Thi Testdaf: Kinh nghiệm học và thi ở Đức

0

SSDH – TestDaF là một kỳ thi tiếng dành cho người nước ngoài có dự định học tập và nghiên cứu tại Đức hoặc cần chứng minh kiến thức tiếng Đức của mình.

Công tác ra đề và chấm thi được thực hiện bởi Viện TestDaF Hagen. Trên thế giới hiện có khoảng 80 nước có các trung tâm tổ chức thi TestDaF. Tất cả các thí sinh chỉ sử dụng một đề thi duy nhất cho mỗi đợt thi. Kết quả thi được xếp theo ba hạng:

Xét theo tiêu chuẩn chung về ngôn ngữ của Cộng đồng châu Âu, TestDaFNiveaustufe 3 đến 5 sẽ tương đương với B 2.1 đến C 1.2.

Khi bạn có TDN 4 (tức mỗi kĩ năng 4/5 hoặc tổng điểm 16/20) thì sẽ thay thế được bằng DSH 2 hoặc TELC C1 Hochschule ở nhiều trường đại học của Đức. Thi Testdaf quan trọng là có kĩ năng tốt (ôn luyện nhiều thì sẽ tốt ) và tâm lí phòng thi vững, mình sẽ phân tích ở cả hai khía cạnh này để các bạn biết được mình cần làm gì và làm như thế nào.

testdaf-1

1. Giới thiệu về bản thân:

Mình học B2 và cùng lúc đó ôn luyện TestDaF trong 4 tháng. Mình học tiếng Đức B2 ở trường đại học ở Đức và nó không thực sự hiệu quả lắm, vì giáo viên dạy chậm do lớp có sự chênh lệch về trình độ. Nhưng mình rất may mắn là được một chị bạn của một anh bạn cho bí kiếp nên có thể vượt qua vòng Testdaf này (mình sẽ chia sẻ ở dưới). Kết quả thi của mình là Đọc 4 Nghe 5 Viết 4 Nói 3. Không cao nhưng cũng đủ để mình trở thành sinh viên chính thức của trường. Nói chung, kết quả mình đạt được là do tự học và bạn cũng vậy, bạn phải tự học chứ không thể trông chờ vào ai luyện thi cho mình được. Để đạt được TDN 4 thì trình độ tiếng Đức của bạn nên là tối thiểu B2, thấp hơn cũng được nhưng miễn là bạn học thực sự vững kiến thức của những trình độ đã học, vì thực chất B2 là sự update cho hoàn hảo những cấu trúc đã học ở A1-B1.

2. Quá trình học

Từ vựng:  Wortschatzübungen für Fortgeschrittene

Mình học từ vựng từ cuốn Wortschatzübungen für Fortgeschrittene: bạn không cần tốn công kiếm file online vì chưa ai dám up sách này lên mạng. Muốn sở hữu sách thì bạn đặt mua online ở trang web chính của sách tại http://www.booksbaum.de/wortschatz_uebungen.html hoặc lên hội sinh viên mua cũ lại (thường rất ít người bán lại vì từ vựng trong sách rất đa dạng và cần thiết nên họ thường giữ lại học tiếp).

Cách học từ:

Không khuyến cáo các bạn như mình nếu tình huống không thực sự khẩn cấp!!!

Mình học chung với tụi bạn. Cách học là học vẹt, vì lúc tụi mình học từ là 2,5 tháng trước khi thi nên thực sự không có nhiều thời gian để hiểu sâu sắc từng từ được, tụi mình quan trọng là khi gặp nó trong bài thì biết được nó đứng đó để làm cái gì. Tụi mình đọc ví dụ và thảo luận đến khi hiểu rõ từ đó thì nhập từ vào phần mềm Quizlet (tải trên Google Play). Phần mềm này cho phép tạo Flashcard để học từ và cũng có thể share cho người khác, nhưng tốt nhất nên tự thân vận động, tự tạo danh sách từ của riêng mình để ghi nhớ lâu hơn. Và trước kì thi 1 tháng, tụi mình đã phần nào thuộc hết các Themen trong sách.

NOTE: Một số Themen thầy mình nói là không bao giờ ra thi vì nhạy cảm: Politik, Religion, Chemie (ít ra thi). Còn lại thì chủ đề nào cũng quan trọng.

