SSDH – Tâm lý có đóng vai trò quan trọng khi học tiếng Anh không?
Những yếu tố nào được xem là quan trọng và cần thiết khi học tiếng Anh? Cho dù là tiếng Anh hay bất kì một ngôn ngữ khác thì nếu có phương pháp học tốt, chắc chắn bạn sẽ tiến bộ lên. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu thì hầu hết những người học tiếng Anh không thành công đều do tâm lý không tốt chứ không phải do phương pháp học hay giáo viên. Phương pháp, giáo viên, tâm lý đều là các yếu tố quan trọng, nhưng nhà tâm lý học Tony Robins cho rằng trên thực tế, yếu tố tâm lý chiếm 80% thành công, 20% còn lại phụ thuộc vào cách học, trường học, giáo viên dạy, sách bạn học. 80% thuộc yếu tố tâm lý bao gồm động lực, cảm xúc, cách bạn sắp xếp thời gian học. Và đây mới là những điều cần chú trọng nhất khi học tiếng Anh.
Học là cả một quá trình dài, nhưng bạn sẽ không bao giờ nhàm chán nếu biết cách làm cho nó thú vị!
Bạn phải yêu thích những gì bạn học
Bạn có thể quan sát các lớp học tiếng Anh và sẽ thấy rằng, những học sinh nhiệt tình, năng động, lạc quan là những người học tốt môn này. Họ thành công vì họ học và tiếp thu được nhiều hơn những học sinh khác. Những người thất bại, bỏ cuộc đều là những người phải đấu tranh với những trạng thái tâm lý ngược lại như: thụ động, bi quan, chán nản. Họ luôn có những ý nghĩ tiêu cực và không có hoặc rất ít động lực phấn đấu. Họ cảm giác họ không có năng kiếu học tiếng Anh, cho rằng tiếng Anh rất khó, không đủ niềm tin và đam mê với ngôn ngữ này.
Chính vì thế, việc biết cách điều khiển tâm lý là rất quan trọng. Làm thế nào để có ý chí mạnh mẽ, thái độ nhiệt tình và lòng đam mê với Tiếng Anh? Làm thế nào để duy trì nó mà không cảm thấy chán nản? Làm thế nào để bạn có thể ngày càng yêu tiếng Anh hơn, có nhiều động lực để đạt được nhiều thành công hơn? Làm thế nào để có thể nói tiếng Anh nhuần nhuyễn và dễ dàng? Trong giới chuyên môn, người ta gọi tâm lý là yếu tố phi ngôn ngữ. Tiến Sỹ Stephen Krashen đến từ Los Angeles, một trong những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ, sau khi thực hiện rất nhiều nghiên cứu đã nhận ra rằng, các yếu tố phi ngôn ngữ có tầm quan trọng ngang bằng hoặc thậm chí có khi còn quan trọng hơn các yếu tố thuộc ngôn ngữ khi xác định mức độ thành công của người học. Tức là những yếu tố cảm xúc, cảm giác, môi trường bạn bè, xã hội mà bạn đang tiếp xúc so với các phương pháp học thì nó đều quan trọng như nhau hoặc thậm chí quan trọng hơn.
Hoàng Hiền (SSDH) – Theo hubpages.com