SSDH – Trong suốt thập kỷ qua, có gần một triệu sinh viên Ấn Độ lấy được thị thực du học Mỹ. Cũng giống như các sinh viên trước, các bạn sẽ phải đối diện với một trong số chúng tôi, những viên chức lãnh sự. Vậy đã bao giờ bạn tò mò những người phê duyệt và từ chối hồ sơ visa của bạn, các viên chức thị thực là ai?
Khi còn nhỏ tôi chưa bao giờ mơ tưởng rằng lớn lên mình sẽ trở thành một viên chức thị thực. Ngay cả khi đã trưởng thành, chọn văn học làm chuyên ngành, sau đó tham gia giảng dạy, tôi vẫn chưa hình dung được rằng có một ngày, tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế đẩu, đằng sau tấm kính lớn ở Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi và xem xét cấp thị thực cho người khác. Tôi chính xác đã làm công việc ấy trong 9 tháng qua với gần 100 cuộc phỏng vấn mỗi ngày.
Những gì tôi kể trên chỉ để nhắc các bạn rằng, chúng tôi, những viên chức lãnh sự, cũng là con người. Mỗi người chúng tôi có xuất thân khác nhau. Có người từng là luật sư, giáo viên, chuyên gia IT, thậm chí là lính cứu hỏa. Nhưng cuộc đời vốn không lường trước được, khi đến một thời điểm thích hợp, tất cả chúng tôi đều tham gia vào chương trình Dịch vụ Ngoại giao. Để trở thành một viên chức thị thực, tôi phải làm một bài kiểm tra viết, rồi dành cả một ngày để thi vấn đáp. Cuối cùng, sau những buổi đào tạo căng thẳng, chúng tôi đã trở thành những nhà ngoại giao. Hầu hết chúng tôi đều đã tham gia vào 1 hay 2 chuyến đi đến các nước trên thế giới.
Có thể nói, sở thích tìm tòi về những nền văn hóa khác là lý do chính khiến chúng tôi gia nhập vào Cơ quan Ngoại Giao. Lúc này đây, chúng tôi đang ở Ấn Độ vì cảm thấy rằng vùng đất này khá thú vị. Chúng tôi được đi tham quan đền Taj Mahal, đọc những cuốn tiểu thuyết của Chetan Bhagat, xem múa Delhi Belly, và ăn món gà hầm bơ đặc trưng của người Ấn. Tôi muốn ở đây và cũng rất nóng lòng được trò chuyện cùng các bạn.
Nhóm tôi được học tiếng Hindi, Gujarati, Tamil, Telugu, hoặc Bengali nhiều tháng trước khi chuyển đến Ấn Độ. Thế nên các bạn sẽ thấy chúng tôi hoàn toàn có thể phỏng vấn những bạn không nói được tiếng Anh. Có thể không hoàn hào hay trôi chảy, nhưng tôi tự tin hỏi được những câu cơ bản như: Mục đích chuyến đi Mỹ của bạn là gì? Bạn có quen biết ai ở Mỹ không? Dự định ở lại Mỹ bao lâu? Thông thường chúng tôi hiểu được mọi câu trả lời. Còn trong trường hợp không “bắt” được ý của bạn, tôi có thể nhờ sự trợ giúp của một đồng nghiệp người bản xứ.
Mỗi ngày tại New Delhi, có 8 đến 9 viên chức sẽ phỏng vấn cả trăm người muốn đến Mỹ. Chúng tôi phải phỏng vấn càng nhiều đương đơn có thể, do đó thời gian cho mỗi cuộc phỏng vấn chỉ từ 2-3 phút. Những thông tin cần thiết đều nằm trong đơn xin thị thực (DS160), nhưng chúng tôi muốn được xác nhận trực tiếp và lắng nghe kế hoạch cụ thể của bạn. Thỉnh thoảng các đương đơn cầm theo một tập hồ sơ dày và ra về trong nỗi thất vọng khi tôi chả thèm đá động gì đến xấp giấy dày cộm đó. Nhưng mục đích chính của buổi phỏng vấn là trò chuyện, chứ không phải để chúng tôi kiểm tra tất cả giấy tờ của bạn!
Công việc của một viên chức lãnh sự là giữ gìn luật pháp. Điều đó đồng nghĩa trong một vài trường hợp, chúng tôi phải từ chối cấp thị thực cho đương đơn. Bạn đang xin thị thực du lịch. Nhưng trong buổi phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy bạn có khả năng rất cao sẽ đến làm việc cho cửa hàng pizza của người cậu trong gia đình. Do đó chúng tôi bắt buộc phải từ chối. Trường hợp những sinh viên chỉ chọn nộp đơn cho duy nhất một trường, mà không thể giải thích rõ ràng lý do tại sao chọn trường này, thì bạn đó cũng khó xin được visa.
Rất nhiều đương đơn trả tiền cho công ty dịch vụ để họ chuẩn bị hồ sơ xin thị thực. Đương nhiên là cũng có nhiều trung tâm tư vấn làm tốt công việc này, nhưng không phải là tất cả. Hãy nhớ rằng, chỉ một mình bạn chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin trên DS160. Thông tin sai lệch hay làm giả các giấy tờ có thể dẫn đến vĩnh viễn không đủ tư cách được cấp thị thực.
Đối với một sinh viên, chúng tôi mong đợi bạn là một người đáng tin và có đủ năng lực học tập. Bạn phải trình bày được vì sao bạn chọn ngôi trường ấy, làm thế nào bạn có khả năng chi trả cho việc du học Mỹ. Hãy thuyết phục chúng tôi rằng bạn sẽ hoàn tất việc học tại ngôi trường mà mình đã chọn, mục đích của chuyến đi là học tập toàn thời gian. Nếu là một sinh viên thành thật và khiến chúng tôi dễ dàng tin tưởng, tấm vé đến nước Mỹ gần như đã nằm sẵn trong lòng bàn tay bạn.
Hãy nhớ nộp đơn xin visa càng sớm càng tốt, tất nhiên là sau khi đã nhận được I-20 từ ngôi trường mà bạn ưu tiên chọn. (Trên visa sẽ thể hiện tên trường giống như trên form I-20 mà bạn đem vào ĐSQ/LSQ phỏng vấn.) Sinh viên có thể nộp đơn xin thị thực trước ngày nhập học 120 ngày. Tuy nhiên, theo luật bạn chỉ có thể đến Mỹ trước ngày nhập học 30 ngày. Trong trường hợp bạn đang nộp đơn cho khóa sau Đại học, thỉnh thoảng khâu giấy tờ thường tốn khá nhiều thời gian, nên hãy nhớ lưu ý nộp đơn sớm để tránh chậm trễ trong việc xin visa.
Hiện nay có gần 104,000 người Ấn đang học tập tại Mỹ. Cũng giống như bạn, họ đều đã trải qua cảm giác lo lắng khi đứng đằng sau tấm kính lớn và đối mặt với một viên chức lãnh sự Mỹ. Phải thừa nhận rằng, trong tình huống này hiếm ai có thể giữ bình tĩnh hoàn toàn. Cho nên nếu bạn tin bản thân mình là một người đáng tin, là một sinh viên có đủ tố chất, thì chẳng có gì phải lo sợ cả! Hãy bình tĩnh, hít một hơi thở thật sâu, và nhớ rằng người đứng đằng sau tấm kính kia đang giúp bạn có một tấm vé đi Mỹ. Chúng tôi hoàn toàn là những người bình thường – như bạn!
The Tree Academy dịch từ blogs.state.gov