SSDH- Mình viết bài này để các bạn trẻ đang có mong muốn du học, làm việc ở nước ngoài biết rằng ngoài những tấm gương rất tài giỏi, hồ sơ khủng long mà báo đài hay nhắc đến ngoài kia thì cũng có những người thường thường bậc trung (như mình) nhưng vẫn có thể giành học bổng toàn phần danh giá hay được mời làm việc tại những công ty hàng đầu thế giới. Mong là sẽ đem lại chút động lực cho những ai đang nghĩ rằng ‘mình không đủ giỏi’!
1. Trượt đại học, bước ngoặt
Để nói được hết về mức độ gập ghềnh trong việc học và sự nghiệp của mình thì phải kể bắt đầu từ lúc mình học cấp 3 ban tự nhiên tại một trường làng. Học ban tự nhiên mà nên mình toán thì ok chứ tiếng Anh thì phát âm ‘Hello’ còn chưa sõi.
Cuộc đời mình bắt đầu chệch hướng đi một chút từ lúc mình thi trượt nửa điểm đại học khối A và phải theo học lựa chọn khối D (ngành Business Administration) ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Ban đầu thì mình không vui chút nào vì thứ nhất là chương trình đó không phải là lựa chọn hàng đầu của mình và thứ 2 là vì chương trình khối D toàn các bạn giỏi tiếng Anh nên mỉnh cảm thấy rất tự ti. Thậm chí là mình còn bị bắt học lớp bổ túc tiếng Anh, mà còn là lớp trình độ kém nhất
Nhưng về sau này nghĩ lại thì cái sự chệch hướng này lại là một bước ngoặt quan trọng cho những gì mình đang có hiện tại. Chính việc học khối D đã buộc mình phải cố gắng học tiếng Anh để không bị thua bạn kém bè. Chỉ trong 2 năm đầu đại học mà gần như từ con số 0 mình đã đạt tới trình độ IELTS 6.0 (và khi tốt nghiệp đại học là 8.0). Tuy lúc này vẫn còn kém hơn nhiều bạn cùng lớp nhưng nhờ học khá các môn tính toán nên thành tích học tập của mình luôn thuộc top của lớp và giành được một suất đi học trao đổi ở Nhật Bản.
2. Đổi việc, học bổng
Chính lần đi học trao đổi này đã khiến cho mình nuôi giấc mơ du học. Do gia đình không có điều kiện tài chính lắm nên việc du học tự túc gần như là ngoài tầm với của mình. Vì thế mà mình đã nhắm vào các học bổng chính phủ hoặc các học bổng toàn phần cả học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên là những loại học bổng này đều yêu cầu ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc nên mình không vội apply ngay sau khi tốt nghiệp mà đã đi làm để tích luỹ kinh nghiệm.
Công việc đầu tiên của mình là trong lĩnh vực Marketing tại một tập đoàn đa quốc gia khá có tiếng. Công việc lúc đấy nói chung cũng được khá nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên là sau hơn 1 năm làm việc thì mình biết là bản thân không hợp với việc đấu đá trong môi trường Corporate và mình muốn thật sự tạo ra giá trị cho cộng đồng. Thế nên là mình đã chuyển sang làm việc cho các dự án phi chính phủ, nơi mà mình có nhiều quyền kiểm soát hơn với công việc, thời gian và cũng bớt đi thị phi chốn công sở. Và chính công việc này cũng là một thế mạnh để mình dành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại Úc
3. Pivot sự nghiệp
Sau khi giành học bổng thì mình qua the University of Melbourne để học thạc sĩ ngành ‘International Business’. Tuy nhiên mình biết là ngành học này sẽ rất khó kiếm việc ở Úc nên mình đã tự học thêm về Data Analytics do mình rất thích làm việc với số má, dữ liệu. Nhờ việc có thêm những kĩ năng mới này mà ngay từ kì học thứ 2 mình đã kiếm được một công việc part-time lương rất cao ngay tại trường. Và chính nhờ công việc này mà quá trình tìm việc sau này của mình đã dễ dàng hơn một chút.
Dù là không có background học thuật chính thống hay kinh nghiệm về thống kê, Data Science, và khó khăn nhất là không có một visa cạnh trạnh nhưng ngay từ khi chưa tốt nghiệp mình đã có offer mời làm việc rồi. Đây là kết quả từ việc xác định được thế mạnh của bản thân, tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường việc làm, một CV chỉn chu, networking và reference có được ngay từ khi còn đi học. Sau một thời gian làm việc tại một consulting firm thì cách đây vài tháng mình đã chuyển sang làm Data Analyst mảng phát triển kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên tại một trường đại học hàng đầu tại Úc. Đợt chuyển việc đó mình cũng đã nhận rất nhiều offer tốt, trong đó có lời mời của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Apple.
