SSDH- Quay trở lại thời điểm mình còn học phổ thông, nhà không lắp wifi vì bố mẹ sợ con cái sẽ nghiện mạng xã hội, mình không có bất cứ thông tin nào về hội thảo, học bổng, khoá học, việc làm. Mình cũng không có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp.
Xem thêm:
Anh hay Úc: Đâu là lựa chọn tốt nhất cho du học sinh?
Tất cả những gì mình biết về các ngành nghề chỉ tóm gọn trong 1 câu: “học sư phạm làm giáo viên”, “học ngân hàng làm nhân viên ngân hàng”, “học kỹ thuật thì làm kỹ sư”, “học marketing làm quảng cáo”,… Thêm nữa, một điểm thiếu sót cực lớn trong hệ thống giáo dục lúc bấy giờ là không có lớp hướng nghiệp dành cho học sinh. Các thầy cô chỉ nói “giỏi tiếng Anh thì thi ULIS”, nhưng học ULIS ra làm gì thì thầy cô không nói.
Mình đã đỗ khoa Ngôn ngữ Trung, đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng mình bỏ.
1. Mình có thích hợp với việc gap year?
Có rất nhiều yếu tố cần phải cân nhắc khi quyết định gap year:
– Mục đích: mục đích chính của mình là biết bản thân mình muốn gì. Nhưng cũng có nhiều bạn mục đích chính là để xây dựng profile, ôn thi IELTS, SAT, tham gia các hoạt động ngoại khoá để xin học bổng.
– Áp lực (xin nói kỹ hơn về phần này): ngày mình nhận kết quả đậu ULIS, nói không vui thì là nói dối. Đậu thì vui mà bỏ thì tiếc. Mình thức trắng mấy đêm vì day dứt và tiếc nuối. Họ hàng đều nghĩ mình điên rồi mới bỏ ULIS, bạn bè mình thì bảo “mong đỗ ULIS còn không được, đằng này đỗ xong còn bỏ”, mẹ mình thì nói lập lờ nước đôi “nếu con định vào ULIS và muốn rút hồ sơ trên đại sứ quán thì mất chút tiền mẹ cũng chấp nhận”, thầy cô thì liên tục hỏi “tại sao tại bỏ, tại sao lại là nước Nhật“, thạm chí bố mẹ của bạn mình còn xuống tận nhà mình để tâm sự về chuyện học hành. Mình nghĩ rất nhiều về việc mình sẽ tốt nghiệp muộn hơn, đi làm muộn hơn, tiêu tốn nhiều tiền hơn các bạn và những rủi ro khi gap year. Và đúng như vậy, khi mình học xong năm nhất, các bạn tốt nghiệp việc làm ổn định, khi mình học xong năm 2, các bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Nó không hề ảnh hưởng nhiều tới mình, nhưng thỉnh thoảng mình cảm thấy hơi tụt lại so với các bạn.
Một loại áp lực khác lấy ví dụ từ em họ mình. Sau khi bảo lưu năm nhất đại học và ở nhà ôn thi, bố mẹ ngày nào cũng càu nhàu, có hôm còn đay nghiến vì gap 1 năm, tốn tiền, tốn thời gian mà không đậu học bổng thì công toi. Không phải cha mẹ nào cũng dễ tính, có nhiều người họ chỉ muốn con cái tuân theo quy trình của số đông: học đại học, đi làm, kết hôn, sinh con. Việc bỏ lỡ một vài năm trong quy trình trên, đối với họ, là điều nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Em mình ngày nào cũng trong tình trạng nước sôi lửa bỏng, các cuộc trò chuyện đều tan rã trong không vui. Mặc dù hiện tại mọi thứ đã tốt lên nhưng khi nghĩ lại khoảng thời gian đó, nó vẫn cảm thấy rất bí bách và ngột ngạt.
