Từ ngoại thương- kinh tế chuyển sang học IT để định cư

0

SSDH- Gần đây mình thấy nhiều bài viết hỏi về việc background Ngoại thương/ Kinh tế muốn qua Úc học IT để định cư thì có khả thi không? Và học thì học ngành gì? 

Xem thêm: 

Định cư tại Canada hiện nay

Các điểm đến du học xử lý tồn đọng thị thực

Miễn thị thực dán vào hộ chiếu nước ngoài và thị thực rời

Một chút về background của mình, mình tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Tp.HCM hay còn gọi là FTU2, sau gần 2 năm làm Ngân hàng/ FMCG Marketing thì mình sang Úc học thêm 2.5 năm Master double degree về Marketing và Management ở Sydney. Nhưng đời thay đổi làm suy nghĩ con người ta cũng đổi thay, học xong mình quyết định lại học thêm một ngành để ở lại, và đã đến Adelaide học thêm 2 năm về IT. Thật ra lúc đó mình không nghĩ nhiều về việc ở lại thì vui hơn hay về VN thì vui hơn như các bài tranh luận trong nhóm mình gần đây đâu, chỉ đơn giản là mình peer pressure! Vì thấy xung quanh ai cũng đua nhau ở lại nên tự nhiên mình cũng bị cuốn theo vòng xoáy (về sau thì mình thấy đây là một quyết định đúng, nhưng đó đã là một câu chuyện khác). Ra trường thì mình lấy PR theo 190 của NSW với 100 điểm (95+5) với occupation là Developer Programmer và acquire Citizenship 1.5 năm sau đó.
Thời điểm chọn ngành để chuyển, mình có phân vân giữa học Nurse và IT, nhưng mình sợ máu nên không cần nghĩ nữa cũng biết mình học gì. OK đến đây là lúc mình bắt đầu có những thắc mắc hệt như các câu hỏi gần đây của các bạn trẻ, ví dụ như:
– Học Master of IT major Enterprise Management ổn không?
– Học Master of IT nhưng về Information System được không?
– Hay là, mình tính học Master of Business Analytics nhưng ra trường lại tính làm ICT Business Analyst thì có được không?
Và rất nhiều thứ khác nữa.
Mình cũng vậy thời điểm đó, nhưng thật ra có phải là các bạn đang chọn những ngành đó, những bằng cấp đó chỉ để che giấu một sự thật: Bạn sợ code, sợ phải đụng đến những thứ quá kĩ thuật mà những cái đầu Kinh tế Kinh doanh đã được rèn luyện suốt mấy năm trời nào những Đàm Phán/ Marketing/ Kế toán/ Kinh tế vi mô vĩ mô… sẽ khó long chấp nhận được nó. Hay là muốn chuyển ngành nhưng vẫn lưu luyến một chút doanh nghiệp (Enterprise), một chút quản lý (Management) để có thể tự tin hơn.
Nhưng bạn ơi, nếu bạn đã xác định chuyển ngành nhưng vẫn muốn gần gũi với ngành bạn học thì chắc bạn vẫn chưa muốn bước ra khỏi vùng an toàn. Nên bài viết này cho bạn thêm góc nhìn của một người từng đi trên con đường này, để bạn có thể một nguồn tham khảo, hay là một chút niềm tin để lựa chọn. Bài viết này được tổng hợp từ một số bài mình đã viết từ trước và viết thêm nên sẽ hơi dài một xíu. Hi vọng nó sẽ là một guideline gần hoàn chỉnh cho các bạn
Giờ thì bắt đầu nào.

