Các trường đại học cạnh tranh

0

Sẵn sàng du học – Trong khi một số quốc gia đang phát triển nỗ lực để có thể đáp ứng nhu cầu học đại học của các học sinh trong nước thì tại các cường quốc giáo dục, việc các trường đại học cạnh tranh nhau để tuyển sinh lại là điều dễ dàng bắt gặp. 

Tại Perth, bạn có thể chọn Đại học Curtin hoặc Đại học Edith Cowan.

Các trường đại học cạnh tranh nhau để tuyển sinh là điều dễ dàng bắt gặp- Nguồn Internet

Sinh viên hưởng lợi!

Để gia tăng số lượng sinh viên cho nhà trường mỗi năm, dù là học sinh bản xứ hay du học sinh, các trường sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau, từ những chiến dịch chiêu sinh công khai, chương trình học bổng cho đến những chiêu trò không lành mạnh, thậm chí là phạm luật. Sự cạnh tranh này càng trở nên gay gắt hơn khi giáo dục ngày nay được xem là một lĩnh vực xuyên biên giới, không còn rào cản hay ngăn trở.

Bùng nổ chiến dịch quảng bá tuyển sinh

Tại Anh, cứ mỗi khi mùa hè kết thúc cũng chính là lúc xuất hiện những hoạt động tuyển sinh mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể là những buổi nói chuyện, tư vấn, trao học bổng tại các trường trung học hay là những hoạt động tham quan trường đại học được tổ chức miễn phí. Bên cạnh đó là một số những chiêu trò quảng bá với mục tiêu thu hút càng nhiều học sinh trong năm học mới thông qua các chương trình tiếp thị, quảng cáo trên mạng xã hội. “Cứ gần đến năm học mới, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những đoạn phim của những người nổi tiếng nói về ngôi trường họ chuẩn bị, đang hoặc đã học. Thoạt đầu thì nó chỉ như một đoạn phim nói về ngôi trường của mình nhưng nếu xem hết đoạn phim bạn sẽ thấy nó thật sự là một đoạn phim quảng cáo, một chiến dịch quảng bá mà nhà trường đã chi tiền cho các ngôi sao này thực hiện”, Rachel Killian, chuyên viên quản lý cao cấp của một hãng quảng cáo, cho biết.

Các hoạt động quảng bá này đã trở nên phổ biến hay có thể nói là đang xuất hiện tràn lan, kể từ khi quy định không cho phép quảng bá tuyển sinh 3 tháng trước năm học mới được hủy bỏ. Trên thực tế thì chương trình tuyển sinh luôn được các trường đại học tại Anh chú trọng như một chiến dịch quan trọng nhất trong năm. Tuy nhiên, tần suất các hoạt động quảng bá, thu hút sinh viên chỉ thật sự tăng cường vào những năm 2012, khi chính phủ Anh ra quyết định tăng mức học phí tối đa gấp 3 lần, đến mức 9.000 bảng Anh một năm.

Và đến năm 2014, khi một lần nữa chính phủ Anh đưa ra quyết định gây chấn động, xóa bỏ số lượng sinh viên tối đa mà một trường đại học có thể đào tạo, sự cạnh tranh thật sự trở nên quyết liệt và không khoan nhượng. Điều này có thể dễ dàng giải thích, vì để có thể tồn tại trong giai đoạn chính phủ thắt chặt trợ cấp, họ buộc phải thu hút nhiều sinh viên hoặc phải tiến hành cắt giảm ngân sách hoặc nhân sự nhà trường.

Quá trình ứng tuyển cũng như tuyển sinh của các trường tại New Zealand là khá dễ dàng - Ảnh minh họa

Năm 2012, chính phủ Anh ra quyết định tăng mức học phí tối đa gấp 3 lần, đến mức 9.000 bảng Anh một năm. – Nguồn Internet

Vì thế, khi không còn giới hạn về số lượng sinh viên đào tạo, họ ra sức tuyển sinh với hy vọng số tiền học phí từ nguồn học sinh không giới hạn về mặt lý thuyết này sẽ giúp mang về cho họ lợi nhuận khổng lồ để đầu tư vào những dự án trong tương lai. Bản thân chính phủ cũng khuyến khích sự cạnh tranh này giữa các trường đại học và hy vọng nó có thể giúp cho nhiều học sinh được học đại học cũng như tiêu chuẩn giảng dạy của các trường đại học cũng sẽ được cải thiện.

Mở rộng cửa cho sinh viên

Có thể nói ở một phương diện nào đó thì kỳ vọng này của chính phủ đã trở thành hiện thực. Dù mức học phí tại các trường đại học công lập ở Anh nằm trong mức cao nhất so với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nhưng số lượng sinh viên nghèo được học đại học tại Anh luôn tăng trưởng đều qua từng năm. Năm 2010, chỉ có 14% học sinh xuất thân từ gia đình khó khăn được đi học đại học thì đến 2016, con số này đã tăng đến 20% và có dấu hiệu sẽ còn tăng trong những năm tới.

