Sẵn sàng du học – Thủ tục xin visa Canada là một trong những thủ tục khó, phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn bị kĩ lưỡng. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng may mắn nhận được thư chấp thuận visa. Rất nhiều thư cũng như điện thoại về văn phòng SSDH nhờ tư vấn nên làm gì khi bị trượt? Có nên nộp lại ngay không? Chờ bao lâu thì nên nộp lại? SSDH xin chia sẻ một số ý kiến từ góc độ cá nhân như sau:
Những lý do dẫn đến trượt visa:
Các bạn đều nhận được thư từ chối với các lý do mà Lãnh sự quán đánh giá như:
- Không chứng minh được lý do quay trở về;
- Không đủ năng lực tài chính đảm bảo cho việc học và đi lại;
- Giấy tờ không minh bạch, không đủ độ tin cậy
- ….
70% lý do trượt visa thường đến từ yếu tố tài chính
Cũng như thủ tục xin visa của Mỹ, Úc, hay các nước khác… Một bộ hồ sơ đòi hỏi sự thống nhất, logic giữa các yếu tố công việc, thu nhập, hình thức tích lũy tiết kiệm, tài sản đảm bảo. Có nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao họ sở hữu công ty quy mô kinh doanh lớn, giấy tờ đầy đủ mà lại trượt visa. Trong khi hàng xóm chỉ kinh doanh hộ cá thể mà hồ sơ lại đỗ visa.
Thậm chí, SSDH đã tiếp nhận nhiều hồ sơ của các gia đình có kinh doanh hộ cá thể, tại những tỉnh bị đánh giá có tỉ lệ visa rủi ro, và vẫn thành công. Đó là sự kết nối chặt chẽ, thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng, phân tích rất tỉ mỉ để tìm ra điểm mạnh của mỗi hồ sơ.
Tính trung thực luôn được đặt lên hàng đầu.
Thời đại 4.0, có vô vàn cách có thể kiểm tra được bộ hồ sơ của bạn có đủ độ tin cậy không.
Lấy ví dụ đơn giản: một gia đình ở tỉnh, nằm ở khu vực xã, thị trấn nhỏ. Phụ huynh cất công vào tận TP.HCM làm hồ sơ với suy nghĩ trong đó cơ hội đỗ visa cao hơn Hà Nội. Công ty tư vấn không rõ đã trao đổi với gia đình học sinh kỹ hay chưa. Có hướng dẫn gia đình nên cho thuê nhà làm văn phòng. Chưa nói đến Lãnh sự quán đánh giá, chỉ với câu hỏi đơn giản một ngôi nhà ở sâu trong thôn, xóm như vậy. Liệu thuê văn phòng có quá vô lý hay không?
Chủ động kết nối với đơn vị thực hiện hồ sơ du học
Chúng tôi muốn nói đến một yếu tố quan trọng khác. Phụ huynh học sinh khi làm hồ sơ phải có tính kết nối chặt chẽ với đơn vị hướng dẫn làm hồ sơ. Rất nhiều khách hàng bị trượt visa, tìm đến SSDH, chúng tôi hỏi các thông tin học tập cơ bản họ đều không nắm được. Tức là họ phó mặc cho đơn vị làm hồ sơ chọn trường, chọn ngành học. Quá nguy hiểm khi một bộ hồ sơ nộp lên Lãnh sự quán họ không biết mình nộp những gì.
Lời khuyên khi nộp lại visa.
Chúng ta hoàn toàn có quyền nộp lại để kháng nghị nếu như thấy chưa thỏa mãn với kết quả. Với nguyên tắc, khúc mắc ở đâu – giải quyết ở đó. Bạn bị đánh lỗi ở phần nào trong hồ sơ, bạn có thể giải trình lại, nộp bổ sung thông tin. Tất nhiên, khi nộp lại, độ khó sẽ là gấp đôi. Chỉ nên nộp khi bạn thấy kết quả trượt của mình do còn thiếu thông tin, giấy tờ. Còn với những trường hợp hồ sơ dựng, khai không trung thực, lời khuyên của chúng tôi là không nên nộp lại.
Tóm lại với những chia sẻ trên đây, SSDH mong rằng các vị phụ huynh, các bạn học sinh cần cân nhắc kỹ lựa chọn đơn vị có uy tín để gửi gắm hồ sơ. Đừng để mọi thứ bị lỡ dở vì những lý do không đáng có.
Thái Hải (SSDH) – Theo Du học Amec