1. Chuyển ngành có cực không?

Theo quan điểm hơi bi quan của mình khi chuyển qua IT là cực vê lờ bạn ạ. Đặc biệt là với những bạn đã học đại học thậm chí học thạc sỹ xong còn chuyển ngành, hay những anh chị đã có kinh nghiệm một thời gian ở Việt Nam rồi.
Back lại xa xưa một chút thì chẳng hiểu hồi đấy may mắn thế nào mà một thằng cùi lủi như mình lại vào được Ngoại thương. Trường thì bé tẹo nhưng đúng là đất địa linh nhân kiệt, huơ tay là ra người giỏi. Nên đôi khi nhìn lại mình thì kiểu tủi thân muốn ứa nước mắt vì ngu dốt không làm gì ra hồn. Nhưng được cái máu tự tin hoang đường lây lan rất nhanh, nên ai cũng nghĩ việc gì thì cũng sẽ làm được, rồi thì cũng sẽ ổn, chuyện gì cũng sẽ giải quyết được mà.
Sau một thời gian đi làm marketing, mình cảm thấy có một chút xíu hoang mang dù vẫn làm bình thường, nhưng cứ sao sao (sao sao là cảm giác cấn không giải thích được). Được sự động viên của Dì mình, mình bỏ việc với một sự tự tin không kiểm soát là sẽ ổn cả thôi rồi sang Úc học tiếp Marketing. Học cũng hay, càng học mình càng hiểu được những việc mình làm ngày xưa (kiểu hồi đấy ai bảo gì thì làm nấy thôi), ví dụ ngày xưa đi nghe Focus groups là để biết insights khách hàng nè, rồi làm research survey (quantitative research) là để ra quyết định nè. Nhưng mình vẫn thấy thiếu thiếu gì đó.
Đầu 2017, Úc đổi luật bỏ 457 (này hơi lan man nhưng bạn nào ở Úc thời đó chắc cũng được một phen nhốn nháo), anh Thanh, chị Thanh, và bạn Nhân ủng hộ việc học IT để kiếm việc. Vì những ngành như Business, International Business, Marketing, Commerce… ra trường là 99% bít cửa vì bạn không hiểu nổi thị trường họ cần gì, insights của dân họ ra sao mà làm.
Mình gọi về nhà, được cái là ba mẹ và dì mình cũng ủng hộ, nên mình lại khăn gói qua bang khác với một xíu hoang mang. Sáng sớm hôm nay anh chị em bạn bè còn kéo nhau ra tiễn chụp hình tóe loe. Vừa vui vừa buồn.
Hình như lại lan man, nói chung là khi mớ kiến thức về kinh tế kinh doanh đã ăn sâu vào mình quá nhiều thì việc chấp nhận một thứ quá khác biệt không phải là điều dễ dàng. Hơn thế nữa là trong khi ở VN một chương trình đại học cũng kéo dài 3-4 năm (cùng rất nhiều môn) thì chương trình thạc sỹ chỉ kéo dài 2 năm với 12-16 môn kèm vài môn lý thuyết nhảm xít nữa (ví dụ là môn học về đạo đức chuẩn mực nè – standards and compliance…), nên chắc chắn một điều là lượng kiến thức không sao đủ được.

2. Vậy tìm hiểu các nhóm ngành như thế nào?

Có khá nhiều bạn khi bắt đầu với việc quyết định sẽ học ngành nào của IT, cụ thể là Software Development do có rất nhiều nhóm nhỏ trong đó, chẳng hạn như Frontend, Backend, Modile, câu hỏi đầu tiên luôn là “vậy giờ bắt đầu từ đâu” và “làm sao biết có hợp hay không”. Còn ví dụ với nhóm ngành Data thì sẽ có Data Engineer/ Data Scientist/ Data Analyst, vân vân.
Mình có một group để dành cho các bạn tay ngang muốn chuyển ngành nói riêng và cho những bạn đang học IT nói chung, chủ yếu để định hướng và giúp đỡ cho các bạn đang trên con đường này. Tụi mình có tổ chức các workshop để giúp các bạn hiểu hơn về tính chất các công việc của các nhóm ngành này, từ đó sẽ giúp mọi người định hướng bản thân hay ít nhất là có một manh mối để bắt đầu tìm hiểu.
Dự là các bạn coi hết phần này cũng sẽ mất 1, 2 buổi. Các bạn xem nó như là một khoản đầu tư thời gian khi mới bắt đầu để tự tin hơn ở các bước quyết định sau nhé. 

