Sẵn sàng du học – Bạn có biết 7-Eleven trước đó là Tote’m Stores? Còn cái tên Piggly Wiggly được lấy cảm hứng từ những chú heo heo? Sau đây là câu chuyện đằng sau những cái tên của các thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ.
CVS
Năm 1963, hai anh em Stanley và Sidney Goldstein cùng với đối tác kinh doanh Ralph Hoagland đã mở cửa hàng tên “Consumer Value Stores” ở Lowell, Massachusetts. Năm 1964, cụm từ viết tắt “CVS” lại xuất hiện lần đầu trong logo của công ty. Qua một thời gian, cụm từ viết tắt trên dần dà thay thế cái tên gốc ban đầu, và những CEO về sau lại xác định cụm từ trên thực chất viết tắt cho ba chữ “Convenience (Tiện lợi), Value (Giá trị) và Service (Dịch vụ).”
Piggly Wiggly
Vào 1916, một người bán hàng tên Clarence Saunders đã đi một chuyến từ Indiana tới Tennessee bằng tàu. Vào thời điểm này, các tiệm tạp hóa tự phục vụ gần như là không tồn tại; khách hàng phải nói với người bán hàng họ muốn những gì và đợi ở quầy để lấy nó. Saunders đã đi một chuyến tới Indiana để tham khảo các tiệm tạp hóa ở đó và tìm cảm hứng để phát triển chính cửa hàng của ông. Nhưng chuyến đi đó gần như là thất bại. Gần như – cho đến khi con tàu dừng lại gần một nông trại. Saunders thấy hình ảnh những con heo tự đi đến chỗ có thức ăn và tự ăn mà không cần ai phục vụ. Thế là ông nghĩ “Vậy tại sao mình không để khách hàng tự phục vụ bản thân và tự tìm những thứ họ cần?” Hình ảnh những chú heo đã gợi cảm hứng cho Saunders mở cửa hàng tạp hóa tự phục vụ đầu tiên trên thế giới, và ông đặt tên nó là Piggly Wiggly để “tưởng nhớ” những chú heo trên.
7-Eleven
7-Eleven đã từng là một công ty đá lạnh. Vào cuối những năm 1920, một nhân viên bắt đầu bán thực ăn tại một trong các chi nhánh, và 7-Eleven bắt đầu nổi lên như cồn. Vào ban đầu, khách hàng gọi nó là “the Tote’m Store” vì Tote có nghĩa là “chở hàng hóa” và khách hàng gần như luôn phải “chở” hàng của họ ra khỏi cửa hàng. Cái tên đó gắn liền với cửa hàng cho đến 1946, khi mà bộ phận quản lý quyết định thay đổi cái tên đó thành 7-Eleven, tượng trưng cho thời gian mở cửa của họ: từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối.
IKEA
Khác với tên của nhiều sản phẩm tại IKEA, IKEA không phải là một từ Thụy Điểm. Thật ra nó là một cụm từ viết tắt do chính người sáng lập của công ty, lúc bấy giờ chỉ mới 17 tuổi, nghĩ ra. Nhà khởi nghiệp trẻ, Ingvar Kamprad, lấy hai chữ cái đầu của chính tên mình rồi ghép thêm tên của quê nhà ông. Kamprad sống ở một nông trại tên là Elmtaryd, nằm tại một ngôi làng tên Agunnayrd, đó là nguồn gốc của chữ E và A. Nhưng công ty này không dừng lại ở đó. Dường như họ lấy cảm hứng từ khắp mọi nơi để đặt tên cho sản phẩm của họ – đó là lý do vì sao nhiều sản phẩm của họ có những cái tên rất “độc đáo”
Walmart
Cửa hàng đầu tiên của Walmart thật ra là Walton’s 5&10, một cửa hàng nhỏ tại Bentonville, Arkansas, thuộc sở hữu của Sam Walton. Vào năm 1955, Walton thuê một người đàn ông tên Bob Bogle quản lý 5&10 để ông có thể tập trung mở rộng và đã mở thêm nhiều cửa hàng khác. Vào năm 1962, Walton nhận ra rằng thời hoàng kim của những cửa hàng nhỏ lẻ sắp kết thúc, nên đã quyết định mở một cửa hàng lớn tổng hợp. Trước khi cửa hàng đầu tiên được khai trương, tại Rogers, Arkansas, Bogle quyết định kết hợp cụm đầu của tên nhà sáng lập với “mart”, và thế là “Wal-mart Discount City” được thành lập. Vào 2017, công ty quyết định bỏ dấu gạch nối để tượng trưng cho sự “thống nhất.”
