Sẵn sàng du học – Một lần nữa với "Shoplifters", Hirokazu Kore-eda đã tái khẳng định ông chính là một trong những đạo diễn Nhật Bản xuất sắc nhất khi làm phim về gia đình và những câu chuyện thường nhật.
Mặc dù nhận được số điểm cao từ các nhà phê bình sau buổi trình chiếu, chiến thắng của đại diện Nhật Bản Shoplifters (tạm dịch: Những Kẻ Ăn Cắp) ở giải thưởng cao nhất LHP Cannes 2018 – Giải Cành cọ vàng – vẫn được xem là khá bất ngờ; nhất là khi một đại diện khác của châu Á là Burning của đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang Dong từng được đặt nhiều kì vọng cho một chiến thắng ở hạng mục chính nhưng cuối cùng chỉ ra về với hai giải thưởng phụ ít được quan tâm. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện cùng những đánh giá đầy tích cực từ báo chí quốc tế, có thể thấy chiến thắng dành cho đứa con tinh thần của đạo diễn lỗi lạc Hirokazu Kore-eda là hoàn toàn xứng đáng.
Chủ tịch hội đồng giám khảo Cannes Cate Blanchett gọi đây là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn cho giải Palme d’Or và tác phẩm này "hoàn toàn làm chúng tôi ngã ngửa". Trong khi đó, Eamon Bowles, chủ tịch nhà phát hành Magnolia Films – đơn vị đã giành được bản quyền phân phối Shoplifters tại thị trường Bắc Mỹ một ngày trước lễ bế mạc – chia sẻ: "Hirokazu Kore-eda vừa mang đến một trong những tác phẩm xuất sắc nhất sự nghiệp đạo diễn lẫy lừng của mình. Shoplifters là một câu chuyện tuyệt vời nói về sự gắn kết gia đình theo một cách mà tôi chưa từng được chứng kiến trước đây".
Hirokazu Kore-eda nổi tiếng với những câu chuyện bình dị nhưng xúc động về cuộc sống của những gia đình bình thường trong xã hội. Shoplifters cũng là một câu chuyện như vậy. Bộ phim xoay quanh gia đình nhà Shibata: một người đàn ông và một người phụ nữ, một cậu nhóc, một cô nhóc lớn tuổi hơn và một bà già, tất cả cùng sinh sống trong một căn nhà thuê lụp xụp với những mảnh bìa cát-tông và quần áo nhàu nhĩ ở ngoại ô Tokyo.
Tên trộm vặt Osamu Shibibata (Lily Franky) tình cờ trông thấy Yuri, một cô bé không nhà đang vật lộn giữa thời tiết lạnh giá. Anh đưa Yuri về nhà và thuyết phục được vợ mình cho nhận nuôi sau khi biết được những khó khăn mà cô bé phải đối mặt. Nhà nghèo, giờ lại phải nuôi thêm một miệng ăn, thế nhưng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ấy mới thực sự được thử thách sau khi một sự việc không ngờ tới xảy ra, dẫn họ tới những bí mật tàn khốc.
Kore-eda bắt đầu sự nghiệp với vai trò nhà làm phim tài liệu truyền hình trước khi ra mắt phim đầu tay vào năm 1995, Maborosi. Ở các tác phẩm điện ảnh của mình, ông vẫn giữ lại đặc tính gần gũi của truyền hình nhưng cũng đồng thời theo đuổi phong cách sâu sắc và không hào nhoáng của các đạo diễn gạo cội châu Á như Hầu Hiếu Hiền và Sài Minh Lượng.
Những câu chuyện của Kore-eda từ lâu đã được công nhận rộng rãi. Ông từng chiến thắng hơn 40 giải thưởng dành cho đạo diễn và kịch bản ở các liên hoan phim quốc tế danh giá, các giải thưởng châu Á và ở quê nhà Nhật Bản. "Like Father, Like Son", bộ phim năm 2013 của ông, từng giành Giải của Ban giám khảo tạo Cannes và được Dreamworks mua bản quyền làm lại với đạo diễn là Steven Spielberg. Tại LHP Quốc tế Vienna 2005, Kore-eda từng được miêu tả là "một nghệ sĩ đi trên dây trong giới điện ảnh, đứng giữa ranh giới ảo và thực, giữa thuật lại và sáng tác, giữa riêng tư và công khai".
Với Shoplifters, cây viết Peter Debruge của tờ Variety gọi đây là bộ phim yêu thích của anh trong 21 phim tranh giải tại Cannes 2018, trong khi David Ehrlich của tờ IndieWire nói rằng Shoplifters là "câu chuyện chính kịch xúc động, tinh tế và đánh lừa tuyệt vời nhất của Kore-eda về động lực khiến một gia đình trở nên gắn kết (hoặc không)".
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14