Đôi điều chia sẻ về học bổng Chevening

0

SSDH – Học bổng chính phủ Chevening vẫn luôn có 1 sức hút lạ kì bởi tầm ảnh hưởng của học bổng này hay bởi những Chevening scholars luôn là những bạn tâm huyết và lấy cộng đồng làm trung tâm.

Bên dưới là 1 bài chia sẻ vô cùng chân thành và thực tế không chỉ dành riêng cho HB Chevening mà còn là học bổng chính phủ nói chung.

26032017duhoc19
Mình đã rất may mắn khi được học bổng này nên mình cũng hi vọng giúp đỡ được các bạn phần nào trong quá trình xin học bổng.

1. Nhân tố đóng vai trò quan trọng để Chevening lựa chọn bạn vào vòng phỏng vấn? (CV, bài luận, ielts)

Mình nhận thấy bài luận và CV là hai điểm quan trọng nhất để bạn được lựa chọn vào vòng phỏng vấn.

Với bài luận: bạn phải nói rõ về lí do chọn khóa học, thể hiện được bằng chứng về kinh nghiệm lãnh đạo và tiềm năng lãnh đạo, networking và kế hoạch tương lai cụ thể nhưng không viển vông (đừng đưa ra một kế hoạch nghe quá to tát và không có khả năng thực hiện được – ví dụ như một kế hoạch chung chung và vĩ mô như kế hoạch của tôi là đưa Việt Nam thành nước phát triển hàng đầu thế giới, hay cải thiện nền giáo dục VN…Nên cụ thể hóa và thực tế hơn).

Về hồ sơ: học bổng Chevening và rất nhiều các học bổng chính phủ khác như Úc, Bỉ, New Zealand Asean yêu cầu tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc. Nhiều bạn hỏi mình là “em mới ra trường nhưng em có 2 năm kinh nghiệm làm việc volunteer khi còn đi học thì có được không?”.

Mình nhận thấy 2 năm kinh nghiệm ở đây cần phải nhấn mạnh là kinh nghiệm mạnh. Đại đa số những người được lựa chọn có nhiều hơn 2 năm kinh nghiệm. Bạn đương nhiên sẽ khó cạnh tranh hơn với những người này.

Không phải ngẫu nhiên mà các học bổng và các trường đưa ra tiêu chí 2 năm kinh nghiệm làm việc. Có thể lí giải như sau.

Thứ nhất: khi bạn đã đi làm được hai năm, bạn sẽ hiểu rõ được con đường bạn muốn theo đuổi và công việc bạn đang làm, các bạn mới ra trường sẽ khó xác định rõ được điều này.

Thứ hai: học thạc sĩ ngay sau khi ra trường sẽ khiến bạn vất vả hơn vì bạn chưa đủ tích lũy kiến thức để học được trong môi trường học thuật. Trường mình đã gửi cho mình một danh sách các sách cần đọc trước khóa học và mình nhận thấy nếu mình đi học ngay sau khi ra trường thì mình sẽ chẳng hiểu sách viết cái gì, vấn đề không phải là ngôn ngữ tiếng Anh, mà vấn đề là mình đã phần nào tích lũy được kiến thức nền để tiêu hóa các sách học thuật này.

Có quá nhiều bạn hỏi mình về việc Ielts có phải là nhân tố quyết định không?

Bạn ấy được 7 ielts thì có cạnh tranh được với các bạn 8 ielts không? Ielts là điều kiện bắt buộc phải có nhưng không phải nhân tố cạnh tranh. Chevening chỉ yêu cầu ielts sau khi bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn. Nếu bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn, bạn sẽ nhận được thư có điều kiện, và khi đó bất cứ ai được trên 6.5 ielts không có điểm nào dưới 6 – mức điểm học bổng yêu cầu – thì sẽ nhận được Final award letter. Tuy nhiên, bạn cần phải kiểm tra xem trường của bạn yêu cầu mức Ielts nào nữa nhé, có trường yêu cầu hơn mức yêu cầu của học bổng.

Vậy nếu bạn đã đạt được mức Ielts mà học bổng và trường yêu cầu thì bạn không cần phải thi nữa. Và nếu bạn chưa có Ielts thì bạn cứ nộp hồ sơ, đầu tư thời gian viết bài luận và khi bạn qua vòng phỏng vấn rồi thi cũng được (Đây là cách tiết kiệm tiền đó ).