H&M
Giống như IKEA, thương hiệu quần áo này bắt đầu ở Thụy Điểm. Năm 1947, một người đàn ông 30 tuổi tên Erlin Persson mở một thương hiệu bán quần áo nữ tên là Hennes, từ Thụy Điển của từ “Cô ấy (Hers)”, tại Västerås, Sweden. Công ty dần trở nên nổi tiếng ở vùng Bắc Âu. Vào 1968, Persson mua được một công ty tên là Mauritz Widforss. Mauritz là một công ty chuyên bán đồ săn và đồ câu cá, nhưng Persson vẫn quyết định sẽ mở rộng ra mặt hàng thời trang dành cho nam lẫn trẻ em và sáp nhập hai công ty lại với nhau thành Hennes & Mauritz, nói cách khác là H&M như chúng ta biết ngày hôm nay.
Trader Joe’s
Năm 1958, một chuỗi cửa hàng tiện lợi tên Pronto Markets được thành lập tại khu vực Los Angelas. Nhà sáng lập, Joe Coulombe, nhanh chóng nhận ra rằng chuỗi cửa hàng của mình quá giống với 7-Eleven và không thể nào cạnh tranh lại nổi. Vì vậy, ông quyết định tái thành lập lại chuỗi cửa hàng của mình, nhưng lần này lại lấy cảm hứng từ chuỗi nhà hàng Trader Vic’s và đặt tên cho nó là Trader Joe’s. Ông làm theo Trader Vic’s và may đồng phục nhân viên theo phong cách Hawaii. Coulombe cũng nhận ra rằng bán những mặt hàng độc đáo, như yến mạch và rượu, không thể tìm được ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào sẽ giúp cửa hàng phát triển nhanh chóng.
Aldi
Cửa hàng tạp hóa giá rẻ này được thành lập ở Đức bởi hai anh em Karl và Theo Albrecht. Họ lấy hai chữ cái đầu của tên họ ghép với hai chữ cái đầu trong chữ “discount” để ra được cái tên Aldi. Năm 1960, hai anh em bắt đầu tranh cãi về việc bán xì gà tại cửa hàng. Do không giải quyết được mâu thuẫn này, Aldi tách ra thành hai cửa hàng khác nhau, Aldi Nord (Bắc) và Aldi Sud (Nam). Vào thời điểm hiện tại, Aldi Sud là cửa hàng quen thuộc với nhiều người ở Mỹ nhưng Aldi Nord lại nổi tiếng ở thị trường thế giới hơn.
Sears
Tên đầy đủ của công ty này là “Sears, Roebuck and Company.” Nó bắt đầu là một công ty bán đồng hồ, được thành lập vào năm 1880 bởi Richard W. Sears và Alvah C. Roebuck. Qua một thời gian, phần “Roebuck & Co” bắt đầu bị lãng quên (có lẽ là do không được đặt trên tên cửa hàng` nữa) nên công ty dần trở thành “Sears”.
Target
Năm 1962, Dayton Company quyết định mở một cửa hàng bán lẻ tại Roseville, Minnesota. Giám đốc bộ phận quảng cáo của Dayton, Steward K. Widdess, đang phân vân giữa 200 cái tên cho cửa hàng mới này thì bỗng dưng cái tên Target, cùng với logo hồng tâm trắng đỏ, xuất hiện. Ngay lúc đó, Widdess biết là ông phải chọn cái tên này. Cũng giống như cách mà các xạ thủ luôn tập trung vào hồng tâm, cửa hàng mới này cũng sẽ “luôn tập trung vào chất lượng hàng hóa, sự tận tâm, giá cả, dịch vụ và trải nghiệm tổng thể của khách hàng,” theo website của Target. Qua bao năm tháng, logo của Target cũng không hề thay đổi gì mấy.
Barnes & Noble
Trước khi Barnes & Noble trở thành tiệm sách bán chạy nhất Mỹ, nó đã từng là một tiệm sách tên Arthur Hinds & Company vào thế kỷ 19. Arthur Hinds thuê cựu sinh viên Harvard tên Gilbert Clifford Noble để làm việc tại tiệm sách, và sau này Noble lại trở thành đối tác kinh doanh của ông. Sau đó, tiệm sách được đổi tên thành Hinds & Noble vào năm 1894. Sau đó, cha của William Barnes, một người bạn của Noble, mở một tiệm sách vào cuối những năm 1800. Noble mua đứt tiệm sách của Hinds vào 1917 để kết hợp với Barnes. Đó là khởi nguồn của cái tên Barnes & Noble.
Người dịch: Quốc Kỳ (SSDH)