3. Quá trình luyện đề

Đề thi lấy trên trang web chính của Testdaf.de và vào link này tải. Đúng rồi, có mấy đề à. Vậy nên làm hết rồi thì lại làm lại hoặc làm thêm đề bên Goethe C1-C2, Telc hay DSH cũng vui.

Cách làm bài của mình là mình ghi chú bằng tiếng Việt. Rất nhiều người khuyên là không nên cố gắng dịch ra nhưng tính mình hay ẩu, thường đọc lướt qua mà đề thì hay gài những từ như selten, kaum,… coi sót 1 cái là đi luôn câu đó. Vậy nên mình ghi ra tiếng Việt luôn thì đỡ sót hơn nhiều.

Kỹ năng đọc

TDN 4 cần đúng 20-22 câu tùy độ khó dễ của đề. Kĩ năng dễ lấy điểm nhất nên các bạn cố hết sức tập trung để dùng nó kéo điểm cho kĩ năng khác hoặc ít nhất không là gánh nặng cho kĩ năng khác phải kéo lên (các bạn nên lấy mỗi kĩ năng 4đ). Khi vô bài đọc thì đám từ vựng bạn học ở trên sẽ phát huy tác dụng. Nó giúp bạn hiểu được sơ sơ ý của bài đọc và theo được cái Schlüsselwörter của bài. Từ đó mới truy ra được đáp án cho câu hỏi. Không có cách làm bài nào thực sự hiệu quả. Bạn nên tự làm nhiều bài thì sẽ rút ra được cách cho riêng mình. Sau đây chỉ là gợi ý cách làm bài của mình: Bài đọc gồm 3 bài, tổng thời gian làm và chép đáp án là 60 phút.

Bài 1: 15 phút để làm.

Có 10 câu hỏi trong bài và chỉ có 7 đáp án để chọn và chỉ được phép có 3 câu I mà thôi. Tương truyền là có bí quá cũng không được phép ghi 4 câu I vì làm vậy là sai đề và không được tính điểm. Vậy nên bài 1 dễ mà khó. Dễ là vì dễ chết. Sai 1 câu là đi luôn 2 câu (mấy bạn làm thử sẽ thấy). Khó là vì họ sẽ đưa ra các Anzeige khá giống nhau để cho mình lộn. Vậy nên để lấy càng nhiều điểm ở phần này thì các bạn phải cẩn thận, tỉnh táo và nên dành cho nó nhiều thời gian chút. Lấy được trọn điểm bài này thì con đường tới TDN 4 đỡ xa hơn nhiều. Có nhiều cách làm bài 1:

  • Đọc 1-3 câu, ghi chú rồi tìm đáp án: phòng khi các câu hỏi kia đáp án là I thì tìm tới tết Congo cũng không có đáp án.
  • Đọc 1 câu hỏi rồi tìm đáp án: bạn sẽ tỉnh táo hơn, không bị loạn giữ rừng câu hỏi và câu trả lời.
  • Đọc tất cả câu hỏi, ghi chú rồi tìm đáp án
  • Đọc tất cả đáp án, ghi chú rồi gắn vô câu hỏi

Mình chọn cách a để làm bài.

Bài 2: 20 phút để làm

Vẫn theo quy tắc track dấu và phải đọc kĩ câu hỏi, vì đề hay gài ở câu hỏi. Họ chỉ đổi 1 từ ở câu hỏi thôi và bạn sẽ chọn ngay đáp án sai. Vậy nên vô bài là đọc câu hỏi 1-3 trước, ghi chú để nắm ý rồi vô bài đọc. Ví dụ: bạn đọc không thấy đáp án cho câu 1 nhưng có đáp án cho câu 2, vậy cứ đánh cho xong câu 2 đã rồi bạn track dấu ngược lên trên vì đáp án cho câu 1 phải nằm từ đầu cho tới trước khi gặp đáp án câu 2. Làm track dấu tương tự cho các câu khác.

Bài 3: 20 phút để làm

Bạn không cần nghe ai hù là bài 3 khó nhất vì mình, một ví dụ điển hình, thường làm bài 3 tốt hơn bài 2. Ba đáp án có, không, không biết nữa.. rất là rối. Quan trọng là bạn không được suy diễn.

