Top 10 tips cần chuẩn bị cho hành trình du học Mỹ 2022

0

SSDH – Mỹ luôn nằm trong danh sách các địa điểm du học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế. Bài viết này sẽ giới thiệu 10 điều du học sinh cần biết trước khi sang Mỹ và học tập tại đây.

Du học Mỹ luôn là ước mơ của nhiều sinh viên quốc tế bởi nơi đây là nhà của một số trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới, cũng là nơi sinh viên có thể tự do tham gia các lớp học khác nhau trước khi lựa chọn ra chuyên ngành chính mà mình yêu thích. Tuy nhiên, việc du học ở một đất nước xa lạ vẫn ẩn chứa nhiều thách thức, và để cho hành trình du học Mỹ được trọn vẹn, bạn nên bỏ túi 10 kinh nghiệm sau.

  1. Đăng ký nhập học

Một điều khác biệt bạn cần ghi nhớ chính là các trường đại học ở Mỹ thường được gọi là “College” hoặc “School”. Đối với sinh viên tiếp tục học lên thạc sĩ, họ thường gọi trường của mình bằng cái tên “Grad (Graduate) School”. Các thuật ngữ này sẽ được phân biệt cụ thể hơn tùy vào ngành học của bạn, ví dụ như “law school” (Đại học Luật) hoặc “med (medical) school” (Đại học Y).

Mỹ không cung cấp các trang đăng ký trường đại học trên phạm vi toàn cầu, thay vì thế, mỗi trường đại học ở Mỹ đều yêu cầu sinh viên đến nộp đơn trực tiếp. Hầu hết các trường đại học đều yêu cầu điểm SAT/ACT. Vì vậy bạn nên tìm hiểu kỹ các chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học mà bạn yêu thích.

Có một số trang web và ứng dụng như Common App có thể giúp bạn đăng ký vào các trường đại học ngay tại một địa điểm. Nhiều trường đại học cũng chấp nhận đơn online qua app này, ví dụ như Harvard và Yale.

  1. Phân loại bằng cấp

Hệ thống giáo dục đại học của US được phân chia thành 4 cấp: bằng cao đẳng liên kết (Associate Degree: AA, AS, AAS), bằng cử nhân (Bachelor’s Degree), bằng thạc sĩ (Master’s Degree) và bằng tiến sĩ (PhD hay Doctoral Degree). Mỗi cấp độ sẽ có những yêu cầu về tín chỉ và độ dài khóa học khác nhau: bằng cao đẳng liên kết kéo dài trong khoảng 1 năm, trong khi với một số trường hợp, bằng tiến sĩ cần phải học trong vòng 10 năm.

Ở Mỹ, hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên lựa chọn một số môn học trong suốt quá trình học tập trên giảng đường. Đến cuối mỗi học kỳ, sinh viên sẽ nhận được tín chỉ tùy theo kết quả học tập của họ. Nếu bạn hoàn thành tất cả các lớp và khóa học, bạn sẽ nhận được toàn bộ lượng tín chỉ đã đăng ký. Để có thể tốt nghiệp, hầu hết các trường đại học đều yêu cầu 120-130 tín cho bằng cử nhân, và 30-64 tín cho bằng thạc sĩ. Bạn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể trong syllabus của mình.

  1. Các loại khóa học

Với mọi văn bằng, sinh viên US đều có cơ hội lựa chọn lớp học thuộc các lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, khoa học và nhân văn trong 2 năm học đầu tiên. Trong suốt thời gian này, họ có thể khám phá các chủ đề đa dạng và tìm ra chuyên ngành chính mà mình muốn theo đuổi. sinh viên bắt buộc phải lựa chọn chuyên ngành của mình trong năm 2 hoặc năm 3.

Điều này cho phép các sinh viên học thử nhiều môn học trước khi chọn ra chuyên ngành chính, khác với nhiều quốc gia trên thế giới khi họ bắt buộc sinh viên phải chọn chuyên ngành trước khi bắt đầu học tập tại trường đại học.

