Sẵn sàng du học – Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi đến đây đó là thành phố Southampton giống Hải Phòng quê hương tôi một cách kỳ lạ: cả hai đều là thành phố công nghiệp lớn, đều là cảng trọng điểm của quốc gia, và chỉ cách thủ đô 2 tiếng ngồi tàu hoặc đi ô tô. Nhờ vị trí địa lý đặc biệt như vậy, Southampton cũng như Hải Phòng có những nét tương đồng thú vị: rất hiện đại, văn minh nhưng lại không quá xô bồ, hối hả.
Bạn không cần phải đi quá xa để tìm mua những thứ thiết yếu mà giá cả lại phải chăng, không đắt đỏ như ở thủ đô. Đều mang hơi thở của biển, thành phố ấm áp hơn trong mùa đông và dịu mát hơn trong mùa hè. Và cũng như Hải Phòng có đảo Cát Bà là điểm đến du lịch lý tưởng, Southampton nằm ngay cạnh hòn đảo thơ mộng Isle of Wight. Những điểm tương đồng độc đáo đó đem lại cho tôi một cảm giác gần gũi thân quen ngay từ lần đầu tôi đặt chân tới nơi này. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tất cả dường như được sắp sẵn, chờ tôi và các bạn đến để gặt hái thành công.
Southampton là nơi đất lành chim đậu, con người ở đây hiền hòa, thân thiện và vô cùng tốt tính. Cần phải nhấn mạnh rằng: nước Anh coi giáo dục như một ngành dịch vụ nên dù ở đâu, trường đại học cũng luôn luôn cố gắng giúp đỡ du học sinh. Mặc dù vậy, những điều tôi nhận được từ trường Southampton, theo tôi nghĩ, vượt trên cả những điều họ cần phải làm. Họ giúp tôi đơn giản vì tình yêu của họ đối với công việc và sự cảm thông của họ đối với sinh viên quốc tế. Tôi vẫn còn nhớ, trước khi sang Anh, do sai sót trong khâu thủ tục, tôi phải làm gấp lại visa.
Mặc dù vậy, xuyên suốt quá trình tôi không hệ nhận thấy bất kỳ dấu hiệu trách móc hay mệt mỏi nào từ phía International Officer của trường; ngược lại từ phía cô luôn là một sự cảm thông và tận tình giúp đỡ. Rồi thời gian đầu khi mới sang, do rào cản về ngôn ngữ, tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp thu nên thường xuyên phải đến phòng làm việc của các giáo sư để hỏi bài. Các thầy dù bận rộn với rất nhiều đề tài nhưng vẫn từ tốn giảng giải, không hề thể hiện sự nôn nóng đối với sự chậm hiểu của tôi. Những người bạn Anh cũng chẳng lạnh lùng như trước đây tôi thường nghe nói.
Ngược lại, họ khá cởi mở và hài hước, họ không hề cười tôi khi tôi phát âm sai, biết đánh giá cao sự khác biệt, cảm thấy thú vị khi lắng nghe những câu chuyện về Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ với tôi văn hóa của họ. Không chỉ vậy, một điều đặc biệt nữa ở Southampton là trường có rất nhiều anh chị nghiên cứu sinh người Việt. Với những thanh niên tuổi đôi mươi lại lần đầu đi nước ngoài như tôi thì việc ở một môi trường tốt là vô cùng quan trọng. Thật may mắn cho tôi khi đã chọn học ở đây, nơi tôi có thể dễ dàng xin được lời khuyên bất kỳ khi nào tôi cần. Rất nhiều cơ hội tôi biết đến, kỹ năng tôi học được trong thời gian ở đây là nhờ sự chị bảo của các anh chị.
Không chỉ là nơi với những con người tuyệt vời, Southampton còn có thể coi là một thiên đường của cơ hội với vô số hoạt động của các câu lạc bộ và tổ chức. Chỉ cần bạn có nhiệt tình, thời gian và sự chuẩn bị, cơ hội sẽ luôn luôn chờ đón bạn.
Đầu tiên phải kể đến cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa và rèn luyện kỹ năng diễn thuyết. Trong năm nhất khi tôi đang băn khoăn lựa chọn hoạt động thì may mắn nhận được email của Roadshow: họ tuyển những bạn sinh viên nhiệt tình tham gia chương trình khoa học dành cho trẻ em. Ban đầu tôi hơi ngần ngại nhưng càng tham gia tôi lại càng thích thú. Tôi dần trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông của tôi ngày càng tiến bộ.
