Sẵn sàng du học – Những việc phổ biến đối với du học sinh Việt Nam tại Australia là phụ bếp, chạy bàn, thu ngân, chất hàng ở chợ, bán hàng, làm nail, làm farm (làm nông).
Thời gian học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), chị Trương Nguyễn Thoại Giang (47 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) đã làm thêm nhiều công việc. Chị chia sẻ kinh nghiệm tìm việc tại quốc gia này.
Hầu như du học sinh nào ở Australia cũng từng đi làm thêm. Ngoài lý do chính là để trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt, việc làm thêm giúp du học sinh học hỏi được văn hóa bản địa, nâng cao khả năng giao tiếp, hiểu biết luật lệ, tự tin hơn. Nếu như bạn năng nổ, chịu khó săn việc, cộng với chút may mắn thì vài tuần sau khi đặt chân tới Australia bạn có thể tìm được việc làm thêm tạm thời.
Lúc mới tới Melbourne, ngày nào học xong tôi cũng lùng sục ở trung tâm thành phố để tìm việc. Thấy shop trái cây của người Italy ở chợ Queen Victoria trưng bảng cần người bán hàng tôi liền hỏi xin. Shop này đông nhất từ 11h tới 13h khi nhân viên văn phòng đến ăn trưa. Khách mua một trái chuối, một chùm nho, một trái táo đều được cân, tính tiền từng món rồi cộng lại, không dùng giấy viết hay máy móc. Công việc này sẽ dễ dàng nếu bạn giỏi tính nhẩm.
Sau đó tôi xin phục vụ tiệc cưới. Tôi tìm được việc này từ quảng cáo dán bên ngoài một tiệm phở trên đường Swanston ở trung tâm Melbourne. Công việc bắt đầu từ lúc 5h chiều cho tới 1-2h sáng. Trừ lúc nghỉ ăn chiều khoảng 20 phút còn lại là chạy tới chạy lui, bưng bê, dọn dẹp. Mỗi tuần làm 2-3 đêm tùy theo mùa.
Khi có thời gian du học sinh hãy dạo quanh các trung tâm mua sắm, để ý tìm những quảng cáo cần người treo trên cửa tiệm. Nếu không có quảng cáo mà bạn muốn làm cho shop nào đó thì cứ mạnh dạn hỏi gặp manager xin việc và để CV lại khi cần họ sẽ liên hệ. Nếu bạn ở gần những khu người Việt như Footscray, Sunshine, St Albans, Richmond, Springvale thì có khá nhiều việc.
Bạn tôi đi gõ cửa khoảng 5 tiệm ở Footscray thì xin được việc ở một tiệm bánh mì Việt đông khách, làm 2 ngày cuối tuần, từ 6h sáng tới 6h chiều. Tiệm này luôn có khoảng 8 du học sinh đứng bán không ngưng tay.
Tương tự một bạn khác tìm được việc ở lò bánh mì kế bên. Để kịp cho ra mẻ bánh đầu tiên lúc 4h sáng, bạn ấy phải có mặt từ 1h. Vì thế việc này chỉ thích hợp với các bạn nam có khả năng thức đêm và không sợ ma.
Tôi làm dịch vụ tiệc cưới khoảng một năm thì nghỉ và xin đi chạy bàn cho một nhà hàng Việt – Hoa ở Carlton. Công việc là lấy order, bưng bê, dọn dẹp, tính tiền, sợ nhất là nghe điện thoại khách đặt thức ăn mang về, vì nhiều lúc không hiểu họ nói gì. Khi vắng khách, tôi vào bếp phụ cuốn chả giò, bò lá lớp.
Tôi tìm được việc này từ quảng cáo ở trung tâm dịch vụ việc làm cho sinh viên trong trường. Mạng Internet của Đại học Melbourne có Career Online, mỗi năm đăng khoảng 5.000 quảng cáo việc làm bán thời gian, thời vụ cho sinh viên.
Tôi cũng thử tìm việc online, "rải" CV cho cả trăm công ty, nhưng đều bặt vô âm tín, ngoại trừ một hồi âm từ chối.
Cách tìm việc truyền thống nhất là xem quảng cáo trên báo. Báo in The Age có nhiều quảng cáo việc làm cho người bản địa. Tôi tìm được việc giúp việc nhà trên báo này. Mỗi tuần một buổi đến lau chùi, hút bụi, ủi quần áo.
Du học sinh Việt Nam mới chân ướt chân ráo ra nước ngoài, vấp phải rào cản ngôn ngữ và văn hóa, không tự tin nên rất khó xin việc với Tây. Vi vậy hầu hết đầu quân cho đồng hương. Báo Tivi tuần san có rất nhiều quảng cáo việc làm cho chủ người Việt, như: phụ bếp, chạy bàn, làm nail, bán hàng, làm farm.
Việc làm farm nhiều, dễ tìm và có quanh năm, hết cắt nho tới hái táo, cherry. Nhưng farm ở vùng ngoại ô, trung bình phải mất 4 tiếng đi, về bằng xe đưa đón. Vào những kỳ nghỉ nhiều bạn chọn ăn ở luôn tại farm để đỡ thời gian đi lại. Thời tiết Melbourne đôi khi khắc nghiệt, nếu bạn chịu được nóng 40 độ C hay lạnh 10 độ C thì mới đi làm farm nổi. Vì lý do này làm farm thích hợp với các bạn nam.
Cũng từ tờ Tivi tuần san, tôi tìm được việc làm cho hãng bánh kẹo. Công việc bắt đầu từ 5h sáng, gồm chiên giò cháo quẩy, chiên bánh tiêu, gói bánh in. Thời gian đó tôi ở trọ gần hãng này nên cũng tiện, mỗi ngày làm vài tiếng rồi đi học.