Tuy nhiên, các bạn nên dành nhiều thời gian củng cố vốn tiếng Anh bằng cách đọc các báo chí tiếng Anh, các sách bằng tiếng Anh về xã hội và chuyên ngành bạn đang làm, nghe các chương trình tiếng Anh. Các cách này sẽ giúp bạn rất nhiều trong buổi phỏng vấn cam go và khi sang Anh học.

2. Vòng phỏng vấn:

Cứ tự tin, thoải mái và là chính mình. Nói vậy thội chứ lúc mới bước vào phòng phỏng vấn, mình run lắm. Nhiều bạn hỏi mình đi phỏng vấn được hỏi gì? Thực ra các câu hỏi trong vòng phỏng vấn có thể tìm được trên rất nhiều trang web. Tuy nhiên vì hồ sơ của mỗi người khác nhau, bài luận khác nhau nên nhiều câu hỏi sẽ khác nhau…Nên các bạn cần hiểu rõ những gì mình đã viết trong bài luận, những gì mình nói trong buổi phỏng vấn, và công việc mình làm vì các bạn sẽ bị xoáy vào những chỗ bất ngờ, không đoán trước được.

Kinh nghiệm và tiềm năng lãnh đạo – Leadership

Nhiều bạn nói rằng không dám nộp học bổng này vì không có kinh nghiệm gì về leadership? Trong buổi phỏng vấn anh Graham cũng nói rõ khi đặt câu hỏi về leadership rằng “we are not looking for a Prime Minister, we are looking for people with leadership potential”. Tiềm năng lãnh đạo thể hiện ở trong nhiều việc bạn làm có thể trong công việc, có thể trong cuộc sống. Bạn có thể kể về một lần bạn lead một nhóm thực hiện một hoạt động trong công việc hay không bắt buộc phải trong công việc, bạn có thể kể về một lần bạn lead một nhóm bạn đi leo núi hay bạn tổ chức một chuyến picnic cho một nhóm bạn. Điều quan trọng là ví dụ bạn kể cần nói rõ được bạn đã thể hiện được leadership như thế nào?

Kinh nghiệm mình kể là về lần tham gia chương trình về Biến đổi khí hậu và mình được lead một nhóm các bạn đến từ nhiều quốc gia đi thu thập dữ liệu cho dự án. Mình đề cập đến cách mình lead là gì và lí do vì sao mình chọn cách lead đó. Các khó khăn trong khi lead hoạt động này, cách vượt qua khó khăn và kết quả đạt được cuối cùng như thế nào.

Điều mọi người cần chú ý là tránh liệt kê, tránh nói quá chung chung hoặc nói quá tủn mủn. Ví dụ: Không nên nói trong thời gian qua tôi đã lead nhóm A làm cái này, tôi lead cả nhóm B làm cái kia. Cái người ta cần nghe là bạn lead các hoạt động đó như thế nào? Không phải là bạn lead được bao nhiêu hoạt động…Tránh nói quá tủn mủn, ví dụ: Tôi đã lead hoạt động A, và tôi giao cho thằng X việc này, giao cho thằng Y việc kia…..(Sau khi được học bổng, mình có nói chuyện với một số bạn được chevening năm nay và một số anh chị Alumni, và mình rút ra được chú ý này.)

Networking

Networking là kĩ năng liên kết và tạo dựng mối quan hệ. Nghe có vẻ hơi trừu tượng nhưng thực tế là các bạn tìm đến những cơ hội để gặp gỡ những người cùng mối quan tâm để chia sẻ, đồng thời bạn phải phát triển bản thân tốt hơn để người ta muốn tham gia vào network với mình và duy trì network này. Ví dụ như này cho dễ hiểu, bạn chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia một khóa học/ hội thảo… và bạn quen được nhiều người trong các chương trình này, bạn giữ được mối quan hệ với những người này. Họ thấy bạn tốt, tài năng và ham học hỏi nên họ cứ muốn network với bạn, và bạn và họ luôn hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Network bạn xây dựng được đã mang lại điều gì cho bạn?