Có được kinh nghiệm, tôi được nhận vào làm cho trong tuần lễ sinh viên International welcome week, vừa giúp các bạn sinh viên quốc tế mới sang, bỡ ngỡ như tôi trong năm đầu tiên, vừa kiếm thêm được tiền trang phải chi phí. Và đến năm ba, như một phần thưởng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, tôi được nhận làm Student Ambassador, đại diện cho trường đại học Southampton.
Thứ hai là cơ hội tham gia các cuộc thi lớn, đăng ký các học bổng và giải thưởng. Cuộc thi đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi là IBM University Business Challenge. Cuộc thi vốn chỉ dành cho các bạn sinh viên kinh tế, nhưng sinh viên kỹ thuật cũng được trường nhiệt tình khuyến khích tham gia. Team của tôi được thành lập từ những mối quan hệ tôi xây dựng trong năm nhất: từ bạn cùng lớp, bạn cùng nhà, cho đến bạn trong hội sinh viên Việt Nam, những người mà tôi rất tin tưởng và yêu quý.
Sự cố gắng và liên kết chặt chẽ giữa các thành viên cùng với một chút may mắn đã giúp đội tiến sâu tới tận trận chung kết và đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn thể 280 đội đăng ký ban đầu trên toàn UK. Với thành tích ấn tượng trong cuộc thi IBM UBC cùng với sự nhiệt huyết của mình, tôi đã giành được một giải thưởng rất danh giá mà mỗi năm chỉ 40 sinh viên kỹ thuật trong toàn Vương quốc Anh được nhận: giải thưởng Lãnh đạo trẻ Engineering Leadership Advanced Award từ Hiệp hội Hoàng Gia Kỹ sư Anh (the Royal Academy of Engineering). Giải thưởng này đóng vai trò quan trọng trong những năm sau đó bởi họ định hướng và hỗ trợ về mặt tài chính để tôi có thể tham gia các khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo cũng như phát triển nghề nghiệp.
Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, đó là cơ hội tìm việc làm. Có hai yếu tố dẫn đến tỷ lệ có việc làm rất cao của sinh viên kỹ thuật ở Southampton sau khi ra trường, lên đến 93%. Thứ nhất, trường Southampton là một trường rất nổi tiếng về ngành cơ khí kỹ thuật & công nghệ nên luôn được sự chú ý đặc biệt bởi các công ty.
Thứ hai, trường có Career Destinations rất năng động, liên tục tổ chức các buổi hội thảo (workshop) dạy sinh viên kỹ năng viết đơn đăng ký, phỏng vấn, rèn luyện nâng cao khả năng xin việc (employability). Đồng thời, họ thường xuyên mời các công ty về trường để giới thiệu cho các bạn sinh viên. Nhờ những buổi nói chuyện đó mà tôi hiểu thêm nhiều về ngành nghề cũng như tìm được cơ hội làm việc trong hè.
Mùa hè năm hai, tôi được nhận vào làm cho BP – công ty dầu khí với tổng doanh thu lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, môi trường làm việc khác hoàn toàn với môi trường học tập khiến cho gặp nhiều bất ngờ. Một công ty lớn như BP có rất nhiều nguyên tắc tôi cần phải tuân thủ mà dường như lúc đó tôi chưa đủ trưởng thành để nhận ra. Kết quả không tránh khỏi, tôi bị từ chối đào tạo tiếp sau 11 tuần làm việc. Đó là một điều đáng tiếc nhưng cũng nhờ việc này tôi rút ra được rất nhiều bài học. Tôi lại tiếp tục cố gắng, và rồi hè năm ba, tôi được nhận vào làm việc cho London Offshore Consultants tại Singapore.
Rút kinh nghiệm hè trước, tôi làm việc chăm chỉ, khiêm tốn học hỏi từ đồng nghiệp và luôn thể hiện tinh thần làm việc hết mình. Chính những lời khen cho những dự án tôi làm trong mùa hè này đã giúp tôi nhận được đề nghị tham gia khóa đào tạo 4 năm sau khi ra trường (Graduate training scheme) của LOC với 4 năm tại 3 nước Singapore, Australia và UK.
Như vậy, có thể thấy, ở Southampton có đầy đủ tất cả các yếu tố cần thiết để giúp bạn thành công. Hi vọng một ngày không xa, tôi sẽ đọc được câu chuyện của các bạn tại UK và đặc biệt là thành phố cảng Southampton thân yêu.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Nước Anh