Điều này gần như là một nghịch lý khi mức học phí đã tăng gấp 3 lần nhưng số lượng sinh viên nghèo vẫn không giảm đi mà còn tăng mạnh. Tuy nhiên, dưới con mắt phân tích của những chuyên gia giáo dục thì do mức học phí tăng và số lượng sinh viên tuyển vào không hạn chế, các trường sẵn sàng đưa ra những chính sách thu hút như cấp học bổng, mở các lớp tài năng đặc biệt với mức học phí ưu đãi…

Theo đó thì các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ không buộc phải theo học những trường đại học chất lượng thấp mà với các chính sách mở để thu hút sinh viên, những học viên đặc biệt này có thể được theo học ở những trường đại học danh tiếng mà không phải lo ngại về vấn đề tài chính. Khi đó, cơ hội để bước vào giảng đường của những trường đại học lớn sẽ được chia đều cho các sinh viên, cho dù xuất thân từ tầng lớp hay có điều kiện như thế nào.

“Theo lý thuyết thì mức học phí có thể lên đến 9.000 bảng Anh một năm nhưng con số này không phải là con số thật và những học sinh chỉ thật sự phải trả khi tốt nghiệp và có việc làm. Như vậy thì sự cạnh tranh giữa các trường, xuất phát từ 2 chính sách quan trọng của chính phủ, đã giúp cho giáo dục đại học đang được “đồng đều” hóa cho các tầng lớp sinh viên trong nước”, Nick Hillman, thành viên Viện nghiên cứu chính sách giáo dục đại học, phân tích.

Để có thể cạnh tranh, các trường đại học đã và đang đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác giảng dạy. Không chỉ giảng đường mà những công trình hỗ trợ như thư viện, phòng nghiên cứu, ký túc xá cũng được chú trọng tu sửa qua từng năm.

Theo dữ liệu về xây dựng được cung cấp bởi tập đoàn tư vấn xây dựng hàng đầu của Anh, Barbour ABI, các trường đại học đã tăng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng nhà trường từ mức 1,7 tỉ bảng Anh trong năm 2012 lên đến 2,4 tỉ bảng Anh trong năm 2013 và vẫn đang giữ mức tăng khoảng 43% này trong các năm kế tiếp. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng dĩ nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các sinh viên khi được học tập, nghiên cứu trong môi trường tiện nghi, đầy đủ.

Theo khảo sát chính thức thực hiện bởi Trung tâm khảo sát sinh viên quốc gia thì hiện tại có đến 87% sinh viên cảm thấy hài lòng với cơ sở vật chất giảng dạy, nơi ở của mình trong quá trình học tập đại học. Mức này đã tăng gần 10% so với những năm 2010.

Ngoài ra, như một yếu tố chủ chốt để thu hút sinh viên, các trường đại học luôn gia tăng sức cạnh tranh của mình bằng việc liên kết với các doanh nghiệp để giúp sinh viên của trường có được việc làm khi tốt nghiệp.

Vì thế, hầu hết các trường đại học tại Anh đã và đang nỗ lực tạo ra nguồn việc làm bền vững cho sinh viên của trường, từ đó tạo nên một yếu tố thu hút của trường so với những đối thủ của mình. Nhờ mô hình này mà trong thời gian những năm 2012 đến 2016, tỉ lệ sinh viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm đã tăng một cách đột biến.

“Có thể nói tất cả các trường đại học ngày nay đều đã có những chiến lược để giúp các cử nhân của trường tìm được việc làm và tỉ lệ sinh viên có được việc khi tốt nghiệp cũng là yếu tố quyết định khi một học viên chọn trường”, Kathleen Henehan, chuyên viên phân tích và nghiên cứu chính sách thuộc Quỹ Resolution, một tập đoàn tư vấn phát triển toàn diện, cho biết.

Và rủi ro

Sự cạnh tranh luôn là yếu tố giúp cho xã hội phát triển và cạnh tranh giữa các trường đại học cũng đang giúp cho giáo dục phát triển và cũng tạo ra những tác động tích cực to lớn cho sinh viên.

Tuy nhiên, một số nhà giáo dục cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự cạnh tranh quá quyết liệt và có phần ma mãnh của một số trường đại học có thể khiến cho sự cạnh tranh đi sai hướng và gây ra những hậu quả nghiệm trong cho không chỉ nhà trường, sinh viên mà sẽ tác động đến nền giáo dục trong nước. “Tôi đang nghĩ một viễn cảnh khi cuộc chiến thu hút sinh viên giữa các trường đại học trở nên khốc liệt hơn, các trường rót ngân sách chạy theo các chiến dịch thu hút sinh viên vốn rất tốn kém dấn đến việc thâm hụt chi phí và đi đến phá sản.

Hoặc nghiêm trọng hơn là việc một số trường sử dụng những cách thức quảng bá không đúng sự thật và gặp phải rắc rối với chính phủ. Tất cả những điều đó không chỉ ảnh hưởng tới nhà trường mà còn làm đứt quãng con đường học vấn của sinh viên”, Andy Westwood, giáo sư giáo dục đại học và sau đại học tại đại học Manchester, cho biết.

Với việc trường đại học xuất hiện ngày càng nhiều và những chính sách tạo sự cạnh tranh được chính phủ ban hành, các sinh viên dường như đang nhận về những lợi ích thông qua sự cạnh tranh giữa các trường đại học. Chương trình học bổng đa dạng, cơ sở vật chất được cải thiện, chất lượng chương trình được nâng cao, việc làm khi ra trường được đảm bảo…tất cả đang tạo ra một viễn cảnh tương lai vô cùng tốt đẹp cho các sinh viên. Tuy nhiên, một khi sự cạnh tranh được đẩy lên cao trào cũng đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện những hệ lụy không chỉ nhà trường mà chính các sinh viên sẽ là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ

Share.

Leave A Reply