Đào tạo đại học Indonesia tụt hậu so với châu Á

0

SSDH – Các trường đại học châu Á đã có bước tiến vượt bậc so với các trường đại học phương Tây và thậm chí còn vượt mặt trong 2 thập kỉ qua. Tuy nhiên các trường đại học Indonesia vẫn tụt xa phía sau – theo một xếp hạng các trường đại học quốc tế  mới được công bố.

 3.jpg

Các trường đại học hàng đầu Indonesia đều tụt hạng trong năm qua

 

Xếp hạng các trường đại học của QS cho thấy 5 trường đại học hàng đầu tại Indonesia thua kém xa so với các trường đại học trong khu vực châu Á – vị trí chung của đất nước vạn đảo tụt sâu kể từ năm 2009 đến nay. “Kể từ khi các trường đại học Indonesia chìm trong khủng hoảng tài chính, họ đã không bắt kịp được với tốc độ phát triển nhanh của các trường đại học Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc” – báo cáo QS nêu.

 

Chỉ có duy nhất trường Đại học Indonesia lọt vào tốp 100 trường đại học hàng đầu châu Á của QS. Trường xếp hạng cao nhất của Indonesia tuy nhiên cũng đã rơi xuống bậc thứ 64 so với bậc thứ 59 của năm 2012. So với vị trí thứ 50 của 3 năm đầu tiên QS xếp hạng (1999 đến 2011) thì đó là bước trượt dài.

 

Viện Công nghệ Bandung xếp thứ hai cũng bị tụt hạng trong năm thứ hai liên tiếp, từ hạng 113 xuống 129. Trường này từng đứng trong tốp 100 với vị trí thứ 80 năm 2009.

 

Theo nghiên cứu của QS thì vị trí trường đại học số 1 châu Á thuộc về Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST). Ngôi trường mới chỉ 22 tuổi đã nắm giữ vị trí danh giá này kể từ năm 2011.

 

Nhìn tổng thể thì châu Á đang xâm nhập mạnh mẽ vào làng đào tạo đại học thế giới. Đã có thêm 17% trường đại học châu Á lọt vào tốp 200 bảng xếp hạng đại học thế giới kể từ thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu tới nay. Dự báo trong 2 thập kỉ tới có thể chứng kiến sự soán ngôi của châu Á đối với các khu vực đang dẫn đầu hiện nay là Mỹ và châu Âu.

 

Trong khi Singapore thăng hạng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trình độ cao và cấp phép mở trường con của các trường đại học danh tiếng phương Tây, thì Indonesia vẫn bế tắc trong cuộc tranh luận về luật pháp. Hạ viện Indonesia vào tháng 6 năm ngoái đã thông qua dự thảo Luật GD đại học cho phép mở trường đại học nước ngoài nhưng vẫn chưa ban thành Luật.

 

Lọt vào các bảng xếp hạng có vai trò quan trọng đối với công tác tuyển du học sinh và cả giảng viên quốc tế có chất lượng. Châu Á trong 5 năm qua đã chứng kiến sự tăng vọt du học sinh theo học tại các trường được xếp hạng trong khu vực, từ mức 175.286 sinh viên năm 2009 lên 255.212 trong năm nay. Tổng số giảng viên quốc tế cũng tăng từ 21.223 lên 35.677.

 

Khi các quốc gia phương Tây khó khăn lắm để duy trì nguồn ngân sách cấp cho bậc đào tạo đại học thì các nền kinh tế châu Á mới nổi có tiềm lực kinh tế đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Châu Á đang đảo ngược dòng chảy máu chất xám bằng tăng ngân sách cấp học bổng thu hút những sinh viên ưu tú phương Tây.

 

Bảng xếp hạng đại học thế giới QS – QS World University Rankings, là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Cùng với Times Higher Education World University Rankings, QS World University Rankings được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

 

Đông Đức (SSDH) – Tổng hợp

 

 

Share.

Leave A Reply