SSDH – Với những người mới qua Mỹ, khoan vội mừng vì phải sống một thời gian đủ lâu, hòa nhập vào nó, sẽ thấy được tất cả những mặt tốt, xấu của nó.
Tôi đã từng học trung học (high school) ở Mỹ và hiện tại đang học đại học (university).
Thực tế đúng là từ lớp 1 cho đến tốt nghiệp trung học thì bạn không cần phải lo đến học phí bởi vì hệ thống trường công lập ở Mỹ đều được nhà nước tài trợ gần như 100% nhờ vào tiền thuế hằng năm bạn đóng, nghĩa là 1 phần tiền thuế của bạn đã đóng tiền học cho con của bạn rồi.
Đó là hệ thống trường công lập ở Mỹ, hãy nhìn sang hệ thống trường tư tại đất nước này.
Hầu hết các bậc cha mẹ ở đây đều mong muốn con mình được học ở những trường tư danh giá và cái giá để được học ở đó cũng không hề rẻ, gần chục ngàn đô cho một năm học là chuyện thường ở huyện.
Một góc đại học Havard, một trường đại học tư tọa lạc ở thành phố Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh minh họa: Internet
Nếu không có đủ tài chính thì con bạn cũng phải xuất chúng lắm mới có thể lấy được học bổng để vào những trường này.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn cho con mình học hệ thống trường công cho tới khi vào đại học thì xin chúc bạn may mắn trong công việc, và hãy bắt đầu tiết kiệm tiền dành dụm 12 năm để có thể đủ tiền cho con bạn học đại học sau này.
Học phí học đại học ở Mỹ không hề rẻ và chính phủ không “bao tiền học” như cấp phổ thông nữa. Các trường đại học công, học phí có thể lên đến hàng chục ngàn đôla một năm.
Đó là chưa kể bạn muốn con mình vào những trường nổi tiếng.
Tuy nhiên, vì đây là nước phát triển nên nó có đủ các hình thức hỗ trợ để con bạn được học đại học, ví dụ như là mượn tiền học (loan), xin trợ cấp xã hội (welfare) hoặc là xin xác nhận có thu nhập thấp (low-income) để được hỗ trợ tài chính (financial aid).
Tôi biết hàng trăm, hàng ngàn gia đình ở đây, làm giấy tờ để mình được vào diện “hộ nghèo”, xin tiền “xóa đói giảm nghèo” cho con đi học. Đó là hệ thống đại học công.
Nhưng với cái nền kinh tế èo uột hiện nay, người đông, việc ít thì cầm tấm bằng đại học công ở Mỹ cũng khó mà có việc làm trừ khi bạn có tấm bằng từ những trường tư danh giá.
Tuy nhiên, để học được những truờng này thì chính xác rằng bạn phải có một tài sản kếch sù. Một năm từ 30-50 chục ngàn đôla. Ở những trường này, chính phủ hoàn toàn không đụng tay hay tài trợ gì cả nên bạn phải “tự lực cánh sinh”.
Học bổng nhiều nhưng rất cạnh tranh
Với những người mới qua Mỹ, khoan vội mừng vì phải sống một thời gian mới có thể thực sự hiểu được đất nước này.
Sẽ thật là một phép so sánh khập khiễng nếu so sánh giữa một nước phát triển với một nước nghèo. Từ một nước nghèo qua một nước phát triển tất nhiên sẽ thấy nó tốt hơn, đẹp hơn, giàu hơn, nhưng sau khi sống đủ lâu, hòa nhập vào nó, sẽ thấy được tất cả những mặt tốt, xấu của nó.
Dân Mỹ cũng la làng, than trời đất với cái hệ thống đó. Họ cũng cho rằng nhiều thứ quá xuống cấp, cần làm mới như hệ thống y tế, giáo dục…
Hoài Nam