Câu hỏi về nước Anh và học bổng Chevening

Cũng giống như khi bạn đi nộp đơn xin việc, ban phỏng vấn sẽ không thể chọn bạn nếu bạn không rõ về công ty/ tổ chức bạn xin ứng tuyển hoặc sản phẩm của công ty đó là gì? Chắc chắc các bạn sẽ được hỏi các câu hỏi về nước Anh và học bổng Chevening, bạn cần thuyết phục ban phỏng vấn bằng những lí do vì sao bạn chọn nước Anh mà không phải Mỹ hay Úc hay…và học bổng Chevening mà không phải Fullbright hay ADS..etc…

Mình được hỏi các câu hỏi trừu tượng như các giá trị của Anh rồi đến những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chính là điểm để bạn thể hiện sự hiểu biết về nước Anh như ‘’khi đến Anh, bạn muốn đi đâu?” Thoạt đầu nghe chữ ‘’giá trị’’ mình cũng hơi lúng túng, nhưng sau vài giây suy nghĩ mình đã nhận ra rằng giá trị chính là những thứ mà người ta thường nhắc đến khi nói tới nước Anh, và lúc đó mình như vào đà, mình nói về nền dân chủ lâu đời ( có dẫn chứng năm 2015 kỉ niệm 750 năm nền dân chủ của Anh), mình nói về luật phúc lợi động vật lần đầu tiên trên thế giới ở Anh, tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên và động vật của người Anh, về nước Anh là quê hương của các học thuyết kinh tế và phát triển ( có dẫn chứng vài nhà kinh tế học nổi tiếng), rồi sức ảnh hưởng của nước Anh lên âm nhạc, kịch, phim ảnh etc…Đối với câu hỏi thứ hai mình đã trả lời rằng ‘’tất nhiên đầu tiên tôi muốn đến London vì London từ lâu đã được coi là thủ đô văn hoá của thế giới, và năm 2016 kỉ niệm 400 năm ngày mất của Shakespeare và tôi tin đây là một cơ hội có một không hai để đến thăm quê hương ông ở Stratford-upon-Avon in Warwickshire.

Mỗi người phỏng vấn sẽ có cách đặt câu hỏi và kiểm tra sự hiểu biết thật sự của bạn về nước Anh và học bổng Chevening nên mọi người nên dành thời gian thực sự tìm hiều :). Một chị Alumni chia sẻ rằng, sau khi chị ấy nói là mê nước Anh vì có the Beattle rồi là Shakespeare, thì ngay lập tức người phỏng vấn hỏi lại là vậy bạn yêu tác phẩm nào và có câu nói nào trong các tác phẩm của Shakespeare mà bạn yêu thích. Vì vậy chìa khóa là chỉ nên nói những gì mình thực sự hiểu và quan tâm.

Vấn đề xã hội

Mình được hỏi các câu hỏi về các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt và dựa vào câu trả lời của mình mà ban phỏng vấn trao đổi thêm. Mình nghĩ tất cả các câu hỏi của ban phỏng vấn đều sẽ có sức nặng như nhau khi đánh giá bạn, nên hãy chuẩn bị thật kĩ cho buổi phỏng vấn vì “Fail to prepare, prepare to fail” mà, khi trả lời thì đối với mọi câu hỏi các bạn nên suy nghĩ một vài giây, sắp xếp ý trước khi bắt đầu nói.

Cuối cùng,  mình thấy Chevening cũng muốn tìm đến những người có mối quan tâm đến các vấn đề rộng lớn hơn.

Nói tóm lại, mình thấy xin học bổng là một quá trình gian nan vì trong cùng một khoảng thời gian mình phải vừa đi làm, vừa đi dạy, vừa phải chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận cho học bổng và viết bài luận cho trường, lại vừa dành thời gian đi chơi với gia đình nữa.

Nhưng giây phút nhận được email trúng học bổng là giây phút chắc mình chẳng bao giờ quên được trong đời, cảm giác vô cùng khó tả.

Mình hi vọng chia sẻ của mình giúp được phần nào cho các bạn trong quá trình xin học bổng, và nếu bạn có thêm câu hỏi nào nữa các bạn hoàn toàn có thể inbox hoặc để lại dưới phần comment dưới đây :). Trong note này mình chỉ để cập đến kinh nghiệm nộp học bổng Chevening, còn rất nhiều các học bổng khác cho các bạn lựa chọn. Mọi người nên nộp một vài học bổng để có nhiều cơ hội hơn. Năm nay mình chỉ nộp mỗi học bổng Chevening nên thực sự là mình đã rất lo lắng.

Theo: Nguonhocbong

Share.

Leave A Reply