4. Điều gì đã giúp mình?
Nói luôn là những gì mình đạt được hoàn toàn không phải do mình tài giỏi, xuất chúng gì. Mình đầu óc vào dạng bình thường, không học trường chuyên, và thậm chí là từng trượt đại học. Khả năng ngôn ngữ của mình cũng khá kém so với nhiều bạn cùng trang lứa do lên đại học mới bắt đầu học.
Có thể nói nhân tố chủ chốt giúp mình giành được học bổng toàn phần hay những offer công việc tốt ở nước ngoài dù không có khởi đầu hay Background cạnh tranh như những người khác chính là khả năng nắm bắt cơ hội và hoạch định chiến lược.
Nghe thì có vẻ to tát nhưng đây lại là những điều mà ai cũng làm được. Không phải như trí thông minh hay khả năng ngôn ngữ được quyết định phần lớn bởi di truyền và môi trường sống. Khả năng nắm bắt cơ hội và hoạch địch chiến lược là những kĩ năng bạn có thể dùng sự cố gắng của mình để hoàn thiện theo thời gian.
Lấy ví dụ bản thân mình thì một trong những lý do khiến mình bỏ công việc Corporate để qua làm cho các dự án phát triển phi chính phủ là do mình nhận thấy điều này sẽ làm tăng khả năng mình có thể đạt được học bổng toàn phần lên.
Cũng phải nói lại một chút là các học bổng chính phủ hay học bổng toàn phần của các tổ chức thường có ưu tiên hơn cho các bạn khối nghành nhà nước, NGO hay các nghành học liên quan đến phát triển, có sức ảnh hưởng.Tất nhiên là vẫn có nhiều bạn khối tư nhân đạt các học bổng này. Tuy nhiên nếu xét theo tỉ lệ phần trăm thì việc chuyển từ tập đoàn đa quốc gia sang một tổ chức NGO sẽ giúp mình có cơ hội đạt học bổng cao hơn
Khi apply học bổng, thay vì việc apply tràn lan thì trước khi apply mình đã xác định rõ ràng điểm mạnh điểm yếu của bản thân để tìm và apply những học bổng phù hợp nhất. Điều này thứ nhất là giúp mình hiểu bản thân hơn và thứ 2 là có thời gian để tập trung hoàn thiện hồ sơ những học bổng mà mình có cơ hội cao nhất. Mình biết là Background của mình (ngành học và nơi làm việc) không ở trong danh sách ưu tiên cho các học bổng chính phủ nên khả năng mình có thể đạt những học bổng dạng này là tương đối thấp. Thế mạnh của mình là thành tích học tập khá tốt nên mình đã tập trung vào các học bổng của tổ chức, nhất là các học bổng xét duyệt qua trường đại học (thành tích học tập là tiêu chí quan trọng nếu hồ sơ xét duyệt qua trường).
Tương tự như vậy, khi apply học bổng hay đi xin việc mình đều đặt yếu tố ‘phù hợp’ lên hàng đầu. Mình cho rằng các học bổng hay bất cứ công việc nào đều không phải là tìm kiếm ứng viên giỏi nhất mà là người ‘phù hợp’ nhất. Thế nên là đừng từ bỏ 1 cơ hội nào chỉ vì có quá nhiều người giỏi hơn/profile khủng hơn rất nhiều đang cạnh tranh với bạn.
Nói thật thì từ khi đi du học, rồi bắt đầu làm việc ở Úc thì mình thấy đâu cũng là người giỏi hơn mình hết à. Bạn học thì toàn mấy đứa trẻ măng, kém mình cả 3, 4 tuổi mà đủ thành tích này nọ. Rồi đồng nghiệp thì không chục năm kinh nghiệp thì cũng có bằng PhD. Nhưng mà mình không bị mất tự tin. Mình hiểu là mình còn kém ở nhiều mặt nhưng lại phù hợp với công việc về một số mặt hơn là những người đó.
Nói chung là đừng ngại bản thân không đủ giỏi, hãy nắm bắt cơ hội, hoạch định chiến lược từ sớm để đạt được những điều bạn muốn. Và nếu cần thiết thì hãy dũng cảm (nhưng lý trí) đổi hướng (pivot).
Tác giả: Phuong Fia Tran