Sẵn sàng du học – Trong trường hợp đại dịch toàn cầu đe dọa loài người tuyệt chủng, Úc và New Zealand sẽ là nơi trú ẩn tốt nhất để con người có thể sống sót và tái sinh hành tinh.
Nguy cơ của một đại dịch toàn cầu không phải là điều giả tưởng. Tổ chức Giám sát chuẩn bị toàn cầu GPMB vừa đưa ra cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ lây lan các đại dịch, tuy nhiên thế giới chưa sẵn sàng và chưa đủ khả năng để chống đỡ.
Theo GPMB, bệnh tật luôn là một phần trong cuộc đời của con người, nhưng sự kết hợp của bệnh cùng các sự kiện khác như bất ổn chính trị, kinh tế, biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt sẽ làm tăng nguy cơ biến nó thành một đại dịch.
Bệnh phát triển mạnh trong tình trạng thế giới nhiều biến động đã dẫn đến sự rối loạn trong công tác kiểm soát và cứu chữa. Một mầm bệnh qua đường hô hấp tốc độ lây lan nhanh có thể sẽ lấy tính mạng của 50 – 80 triệu người và xóa sổ gần 5% nền kinh tế thế giới.
Lịch sử thế giới từng ghi nhận những đại dịch giết chết hàng chục triệu người. Vào thời Trung cổ, hơn một nửa dân số châu Âu chết vì bệnh dịch hạch. Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến 500 triệu người lây nhiễm và khoảng 50 triệu người đã chết.
Hiện nay, du lịch toàn cầu trở nên phổ biến và dễ dàng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh lan nhanh ở quy mô rộng khắp. Việc hạn chế đi lại cũng có thể giúp làm chậm sự bùng phát dịch bệnh, nhưng sẽ không ngăn chặn được.
Những khám phá trong công nghệ sinh học cũng cho thấy có thể sẽ có một đại dịch biến đổi gen đe dọa sự tồn tại của loài người.
Vậy phải đi đâu khi đại dịch toàn cầu ập đến?
Nhà nghiên cứu, bác sĩ y tế công cộng Nick Wilson (Đại học Otago, New Zealand) cho biết: "Những người mang mầm bệnh có thể dễ dàng vượt qua biên giới đất liền, nên một hòn đảo xa đất liền, có công nghệ cao và cung cấp lương thực đủ cho một phần dân số có thể tái sinh Trái đất sau thảm họa".
Nick Wilson và đồng nghiệp Matt Boyd đã phát triển một hệ thống thuật toán tính điểm các quốc đảo và xem xét khả năng trở thành nơi trú ẩn an toàn nếu đại dịch toàn cầu xảy ra, dựa trên mức độ dễ tiếp cận của mỗi hòn đảo và nguồn lực tự cung có sẵn.
Trên tạp chí Phân tích rủi ro, nhóm nghiên cứu công bố Úc là nơi tốt nhất vì có "nguồn cung năng lượng và thực phẩm lớn nhất", với 482% nhu cầu năng lượng được sản xuất trong nước và gần gấp mười lần lượng thực phẩm được sản xuất so với những gì dân số cần cho sự sống còn.
Đứng thứ hai danh sách là New Zealand và Iceland. Malta đứng thứ 5 và Nhật Bản đứng thứ 6.
10 quốc đảo tốt nhất để sống sót sau đại dịch toàn cầu:
1. Úc
2. New Zealand
3. Iceland
4. Malta
5. Nhật Bản
6. Cape Verde
7. Bahamas
8. Trinidad and Tobego
9. Barbados
10. Madagascar
(Đánh giá của nhóm nghiên cứu Đại học Otago, New Zealand)
Cá Domino (SSDH) – Theo TTO