Hiện nay Facebook là nơi kết nối nhanh chóng việc cần người với người cần việc nhất. Các group như Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne có hơn 52.000 thành viên do Hội Sinh viên Việt Australia – VASA lập ra. Các thành viên đang đi làm ở một chỗ nào đó, nếu cần người sẽ đăng giùm quảng cáo lên đây.
Việc cần người hầu như có liên tục. Ví dụ ngày 9/11 nhà hàng Việt ở trung tâm Melbourne, tiệm take away ở Hoppers Crossing và nhà hàng Nhật ở South Yarra mỗi nơi cần một phụ bếp. Ngày 10/11, shop quần áo ở Watergardens cần nữ nhân viên bán hàng, tiệm nail cần tuyển thợ. Ngày 12/11, nhà hàng ở Geelong cần nữ chạy bàn và phụ bếp, tiệm nail ở St Albans cần thợ. Thay vì ngồi đợi quảng cáo, các bạn cũng có thể tự PR cho mình trước, nơi nào cần sẽ liên lạc trực tiếp. Tôi thấy nhiều bạn đã tìm được việc bằng cách này.
Tuy nhiên, cách tìm việc hiệu quả nhất vẫn là thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người quen. Những cơ sở của người Việt cũng như Tây đều thích nhận người quen vì dù gì có người bảo đảm cũng yên tâm hơn. Người giới thiệu có thể hướng dẫn cho bạn cách thức làm việc, bạn sẽ thạo việc nhanh hơn và chủ thì không mất công sức chỉ dạy.
Nhờ bạn bè giới thiệu mà tôi có việc dán giá hàng hóa ở một hãng bán sỉ dụng cụ mỹ thuật. Công việc đơn giản, chỉ cần chăm chỉ, nhanh tay. Cũng qua người quen bạn tôi xin được việc dọn phòng khách sạn. Việc này cũng không phải nặng nhọc, gồm thay bao gối, thay tấm trải giường, hút bụi, chùi toilet.
Học sinh từ 15 tuổi (lớp 10) sẽ được phép đi làm. Nếu bạn đang học trung học và tiếng Anh giỏi bạn có thể xin việc ở cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Mc Donalds. Những tiệm này tuyển nhân viên thường xuyên vì họ thải nhân viên trên 18 tuổi để không phải trả lương nhiều (trên $20 một giờ). Họ thích nhận học sinh dưới 18 tuổi hơn vì chỉ cần trả lương học việc (award rate) trên dưới $12 một giờ. Em họ tôi nhờ có "tay trong" mà xin được việc ở KFC.
Ai cũng thích làm cho Tây vì đa số trả đúng mức lương theo luật, trên dưới $20 một giờ có khai thuế, đóng tiền hưu bổng. Chủ người Việt thường chỉ trả tiền mặt khoảng $10 một giờ (tô phở $12). Có những việc tính theo ngày công, như phục vụ tiệc cưới, từ $100 tới $120 một đêm. Làm farm thì thường tính theo sản lượng. Nếu bạn có sức khỏe, chịu khó cũng có thể kiếm tiền trăm mỗi ngày.
Nhưng dù cho chủ là Tây hay Việt thì bạn cũng đều phải làm việc cật lực, nhanh tay, nhanh chân, nhanh mắt. Để xin việc hiệu quả, bạn nên chuẩn bị một CV dài khoảng một trang A4, mang theo bên người, khi có thời cơ thì rút ra ngay. Bạn cũng nên trong tư thế sẵn sàng trả lời những câu hỏi về kinh nghiệm có liên quan đến công việc bạn đang xin; học thuộc lòng cách đánh vần họ, tên, số điện thoại và địa chỉ của mình, nên nói chậm và rõ ràng. Nếu bạn có tên tiếng Anh thì sẽ tiện hơn khi giao tiếp.
Vì phần đông du học sinh đi làm vào cuối tuần nên nếu bạn có thể sắp xếp việc học và đi làm trong tuần thì sẽ dễ tìm việc hơn do mức độ cạnh tranh thấp.
Theo quy định hiện hành của sở di trú, du học sinh chỉ được làm tối đa 20 giờ một tuần trong học kỳ và toàn thời gian vào các kỳ nghỉ. Nếu bị phát hiện làm vượt mức quy định, bạn có thể bị hủy visa. Nếu bạn làm quá nhiều giờ thì sẽ không có thời gian học hành và khó đạt được kết quả tốt.
Nếu bạn chi tiêu chừng mực, làm thêm 20 giờ mỗi tuần trong thời gian học cũng đủ trang trải chi phí ăn ở, đi lại. Nếu bạn không về Việt Nam dịp nghỉ hè, làm thêm toàn thời gian thì có thể dành dụm được chút ít để đóng học phí hoặc đi du lịch đó đây.
Nhờ đi làm thêm mà tôi có thể trang trải phần nào chi phí du học. Tiếp xúc với người bản địa khi đi làm giúp tôi hiểu và học hỏi được văn hóa của họ. Tiếng Anh của tôi cũng tốt hơn. Quan trọng nhất là tôi học được tác phong làm việc. Có lần một ông chủ người Hoa dạy nhân viên chúng tôi là "Cứ làm hết sức mình, các bạn sẽ không bao giờ lỗ".
Tôi rút ra được nhiều bài học từ những việc làm thêm tưởng chừng như nhỏ bé đó và tìm được việc làm đúng ngành nghề, khả năng trước cả khi tốt nghiệp.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo VnExpress