Ta chọn Đáp án là:

  • Có: khi câu hỏi người ta dùng Synonym ( từ đồng nghĩa) để thay thế hoặc cách diễn giải phải thiệt là sát trong bài.
  • Không: khi câu hỏi nêu ra ý trong bài có đề cập nhưng nghĩa trái ngược hoặc thiếu ý về vấn đề đó.
  • Không đề cập: khi câu hỏi tự chế ra cái gì đó rất giống với tâm tư, nguyện vọng của mình nhưng thật chất trong bài thì không nói đến, hoặc không nói chi tiết như cách câu hỏi đã chế ra.

Ví dụ:

Trong bài viết: cho thử nghiệm trên khỉ vì khỉ có gene giống con người.

Câu hỏi: người ta thử nghiệm trên khỉ vì khỉ giống con người nhất.

Đáp án là bài không có đề cập vì thật sự là người ta không có đề cập.

Các bạn cứ bình tĩnh khi làm bài này vì nãy giờ đọc 2 bài trên kia là đuối rồi, giờ đọc vô cái này là hoang mang lắm, không biết là đáp án nào đâu. Thôi thì cứ track dấu, không suy diễn thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Kỹ năng nghe

TDN 4 cần đúng 15-17 câu tùy độ khó dễ của đề.

Phần nghe mình không tự tin lắm nên hi vọng nó không là gánh nặng bắt kĩ năng khác gánh là may mắn rồi. Mình tập nghe bằng cách nghe khi đi bộ, trên bus, sắp đi ngủ (bật chế độ auto off): Radio, nghe đi nghe lại các bài nghe trong Modelltest,.. nghe trong cuốn Training Hörverstehen của Booksbaum,… túm lại là có cái gì nghe được thì cứ kiếm nghe thì khả năng nghe sẽ nhạy hơn với các từ vựng đó. Khi giải đề thì mình tranh thủ đọc câu hỏi, ghi chú. khi máy đọc thì mình sẽ ghi hết những gì nghe được, sẽ có thời gian chép đáp án ra giấy (10 phút) nên hãy cố gắng viết và nắm lấy những gì nghe được, vì sau đó, biết đâu bạn không nghe rõ câu đó nhưng vẫn có thể giải nghĩa đúng và đưa ra đáp án phù hợp cho câu hỏi và lụm điểm 1 cách thật may mắn.

Bài 1: nghe 1 lần thôi nên cố gắng viết tắt và nhanh. Mà viết sao xíu nữa viết vô tờ làm bài được chứ viết mà đọc lại không biết mình viết gì thì thua luôn. Bài 1 câu trả lời thường ngắn gọn tầm 3 chữ đổ lại nên cố gắng nghe nha.

Bài 2: trong khi bài 1 và 3 nghe rồi chép lia lịa trong đam mê mà chả biết nó có dính tới câu hỏi không, rồi cũng không có điểm nào nếu câu trả lời trớt quớt, nên bài 2 chỉ cần R oder F là có 1 điểm thì cố lấy. Lấy được 10 câu của bài này là ngon cơm và con đường TDN 4 lại gần hơn xíu nữa. Vô bài là mình đọc hết câu hỏi, ghi chú. Câu hỏi thường gài đáp án ngược lại trong bài. Người ta cũng sẽ nói nhanh và các câu hỏi sẽ lần lượt lướt qua thật vô tình. Nên các bạn cần nắm ý câu hỏi thật nhanh và cố bám sát vào bài nghe. Nếu lỡ lọt mất câu 2 thì coi như bỏ, xíu đánh lụi, tiếp tục bình tĩnh coi câu 3,4,5 để làm tiếp chứ lúc đó mà quíu lên là coi như em đi xa quá, đi luôn dãy câu còn lại là Testdaf 2 chắc cũng không có chứ đừng nói là 4.

Bài 3: bài này thì cứ free style writing thôi. Cứ chép nhanh những gì nghe được. cuối bài ngồi lượm lặt, gọt sao đó mà cho nó phù hợp câu hỏi là okie.

