thể hoà hợp.

Sống cùng nhau, bạn phải cùng chia sẻ công việc nhà, phải thích nghi với lối sống của nhau, rồi chia nhau các hoá đơn… Nếu trục trặc, những chuyện này đều có thể trở thành những vấn đề lớn trong cuộc sống của một lưu học sinh.

Bạn có thể chia sẻ đôi chút về chuyện sinh viên làm thêm ở xứ sở sương mù?

Từ khi học A-level, bạn đã có thể tìm việc làm một cách khá dễ dàng. Tuỳ vào từng thành phố mà bạn có nhiều lựa chọn về công việc hay các công việc phổ biến là gì.

Nhiều công việc đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp. Vì vậy, nếu tiếng Anh của bạn khá, cơ hội tìm được các công việc hấp dẫn, thú vị sẽ cao hơn.

Thực tế, ngay cả những công việc tay chân như lau nhà, quét dọn… cũng không đến nỗi vất vả như những công việc tương đương ở nhà.

Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả khi bạn không đi làm nhiều, chỉ cần có một công việc ổn định, bạn đã có thể đỡ cho gia đình một khoản đáng kể. Bởi bạn đang kiếm bảng Anh để tiêu tại Anh chứ không như gia đình phải kiếm tiền Việt để chi trả cho những chi tiêu của bạn bằng bảng Anh.

Ngoài ra, chính bản thân tôi thấy đi làm, ngay cả khi không vì nhu cầu tiền bạc, cũng là một điều rất hay. Trước hết, đó là cảm giác thích thú khi mình tiêu tiền do chính mình làm ra. Bên cạnh đó, đi làm cũng mang lại cho bạn cơ hội giao tiếp, tìm hiểu về văn hoá, cuộc sống của người bản xứ.

Thực tế là ai sang cũng muốn đi tìm việc làm nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm để tìm đến cùng. Bản thân tôi tin rằng chỉ cần quyết tâm, chuyện kiếm việc làm cũng như mọi chuyện khác, đều có thể thực hiện được.

Cuộc sống du học ở Anh mở ra vô vàn cơ hội cho những con người có ý chí, nhìn mọi chuyện với con mắt lạc quan để vượt qua khó khăn, mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân.

Phương Nguyên
Share.

Leave A Reply