Sẵn sàng du học – May mắn đến với tôi là có một chuyến đi công tác tại Anh tham dự “The Vietnam – UK Education Cooperation Forum” tại London vào trung tuần tháng 9.
Cuối tháng 8, khi biết sẽ đi công tác tại Anh, tôi luôn có một cảm giác là lạ vào mỗi sớm mai, nước Anh quá đỗi thân quen bởi tôi vẫn đọc báo tiếng Anh mỗi ngày. Tôi bắt đầu xem dự báo thời tiết của những thành phố mà cơ quan sẽ đến làm việc. Rồi tôi lên lịch cho những bộ quần áo mà mình sẽ đem theo cho 10 ngày công cán…
Nay nước Anh trong mơ của tôi đang ngày một gần hơn, thực tế hơn, không quá lãng đãng mờ sương, cũng chẳng quá lung linh vì thế giới ngày nay quả thật ở trong lòng bàn tay chỉ bởi một cú nhấp chuột.
8 ngày ở nước Anh, tôi đi từ London tới Sunderland, qua thành phố York; từ Windsor Castle tới cánh đồng thơ mộng với Stonehenge bí ẩn; từ Đại học Middlesex tới đại học Oxford; từ Durham tới Stadium Light với trận bóng đá giữa đội Sunderland và Tottenham mà chúng tôi quá may mắn được ngồi trên hàng ghế VIP cho tới thành phố và đại học York… Ở đâu, chúng tôi cũng luôn cảm nhận được sự uyên bác của một nền học thuật lâu đời, căn bản và bền vững cùng sự mến khách và thân thiện của những người văn minh.
Trên đường đi trong khu vực thư viện của Đại học Oxford, có một cậu thanh niên nằm dài trên đường với một cái tô nhỏ để xin tiền, nhưng sự tập trung của tâm trí cậu ấy lại là quyển sách dày cộm trên tay. Tôi đã suy nghĩ mãi về hình ảnh này, nó có vẻ đối lập về hình ảnh một người uyên bác với thực tế là một người ăn xin. Nó lạ lẫm bởi ở Việt Nam, là hành khất thì đồng nghĩa với thất học và mù chữ, nhưng hình ảnh đó đã đem lại cho tôi một cảm xúc có vẻ như được sống lại không khí của những thành phố châu Âu vào thế kỷ 18, mà tôi được xem phim thuở ấu thơ.
Vào hiệu sách Blackwell Book Services, một cửa hàng sách thành lập từ năm 1879 của Oxford, chúng tôi choáng ngợp bởi sách, tôi như Alice lạc vào sứ sở thần tiên. Thời gian chẳng bao giờ đủ cho người có nhiều ham muốn, cuối cùng tôi chỉ mua 2 con gấu bông be bé mặc áo đồng phục đại học Oxford, với một mong muốn thầm kín và mãnh liệt rằng món quà này sẽ thật ý nghĩa cho những đứa cháu tương lai của mình.
Nước Anh không chỉ sương mù và rét buốt, đến độ chúng tôi muốn đi bộ từ khách sạn Sunderland – Marriott tới ngọn hải đăng trên bờ biển để chụp hình mà không thể đi nổi. Trời mưa và lạnh, chúng tôi đành phải chụp ngọn đèn biển ấy từ xa trong nuối tiếc. Nắng vàng của nước Anh đủ làm cho má tôi ửng hồng và những tấm hình của chúng tôi đẹp lung linh. Giờ đây, lật lại những kỷ niệm ấy, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng.
Đàn cừu trắng chậm rãi đi lại trên đồng cỏ mênh mông làm tôi nhớ đến cao nguyên Di Linh giữa thập niên 80 và nhớ đến bài hát xa xưa “Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời”. Tôi nhớ nước Anh và tôi yêu nước Việt của tôi, cơn mưa giăng nhẹ bất chợt và cái lạnh buôn buốt bởi gió tạt vào mặt trong buổi chiều muộn giữa thủ đô London làm tôi nhớ đến những người phụ nữ Bắc bộ tảo tần trong “heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn”. Từ cửa sổ khách sạn, tôi thấy người phụ nữ trùm kín đầu trong cái áo khoác dài màu đen đứng chờ xe bus, trên tay cô ấy lập lòe đốm đỏ của thuốc lá, cô ấy đón xe về nhà hay mới bắt đầu một hành trình trong đêm se lạnh?
Nước Anh làm tôi cảm động bởi hàng chữ “Refugees welcome”. Là người Việt, chúng tôi thấu hiểu sự chia ly, đói khổ vì chiến tranh.
Trong ga điện ngầm, chàng trai trẻ hát rất hay, tôi muốn đứng lại để nghe, nhìn cậu ấy và lắng nghe cảm xúc của mình. Tuy nhiên, vì không có thời gian nên tôi chỉ kịp bỏ vào cái bao đàn 1 đồng bảng Anh.
Tôi muốn đến Derby, nơi con trai tôi từng theo học một năm tại đây, nhưng không thể. Nước Anh đã là một phần quan trọng trong miền ký ức của con tôi.
London đẹp hơn khi thành phố rực rỡ bởi ánh đèn, nhưng tôi thực sự yêu thích những bức tường gồ ghề, màu xám hoặc vàng với những dây leo chằng chịt, nhuốm màu lịch sử, màu thời gian. Nó luôn làm cho lòng ta chùng lại, gần nhau hơn, yêu cuộc sống hơn, nhớ về gia đình và quê hương hơn.
Tôi nhớ nước Anh sau 10 ngày trải nghiệm. Tôi yêu quê bởi vì tôi thuộc về nơi này. Tôi hy vọng sự hợp tác về giáo dục giữa 2 Chính phủ, giữa các trường đại học Anh và Việt Nam sẽ sớm giúp cho nền giáo dục Việt Nam phát triển và nhiều học sinh có thể sang Anh theo học.
Tôi gửi gắm niềm tin trong 2 con gấu bông bé bỏng.
Thái Hải (SSDH) – Theo Hồ Thị ÁnhTuyết/ukinmyeyes