Bạn mình cũng gap year (đậu hb toàn phần ở Hàn, tốt nghiệp đại học Quốc gia Seoul), nó đã thành lập vài dự án hỗ trợ trẻ em vùng cao, đầu tư rất nhiều thời gian công sức vào dự án. Bố mẹ nó đều là những người có học thức cao và rất ủng hộ kế hoạch đó. Áp lực của nó đến từ giáo viên và hàng xóm. Nó học rất giỏi nhưng không thi đại học, nhà trường sẽ ít đi vài bộ bộ hồ sơ, thành tích của trường và giáo viên chủ nhiệm sẽ giảm đi (cô này có yêu cầu mỗi học sinh phải viết ít nhất 3 hồ sơ). Cô giáo ghim nó suốt học kỳ cuối lớp 12, ngày nào cũng hậm hực, nhìn thấy là bày sắc mặt khó coi, suốt ngày gọi điện hẹn gặp phụ huynh, làm gì cũng bị soi. Những vị giáo viên như này không hề thiếu, trường nào cũng có. Tiếp đến, hàng xóm không thấy nó học đại học, không biết nó đang làm gì nên cũng lời ra tiếng vào, “giỏi cũng chỉ ở nhà ăn bám”, “thằng này nó đang làm cái gì đấy nhỉ”, thậm chí còn cả những tin đồn ác ý. Gia đình ủng hộ nhưng nghe hàng xóm nói nhiều thì cũng có chút khó chịu.
– Tài chính & sự hỗ trợ từ gia đình: gap year, dù ít dù nhiều các bạn sẽ tốn tiền. Đối với những người gap year ngay sau THPT như mình thì hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ, nếu không có sự hậu thuẩn từ gia đình, mình chỉ có thể ngoan ngoãn học đại học ở VN.
2. Mình có gap year hiệu quả?
Hiệu quả hay không là do bản thân mình tự đối chiếu với mục đích ban đầu khi có dự định gap year, tự đánh giá. Mình không thể lấy thành công của người khác để làm thước đo cho mình vì mỗi người lại có một câu chuyện.
Sau gần 3 năm gap year, mình có được rất nhiều thứ, sau đây là 4 thứ lớn nhất:
– Tình bạn: du học rồi mới thấy bạn bè của mình độ tuổi nào cũng có: có người bằng tuổi anh chị, có người bằng cả bậc cha chú. Các bạn Trung Quốc dẫn mình đi chơi, đi ăn đồ Tân Cương, giới thiệu về văn hoá Trung Quốc. Bạn cùng phòng ủng hộ tỏ tình, tỏ tình thất bại ngồi khóc hu hu thì mọi người xúm vào dỗ dành tâm sự, có người đúng ra hàn gắn, rồi làm bạn thân với crush. Bọn mình net thâu đêm, tiệm net ở Nhật sướng như ở khách sạn. Còn rủ nhau mặc croptop giữa mùa đông lên Namba đón giao thừa. Cái gì không làm được ở cấp 3 thì sang Nhật mình đều làm thử hết. (Tuy nhiên, thỉnh thoảng bị bắt trông con hộ để vợ chồng bạn đi hẹn hò).
– “Để ra ngoài cho xã hội dạy” – câu này không sai. Va chạm rồi sẽ nhận ra mình không phải là cái rốn của vũ trụ, mình chỉ là hạt cát thôi. Mình phải học cách làm 1 thứ mà mình chưa làm bao giờ làm: luồn cúi, vì xã hội vốn dĩ không bằng, mình phải quen và chấp nhận nó trong một phạm vi nhất định.
– Trải nghiệm: suốt 10 tháng ở Hà Nội, mình đã ngồi xe buýt rong ruổi khắp phố phường, ngõ ngách, thử nhiều loại đồ ăn, ngắm nhìn cảnh sắc khác nhau của từng con phố. Đối với một đứa mới từ quê lên phố thì đó là loại trải nghiệm không thể nào quên. Sau đó mình sang Nhật, như chuột sa chính gạo.
– Thành tích: học 2 ngôn ngữ mới, có thêm một vài chứng chỉ ngoại ngữ.
Nếu các bạn có gap year, hãy cân nhắc thật kỹ.
Tác giả: May Kieu