Ở bài 1 và 3 thì đáp án cũng nới lắm. không cần thiết mấy bạn ghi đúng từng chữ trong bài nghe mà chỉ cần ý đúng, giải nghĩa theo ý mình mà đúng ý ông chấm bài thì vẫn được điểm nhe. Các lỗi Grammatik như sai giống, quên chia đuôi, từ ghép mà quên thêm s giữa 2 từ… sẽ được du di bỏ qua. Mà sai nặng quá thì mình không biết.

Kỹ năng viết

Phần này bạn cần vững Grammatik xíu (ý là viết đừng có ghi “ich sind” hay “weil ich brauche Geld” là được), từ vựng không cần cao siêu, miễn sao đúng yêu cầu đề, diễn giải dễ hiểu, ý kiến rõ ràng, chữ dễ nhìn là lấy được 4đ. Cấu trúc mình sử dụng là được chị bạn của anh bạn chia sẻ. khi sử dụng mấy bạn nên linh động, đừng áp dụng cứng nhắc. nhưng cũng đừng sáng tạo cho mỗi bài 1 kiểu viết khác nhau: vì 1 tiếng vừa phân tích biểu đồ (tốn khoảng 20 phút), vừa tranh luận (khoảng 40 phút) thì không có thời gian để chế đâu. Quan trọng là có người chỉnh lỗi và giúp mình cải thiện bài viết. cái này thì mình nhờ giáo viên dạy mình chỉnh. Cứ siêng viết và đi sửa bài và rút ra được kinh nghiệm sau mỗi bài viết thì kĩ năng sẽ khá lên. Cần chú ý thời gian vì 1 tiếng là rất rất rất ít thời gian để làm bài.

Cấu trúc tải ở link này:

Kỹ năng nói:

Mình không thích phần thi này vì người thi phải nói với cái máy tính rồi được ghi âm lại, gửi cho ai đó ở Bochum chấm. Mình học thuộc cấu trúc 1 cách máy móc và luyện tập ở nhà. Vô thi ráp ý tưởng vô cấu trúc rồi cứ vậy mà tới.

Cấu trúc tải ở link này

testdaf-2

4. Bước vào kỳ thi

Tới lúc thi thì mấy bạn nên quên hết những phần trên mình hướng dẫn đi, vì vô thi thì nó “khác” lắm.

Ví dụ:

Plan của mình là ĐỌC 5 cứu NGHE 3, VIẾT NÓI 4 tự lo (bạn nên có 1 kĩ năng trụ, là phao cứu sinh cho kĩ năng khác).

Thực tế thì: Tới khi thi, đọc không kịp giờ, đánh lụi quá trời. Nghe thì bài 1 ở nhà thường dễ, mà vô thi nó quất 1 phát, đọc nhanh kinh khủng, nghe lao đao luôn. Mình cố viết được hết đáp án mà lòng hoang mang là liệu có đúng không?! Viết thì ok rồi, đề trong tầm với, song cao lắm là 4. Nói thì thường ở nhà bài 1 dễ, vậy mà vô thi đọc cái đề còn không hiểu. kinh dị hơn là hồi mình thi có 20 thí sinh. 20 người nói cùng 1 lúc sau khi tiếng “bíp” thần thánh được vang lên. Nói thiệt là mình còn không nghe được bản thân đã và đang nói gì, chứ đừng nói tới việc sắp xếp lại từ ngữ, ngữ pháp. Một phần thi hết sức là bối rối. mấy bạn nên chuẩn bị kĩ, nếu không sẽ bị choáng ngợp.

5. Kết

Mấy bạn không cần thiết tham gia các lớp ôn tập, luyện thi vì tất cả các kĩ năng đều có thể tự học nhưng vẫn phải đi học các khóa tiếng đều đặn để nhờ giáo viên sửa bài viết, phát âm…

Theo mình thì thi Testdaf không khó mà thực sự rất khó. Bạn không những cần khả năng, kĩ năng, mà còn cần cả sự may mắn nữa. nhưng quan trọng là hãy tin là mình sẽ làm được, vì nếu tâm lí không vững thì bạn đã thua ở bước đầu rồi. Cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép. Vậy nên cứ tập trung ôn luyện rồi cứ đi thi thật thoải mái. Kết quả có ra sao thì bạn cũng đã làm hết mình rồi.

Theo: Hotrosv

Share.

Leave A Reply