  1. Tài chính sinh viên

Học phí tại các trường đại học ở Mỹ đều khá cao, từ $5,000-$50,000 tùy thuộc vào loại văn bằng bạn lựa chọn. Ví dụ, bạn sẽ tốn $200,000 để hoàn thành chương trình cử nhân 4 năm. Học phí có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân, vì vậy bạn nên tìm hiểu trực tiếp tại trang web trường để có được thông tin chính xác nhất.

Nhiều sinh viên có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn nhờ vào các hình thức hỗ trợ tài chính như: học bổng, trợ cấp và chương trình vừa học vừa làm.

[Tham khảo: Các loại học bổng du học Mỹ]

  1. Visa sinh viên

Có 2 loại visa sinh viên tại US. Visa F-1 dành cho những sinh viên nhập cảnh vì lí do học tập, và visa M-1 dành cho sinh viên tham gia các chương trình học nghề. Hầu hết các sinh viên quốc tế đều muốn sở hữu visa F-1 để có thể học đại học tại Mỹ.

Bộ hồ sơ đăng ký visa gồm có:

  • Đơn DS-160
  • Ảnh chân dung có màu (5×5 cm, chụp trong vòng 6 tháng)
  • Hộ chiếu (hoặc giấy tờ thông hành khác)
  • Đơn I-20 (do trường đại học cấp)
  • Biên lai thanh toán phí SEVIS

Quá trình xử lý visa F-1 có thể kéo dài đến 5 tháng và tốn khoảng $510.

  1. Đánh giá sức khỏe

Bảo hiểm y tế là thứ mọi sinh viên quốc tế cần phải cân nhắc mang theo khi sang Mỹ học tập. Bảo hiểm y tế khác với bảo hiểm du lịch, một số trường đại học còn yêu cầu sinh viên cung cấp bảo hiểm y tế trước khi bắt đầu khóa học.

Một số trường đại học cung cấp chương trình bảo hiểm y tế theo nhóm cho sinh viên. Trong trường hợp này, bạn có thể liên hệ trực tiếp với trường và tham gia chương trình này. Nếu tiền bảo hiểm y tế chưa được bao gồm trong học phí, bạn sẽ phải trả thêm một khoản ngoài. Và nếu trường của bạn không cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bạn có thể truy cập các trang web so sánh giá để so sánh các mức bảo hiểm khác nhau.

  1. Lựa chọn nơi ở

Có rất nhiều lựa chọn chỗ ở cho sinh viên tại US, đầu tiên phải kể đến kí túc xá của trường bởi xung quanh thường sẽ có các khu vực tiện ích như thư viện, phòng thí nghiệm, cửa hàng tạp hóa và sân thể thao.

Những sinh viên lựa chọn ở kí túc xá sẽ có cơ hội trải nghiệm ở một môi trường vô cùng thân thiện và năng động, có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới bạn bè với cả sinh viên nội địa và quốc tế. Một phòng kí túc xá thường có vài sinh viên, vì vậy tiền phòng sẽ giảm đi, ước tính khoảng $5,000-$8,000/người/năm (đã bao gồm tiền điện nước và dịch vụ).

Nếu không muốn sống ở kí túc xá, bạn có thể thuê trọ bên ngoài. Chi phí sẽ phụ thuộc vào thành phố bạn sinh sống, tuy nhiên bạn cũng có thể nhờ trường đại học giúp tìm kiếm những nơi ở phù hợp với tài chính của bản thân.

Ngoài ra, du học sinh cũng có thể lựa chọn ở homestay – sống cùng với người địa phương trong suốt thời gian ở nước ngoài. Hình thức này mang lại cho bạn không khí gia đình với những bữa cơm ấm cúng, những cuộc trò chuyện nhỏ cuối ngày và tạm quên đi cảm giác nhớ nhà.

