Sẵn sàng du học – Không phải đề tài quá mới mẻ, song sự phân biệt giai cấp vẫn là câu chuyện được nhiều đạo diễn Hollywood lựa chọn để khai thác, chứ không phải chỉ có riêng bộ phim Kí Sinh Trùng.
Trước khi Kí Sinh Trùng của đạo diễn Bong Joon Ho làm mưa làm gió khắp châu Á, cả thế giới đã từng chao đảo vì những bộ phim “có họ hàng xa” với tác phẩm này: Cũng là những gia đình 4 người giống nhau, những người nghèo khao khát được giàu có, những bản sao xấu xa, người song trùng nhưng nếu như khán giả có thể bình tĩnh xem Kí Sinh Trùng thì đối với những bộ phim này, bạn sẽ phải che mắt hoặc thậm chí bị ám ảnh bởi tạo hình quá ghê gớm của các nhân vật đấy!
1. Titanic (1997)
Nói về sự thành công của những bộ phim xoay quanh sự phân biệt giai cấp, không thể bỏ qua tác phẩm kinh điển Titanic. Ngoài mối tình lãng mạn giữa Jack và Rose, Titanic còn vạch trần những góc khuất xấu xa của tầng lớp thượng lưu khi đặt trong tình thế nguy cấp, những con người giàu có về của cải, vật chất lại nghèo nàn lòng trắc ẩn và tinh thần nhân đạo, đồng thời đả kích mạnh mẽ tới ranh giới phân chia giữa hai giai cấp giàu – nghèo mà thế giới vẫn đang vạch ra một cách rạch ròi đến xót xa.
2. Snowpiercer (2013)
Snowpiercer lấy bối cảnh thế giới năm 2031. Lúc này, Trái Đất đã hoàn toàn thất thủ sau những nỗ lực khắc phục sự nóng lên toàn cầu và trở về Kỷ Băng Hà. May mắn thay, có những con người từ khắp nơi trên thế giới vẫn còn sống sót trên con tàu mang tên Snowpiercer với động cơ vĩnh cửu. Bề ngoài trông có vẻ như một con tàu bình thường nhưng thực chất bên trong là cả một xã hội thu nhỏ, phân định rõ toa trên của người giàu còn toa dưới của những người nghèo khổ.
Bong Joon-ho cũng sử dụng nhiều hình ảnh đối lập như thế giới xa hoa và lộng lẫy của khoang trên đem so sánh cùng những chiếc giường tạm bợ ở toa cuối, tiếng súng đạn, khói lửa ồn ào bên trong con tàu với không gian rộng lớn, lạnh lẽo và yên ắng đến ám ảnh của thế giới bên ngoài… tất cả đã biểu trưng cho sự cân bằng của xã hội ở bất kỳ nơi nào, khi mà cái thiện và cái ác, sự sống và cái chết cùng tồn tại song song không thể tách rời.
3. The Great Gatsby (2013)
Cuộc đời của Gatsby, đại diện cho một kiểu người rất phổ biến trong văn hoá đại chúng Mỹ, từ tay trắng đi lên và chạm tới tột đỉnh vinh quang nhưng sau cùng lại mất đi tất cả. "Giấc mơ Mỹ" trong bộ phim hiện lên như những thứ phù phiếm mà người ở trong giấc mơ đó chỉ muốn đắm chìm mãi mãi mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống.
Những thăng trầm mà đại gia Gatsby phải trải qua cũng là minh chứng rõ cho những thời kỳ thăng hoa và sụp đổ không chỉ của một kiếp người mà là cả một đất nước, ban đầu tráng lệ, đẹp đẽ bao nhiêu thì về sau lại mở ra hiện thực tàn khốc bấy nhiêu.
4. Les Miserable (2013)
Lấy bối cảnh nước Pháp vào thế kỷ 19, Les Miserable là bài ca bi tráng đến từ nhiều nhân vật với những mảnh đời khác nhau. Chính sự phân biệt giai cấp quá khắc nghiệt trong phim đã dẫn đến cả một cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống lại chế độ xã hội nổ ra.
Bộ phim đem đến cái nhìn bao quát về xã hội cùng những chiêm nghiệm sâu sắc và lột tả những xung đột mạnh mẽ giữa hai giai cấp giàu nghèo. Đi kèm với câu chuyện cũng là sự giao tranh không hồi kết giữa thiện và ác để rồi cuối cùng tất cả nhận ra, lòng vị tha mới là liều thuốc cứu chữa cho tất cả những lỗi lầm.
5. Crazy Rich Asians (2018)
Đúng như như chính tên gọi của bộ phim, đây là một câu chuyện "bình cũ rượu mới" điển hình ở Hollywood. Người xem có thể dễ dàng đoán được tất cả các tình tiết diễn ra trong phim, nhưng không khỏi bất ngờ trước những cung bậc cảm xúc mà bộ phim đem lại cùng những triết lý sâu cay trong cuộc sống.
Đỉnh cao chính là ván mạt chược giữa Eleanor và Rachel đã trở thành chi tiết đại diện cho những mâu thuẫn về giai cấp cùng quan điểm giữa phương Đông và phương Tây đã được khéo léo cài cắm xuyên suốt bộ phim.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14