SSDH- Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về visa làm việc sau tốt nghiệp tại các nước UK, Mỹ, Canada, Đức và New Zealand, bao gồm chi phí, quy trình đăng ký và thời gian bạn có thể ở lại sau tốt nghiệp.
Một trong những câu hỏi hóc búa nhất đối với đại đa số du học sinh chính là trải nghiệm du học sẽ định hướng con đường tương lai của họ như thế nào. Họ muốn biết bản thân sẽ nhận được những lợi ích gì trong suốt quãng thời gian học tập tại nước ngoài, hay liệu họ có thể chiếm ưu thế tại môi trường làm việc sau tốt nghiệp hay không.
Bên cạnh đó, bạn hẳn sẽ muốn biết những cơ hội mà quốc gia du học của bạn cung cấp. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về visa làm việc sau tốt nghiệp tại các nước UK, US, Canada, Đức và New Zealand.
1. UK
Từ ngày 1/7/2021, sinh viên quốc tế đã hoàn thành chương trình đại học hoặc sau đại học tại UK đều được cấp lộ trình thị thực sau đại học (Graduate Route Visa). Thị thực này sẽ cho phép sinh viên ở lại UK thêm 2 năm sau khi tốt nghiệp để có thể làm việc hoặc tìm kiếm việc làm. Sinh viên bậc Tiến sĩ có thể ở lại trong 3 năm.
Sinh viên không cần phải có một công việc đảm bảo để nộp đơn xin thị thực và họ cũng không cần phải đáp ứng yêu cầu về mức lương tối thiểu khi họ đảm nhận một công việc. Sinh viên có thể làm việc linh hoạt, dành toàn bộ 2 năm để tìm việc làm và phát triển các kỹ năng cần thiết.
Do đại dịch, chính phủ nước này đã gia hạn thêm thời hạn sinh viên phải có mặt tại UK để có thể đủ điều kiện xin thị thực Sau đại học. Những sinh viên bắt đầu học kỳ vào mùa thu năm 2020 hoặc mùa xuân năm 2021 sẽ phải có mặt tại UK trước ngày 27/9/2021. Ngoài ra, sinh viên bắt đầu kỳ học vào mùa thu năm 2021 hoặc đầu năm 2022 sẽ đến đây trước ngày 6/4/2022.
[Tham khảo: Quy trình xử lý visa ảnh hưởng đến các điểm du học lớn]
Quy trình đăng ký được triển khai hoàn toàn bằng kỹ thuật số đối với phần lớn người nộp đơn. Nếu đơn đăng ký của bạn thành công, bạn sẽ được cấp eVisa. Bạn phải bắt đầu nộp đơn đăng ký Graduate Route Visa khi vẫn còn ở Vương quốc Anh.
Các ứng viên được yêu cầu phải đăng ký visa trên trang web của chính phủ UK. Bạn sẽ cần tạo một tài khoản Visa và Nhập cư UK, và sử dụng ứng dụng UK Immigration ID Check để xác minh danh tính của bạn. Để làm điều này, bạn sẽ cần Thẻ/Giấy phép Cư trú Sinh trắc học (BRC/P) mà bạn nhận được khi bạn được cấp visa sinh viên (hoặc Tier 4). Nếu bạn là công dân EU, EEA hoặc Thụy Sĩ, bạn có thể sử dụng hộ chiếu sinh trắc học của mình để xác minh danh tính trên ứng dụng.
2. Mỹ
Sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ sở hữu thị thực F-1 có thể tham gia đào tạo thực tế trong thời gian học hoặc ngay sau khi tốt nghiệp. Có hai hình thức đào tạo thực hành dành cho sinh viên F-1, bao gồm: đào tạo thực hành ngoại khóa (CPT) và đào tạo thực hành tùy chọn (OPT). CPT phải được thực hiện trong chương trình đại học. Tuy nhiên, OPT có thể được thực hiện trong vòng tối đa 12 tháng sau khi sinh viên tốt nghiệp. ngoài ra, nội dung khóa đào tạo phải liên quan đến chuyên ngành hoặc khóa học của sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học có thể tham gia khóa học OPT trong vòng 24 tháng.
