Du học sinh Trung Quốc “vỡ mộng” khi trở về nước

0

Sẵn sàng du học – Trong hơn 40 năm kể từ khi bắt đầu mở cửa, Trung Quốc có tổng cộng 3,13 triệu sinh viên, tương đương 83,73% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước làm việc. Tuy nhiên, những tài năng được gọi là “haigui” (du học sinh) hiện đang mất dần lợi thế so với những sinh viên được đào tạo trong nước.

Trở về trong hụt hẫng

Peter Chen, một sinh viên đến từ tỉnh Vân Nam, tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính ở nước ngoài đã quyết định trở về Trung Quốc đại lục để làm việc.

Từ khi về nước, con đường sự nghiệp của Chen trở nên u ám hơn. Sau thất bại ở những lĩnh vực thế mạnh như lập trình ứng dụng du lịch tại một liên doanh khởi nghiệp, Chen dành ra một năm để tự học kỹ thuật xe tự vận hành trước khi tìm được việc làm tại một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Nhưng Chen vẫn không nhận được mức lương xứng đáng khi thường xuyên phải làm việc 13 giờ/ngày với mức lương không cao. Mức lương hàng tháng của anh thấp hơn một nửa so với những gì anh mong đợi. Trong nhóm của Chen, có 30 người thì chỉ có 5 người đi du học, còn lại là sinh viên tốt nghiệp tại địa phương.

Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp một số chuyên ngành mà chính quyền Bắc Kinh ưu tiên nhằm phục vụ cho ngành chế tạo chỉ được Mỹ cấp thị thực tối đa 1 năm - Ảnh: The Wall Street Journal

Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp một số chuyên ngành mà chính quyền Bắc Kinh ưu tiên nhằm phục vụ cho ngành chế tạo chỉ được Mỹ cấp thị thực tối đa 1 năm – Ảnh: The Wall Street Journal

Giống như Chen, Kimi Fei trở về Thượng Hải vào tháng 8 năm ngoái sau khi lấy bằng Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh (MBA) từ Trường Kinh doanh Stephen M Ross tại Đại học Michigan (Mỹ). Có trong tay tấm bằng danh giá, Fei được nhiều công ty đa quốc gia tại nước ngoài chào đón nhưng cô lại quyết tâm trở về nước.

Sự thay đổi của thị trường việc làm trong nước nhanh chóng làm Fei thất vọng khi cô không thể tìm được công việc phù hợp tại Thượng Hải. Cô buộc phải chấp nhận vị trí cộng tác viên đầu tư chiến lược tại một tập đoàn đa quốc gia.

“Những năm trước, các công ty bất động sản Trung Quốc như Huaxia Happiness hay Vanke đã chi rất nhiều tiền cho việc thu hút sinh viên MBA từ các trường kinh doanh Mỹ. Một, hai năm trở lại đây, số lượng tuyển dụng ngày càng ít đi”, Kimi Fei than thở.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong năm 2017, có hơn 480 nghìn nghìn sinh viên Trung Quốc trở về nước sau khi đi du học. Đây là con số kỷ lục và tăng 11,19% so với năm 2016. Trong số này, gần một nửa sinh viên có bằng thạc sĩ trở lên, cao hơn 14,9% so với con số năm 2016.

Kể từ năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, đã có tổng cộng 3,13 triệu “haigui” tương ứng với 83,73% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước.

Tương lai mịt mờ

Sự thất vọng của Peter Chen hay Kimi Fei phản chiếu tâm tình của nhiều người trong số hàng trăm nghìn người đã trở về Trung Quốc sau thời gian học và làm việc ở nước ngoài mỗi năm. 

Khảo sát gần đây với hơn 2.000 người trở về như vậy tại Bắc Kinh cho thấy, khoảng 80% cho biết, lương của họ thấp hơn kỳ vọng, với khoảng 70% nói rằng, công việc họ đang làm không phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng được học. 

“Những người trở về từ ngoại quốc đang nhìn thấy khoảng cách rộng giữa thu nhập và kỳ vọng”, báo cáo công bố hồi tháng 8/2018 do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa thực hiện nhận định. 

Trong một cuộc khảo sát của trang web tuyển dụng Liepin.com công bố hồi tháng 1 cho thấy, 80% người trở về vào năm 2018 dự kiến mức lương hàng năm trên 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 29.652 USD). Tuy nhiên, hơn một nửa số du học sinh được hỏi cho biết, họ kiếm được ít hơn 100.000 Nhân dân tệ, cho thấy thực tế du học sinh trở về từ nước ngoài đang mất dần lợi thế so với các sinh viên được đào tạo trong nước.

Aurelien Rigard, người đồng sáng lập công ty công nghệ IT có trụ sở tại thành phố Thượng Hải chia sẻ: “Một vài năm trước tôi vẫn đánh giá cao những du học sinh được đào tạo tại nước ngoài. Giờ thì tôi đã thay đổi. Tôi nhận thấy, chất lượng đào tạo của các sinh viên địa phương cũng không thua kém”.

“Phía công ty không có chế độ đãi ngộ nào khác biệt cho những nhân lực từ nước ngoài trở về như tôi dù ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp là một lợi thế”, Chen tâm sự.

Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Giáo dục quốc gia Trung Quốc cho biết, các kinh nghiệm học thuật quốc tế từng được đánh giá cao, do trước kia chỉ các sinh viên ưu tú nhất mới có thể giành chỗ tại các đại học nước ngoài. 

Nhưng hiện nay, với việc ngày càng nhiều người đi du học tự túc, nhóm ưu tú này đã bị pha loãng giá trị của mình. “Rất nhiều sinh viên được gửi ra nước ngoài chỉ vì cha mẹ có tiền. Họ tạo nên sự khác biệt lớn về sự chăm chỉ, thông minh, kỹ năng xã hội…”, ông nói.

Không chỉ có sinh viên tốt nghiệp, thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt cũng đang tạo ra nhiều thách thức cho người nước ngoài tại Trung Quốc. Một báo cáo thực hiện bởi Linkedln và Bain & Company vào tháng 12/2018 cho thấy, 40% các lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu công việc từ một công ty địa phương, sau đó mới chuyển sang một công ty đa quốc gia.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Quốc Tế

Share.

Leave A Reply