3. Có thể bạn sẽ hoảng một chút khi bắt đầu

Khi những tay ngang bắt đầu chuyển sang học code, bên cạnh một số bạn nhận ra đây là chân ái của đời mình ngày đêm cày code kiểu chưa thấy gì trên đời hay đến thế sao đến bây giờ mình mới biết ta, thì cũng có một số bạn cũng ngày đêm đọc code nhưng không hiểu, thức trắng đêm cũng không hiểu và bắt đầu rơi vào một trạng thái hoảng loạn và nghĩ rằng mình không thể làm được.
Nực cười! Sẽ dễ dàng để nhiều người cảm thế thế và đặt trong đầu vài câu hỏi chất vấn: “Tại sao phải o ép mình thế?”, “Làm gì mà đến nỗi căng thẳng như vậy?” hay “Có lẽ bạn í không phù hợp để học code”. Nhưng dừng lại… chờ chút xíu, nghe quen quen ta. Nếu bạn là tay ngang bắt đầu học code, mà bắt đầu cảm thấy hoảng loạn (panic) thì chắc là bạn cũng giống mình ngày xưa.
Hầy! Ông Jayden! Ngưng xạo tró! Sao cái gì nghe cũng bảo là giống ông. Chả phải điểm ông cao. Ông ra trường mấy tháng là có việc làm. Thì ông khuyên người ta cái gì?
Thật ra thì…
Học kì đầu học IT, mình đã phải đi trị liệu vì depression. Trong vòng 3 tháng, mình giảm 10kg. Gần cuối kì đó, mình lên lại Wollongong để dự tốt nghiệp của bạn thì bạn mình bảo có lẽ mình cần đi bác sĩ vì nhìn đã không còn giống những ngày xưa nữa, lạ lẫm và gầy rộc đi. Những ngày ở Adelaide, mình ngồi lì trong thư viện, cố gắng hiểu bài, nhưng vẫn không ra. Tựa hồ như bạn bị kẹt sau một cánh cửa sắt, nhưng bạn không có cách nào để mở khóa, bạn loay hoay, nghĩ rằng và thế là hết.
Lúc đó mình đã tính bỏ học hẳn nhưng lại rơi vào một trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Bỏ thì làm gì? Nợ tiền học thì ai trả? Về Việt Nam lại quay về công việc ngày trước? Vậy thì ngày trước đi Úc làm gì? MÌnh cảm thấy mình such a big loser và đến khi không chịu nổi nữa, mình đã đi gặp GP và sau đó là Counselling Psychologist. Mình còn nhớ cô ấy bảo cô ấy sẽ để sẵn giấy cho mình, nếu mình thi xong và nghĩ rằng sẽ trượt thì submit giấy để có được miễn tiền học lại hoặc ít ra sẽ được cân nhắc để giúp đỡ. May mắn là với sự giúp đỡ của cô ấy, mình đã đi tiếp được.
Vì đâu nên nỗi?
Chẳng có gì sai khi đặt những câu hỏi ngược lại cho những người rơi vào tình huống trên. Nhưng mà bạn ơi, mỗi người mỗi cảnh. Với những người tiếp cận code từ sớm, họ sẽ dễ tiếp thu hơn rất nhiều, tương tự với những ai có background kĩ thuật. Nhưng với những người có background khác, thì khi bắt đầu lại, họ đang phải tiếp xúc với một thứ hoàn toàn mới, chẳng giống với ngôn ngữ bình thường mà họ vẫn nói cho nhau nghe, hay như bản nhạc êm dịu đưa ta vào giấc ngủ.
Và bạn chẳng thể nào khuyên họ thế thì đừng học nữa hay là học cái khác đi. Như mình đã nói ở trên, mỗi người mỗi cảnh. Có thể họ học vì muốn tìm một tấm vé ở lại Úc, hay họ là những anh thợ bếp làm việc nặng nhọc bị ảnh hưởng sức khỏe và cơ thể họ không cho phép với công việc hiện tại nữa, hay đơn giản như mình ngày xưa, họ không có đường lui.
Đến đây bài viết đã dài, nếu các bạn thích series này, mình sẽ lên 3-5 ngày một bài theo thứ tự:
**Phần 2: **Tại sao phải hoảng loạn khi mới học code? Giải pháp?
Phần 3: Kinh nghiệm chọn ngành học trong IT
Phần 4: Khác nhau giữ Business Analytics và ICT Business Analyst (câu hỏi mình thấy rất nhiều bạn hỏi gần đây)
Phần 5: Mình chưa nghĩ ra. Có thể sẽ là một chủ đề được nhiều bạn quan tâm và đặt câu hỏi ở comment.
Bonus : Học như thế nào? (Dành cho các bạn muốn theo hướng Software Developer/ Engineer)
Bạn có thể tham khảo bài viết đầu tiên của mình trong Group Định cư và Cuộc sống Úc này, được viết hơn 2 năm trước để có một cái nhìn cận cảnh hơn nha.
Disclaimer:
Bài viết không có tính chất quảng cáo hay thương mại. Có thể một số anh chị có biết đến mình qua group Coding Mentor – Tay ngang học code có những khóa học tính phí – nhưng mình không kêu gọi ai đọc bài viết này hay những bài chia sẻ khác của mình trên Group Định Cư học cả . Từ khi bắt đầu bài chia sẻ đầu tiên ở Group định cư về hành trình Tay ngang học Code thì mình đã dạy các lớp cộng đồng free gần một năm (chỉ đơn giản là mình thích được chia sẻ và động viên những trường hợp giống mình ngày xưa) trước khi scale up lên những lớp chuyên sâu. Và đến giờ thì mình và các đồng sự vẫn giữ quan điểm 50% hoạt động cộng đồng bằng những lớp dạy Code/ Data cho người tay ngang miễn phí, hay những khóa học Coding Fundamentals trên platform mà các bạn có thể truy cập và học ngay. Vì mình biết hành trình chuyển ngành cần nhiều sự dũng cảm, và nếu bạn có thể tìm hiểu trước khi bắt đầu sẽ cho bạn nhiều sự tự tin hơn. Mình đã nhận được rất nhiều từ group Định cư và cuộc sống Úc này, nên chia sẻ là cách để mình trả lại.
Xin cảm ơn các anh chị admin đã cho em chia sẻ. 
Tác giả: Jayden Tran
Share.

Leave A Reply