Sinh viên cũng có thể đăng ký 12 tháng OPT ở mỗi cấp học (12 tháng sau khi lấy bằng cử nhân và 12 tháng sau khi lấy bằng thạc sĩ). Những sinh viên quan tâm đến khóa OPT có thể trao đổi với văn phòng sinh viên quốc tế tại trường đại học của họ về cách đăng ký.
3. Canada
Canada cấp cho sinh viên giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp, cho phép sinh viên làm việc ở nước này trong tối đa 3 năm nếu họ tham gia một khóa học kéo dài ít nhất 2 năm. Chi phí đăng ký là CAN$255 và mất trung bình 94 ngày để xử lý. Nếu chương trình học của bạn kéo dài dưới 2 năm, bạn vẫn có thể đủ điều kiện để được cấp giấy phép có giá trị trong cùng thời lượng với chương trình học của bạn.
Sinh viên phải nộp đơn xin giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp trước khi giấy phép học tập hết hạn. Nếu thời gian bạn phải học từ xa dưới 50% chương trình, bạn vẫn có thể đủ điều kiện để được cấp giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp. Nếu thời lượng học từ xa chiếm hơn 50% chương trình, bạn sẽ không thể xin visa này.
Sinh viên sẽ có tối đa 180 ngày để xin giấy phép sau khi nhận được bằng tốt nghiệp. Hầu hết sinh viên đều có thể nộp đơn xin giấy phép trực tuyến và sẽ cần một lá thư chính thức từ trường đại học của họ nêu rõ rằng họ đã hoàn thành khóa học, cũng như bảng điểm chính thức.
[Tham khảo: Định cư tay nghề thông thường (General skilled visa)]
4. Úc
Úc cấp thị thực tốt nghiệp tạm thời cho phép sinh viên tốt nghiệp để họ ở lại làm việc, học tập hoặc du lịch trong khoảng thời gian từ 2-4 năm, tùy thuộc vào chương trình học của họ kéo dài bao lâu. Nếu chương trình cử nhân hoặc thạc sĩ kéo dài 2 năm, chi phí đăng ký visa sẽ rơi vào khoảng AUD$1.650.
Ứng viên cũng phải chứng minh trình độ tiếng Anh của mình ở một mức độ nhất định và có bảo hiểm y tế đầy đủ.
Hầu hết sinh viên sẽ có thể nộp đơn xin thị thực trực tuyến bằng cách tạo một tài khoản trên ImmiAccount. Sau đó, bạn sẽ phải cung cấp một loạt các tài liệu bao gồm tài liệu nhận dạng, chứng nhận tốt nghiệp, bảo hiểm y tế và hồ sơ cá nhân.
5. Đức
Sinh viên du học tại Đức có thể xin giấy phép cư trú kéo dài 18 tháng để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, trong thời gian đó họ có thể làm bất kỳ loại công việc nào.
Sinh viên phải cung cấp hộ chiếu, chứng nhận tốt nghiệp, bảo hiểm y tế và bằng chứng rằng họ có thể tự hỗ trợ tài chính.
Thời hạn 18 tháng bắt đầu ngay sau khi bạn kết thúc kỳ thi cuối kỳ và bạn có thể dành toàn bộ thời gian để làm việc bao nhiêu tùy thích và trong bất kỳ công việc nào. Khi đã có việc làm, bạn có thể nộp đơn xin Thẻ xanh EU hoặc giấy phép cư trú của Đức. Thẻ xanh EU cũng sẽ cho phép bạn làm việc ở các quốc gia EU khác.
Sinh viên tới từ Liên minh Châu Âu có thể ở lại và làm việc tại Đức mà không cần giấy phép cư trú 18 tháng.
[Tham khảo: Mọi điều sinh viên cần biết về visa du học Đức]
6. New Zealand
Tùy thuộc vào độ dài của khóa học, bạn có thể ở lại New Zealand tối đa 3 năm sau khi tốt nghiệp và làm bất kỳ công việc nào. Các tài liệu cần thiết và trợ cấp có thể khác nhau tùy thuộc vào việc bạn học ở Auckland hay ở nơi khác.
Sinh viên chỉ có thể nộp đơn xin thị thực một lần, trừ khi họ hoàn thành bằng cấp thứ hai ở bậc cử nhân trở lên.
Để đăng ký, sinh viên sẽ cần tạo một tài khoản trên trang web Immigration New Zealand và tải lên các tài liệu của họ.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)