[Tham khảo: Du học Mỹ không chỉ là trải nghiệm mà là đi để trưởng thành]

  1. Cuộc sống sinh viên

Một điểm khác biệt của cuộc sống sinh viên ở Mỹ chính là “Greek Life” – các hội sinh viên. Nhiều đoàn thể trong các hội sinh viên nam và nữ sẽ chia sẻ các đặc điểm của họ ngay từ những tuần đầu tiên của học kỳ và tạo cơ hội cho các sinh viên mới gia nhập hội của họ.

Điều quan trọng cần nhớ chính là mặc dù những hội nhóm này mang đến cho bạn cảm giác được hòa mình vào đoàn thể và được giúp đỡ bất cứ khi nào bạn cần, nhưng đôi khi cũng xuất hiện những tai tiếng về họ. Vì vậy, bạn cũng cần phải đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu, và chỉ tham gia khi bạn thực sự cảm thấy an toàn.

Độ tuổi được phép để uống rượu bia ở Mỹ là 21 tuổi. Vì thế, các trường đại học sẽ thường tổ chức các buổi tiệc, sự kiện không sử dụng đến đồ uống có cồn.

  1. Làm việc ở US

Du học sinh sở hữu visa F-1 được phép làm việc tối đa 20 giờ/tuần trong suốt thời gian học tập và 40 giờ/tuần trong các kỳ nghỉ lễ. Mọi công việc chỉ được giới hạn trong khuôn viên trường. Nếu bạn muốn làm việc bên ngoài, bạn cần phải có giấy ủy quyền, và những tiêu chuẩn cần thiết sẽ được nói rõ trong visa của bạn.

Các trường đại học thường sẽ tổ chức các đợt quảng cáo việc làm cho sinh viên trong cả năm học, tuy nhiên một lời khuyên chính là bạn nên tìm kiếm việc làm trước khi kỳ học bắt đầu. Việc này sẽ giúp bạn có thể xin việc trước các sinh viên địa phương. Bạn có thể liên lạc với văn phòng hành chính để biết thêm thông tin về các chính sách của trường liên quan đến các cơ hội nghề nghiệp trong phạm vi trường dành cho sinh viên.

  1. Khám phá US

Du lịch ở Mỹ có khá nhiều khác biệt so với các quốc gia khác. Với diện tích lớn thứ 3 trên thế giới, bạn sẽ nhận thấy rằng thời gian 6 tiếng đi đường ở Mỹ chỉ là một quãng đường ngắn.

Mặc dù có nhiều phương tiện công cộng, một trong những phương thức đi lại phổ biến nhất ở Mỹ chính là máy bay. Lái xe hay đi xe khách cũng là những lựa chọn phổ biến. Ở đây không cung cấp thẻ du hành dành cho sinh viên nhưng nhiều công ty du lịch vẫn có chính sách giảm giá cho sinh viên với mỗi tour du lịch hoặc mỗi chuyến đi xe khách.

[Tham khảo: 4 địa điểm du học sinh Mỹ nhất định phải tham quan]

US có diện tích khoảng 3.8 triệu dặm vuông (tương đương 9.8 triệu ), chung biên giới với Canada và Mexico. Nhiều du học sinh chọn sống ở các bang đông dân cư như California, New York, Texas, Massachusetts và Illinois. Tuy nhiên, với khoảng 5,000 trường đại học, sinh viên có vô số lựa chọn nơi ở tại bất kỳ bang nào trong số 50 bang của Mỹ.

Ngoài ra, bạn sẽ thấy rằng mỗi bang ở Mỹ đều có những đặc điểm riêng biệt về truyền thống, ẩm thực, giọng nói và phong cảnh. Khi lựa chọn trường đại học, bạn nên nghiên cứu các bang và thành phố nơi có trường đại học của bạn để lựa chọn ra địa điểm thích hợp nhất.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH -nguồn THE)

Share.

Leave A Reply