Sẵn sàng du học – Đặc điểm nổi bật của môi trường giáo dục Anh là tạo ra môi trường học tập thân thiện, không tạo sức ép thành tích cá nhân, luôn chú trọng phát triển kỹ năng tự học, tư duy, phân tích, tổng hợp và khả năng làm toán đối với học sinh, sinh viên.
- Mô hình giáo dục Đức – Bài 1: Phát triển đại học theo định hướng nghiên cứu
- Bài cuối: Rộng cửa đón du học sinh quốc tế
Học sinh được kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành, đề cao tính sáng tạo, độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm của học sinh.
Đối với hệ phổ thông bắt buộc tại hệ thống trường công, học sinh được xếp vào học tại các trường theo tiêu chí gần nhà. Thi tốt nghiệp GCSE ở Anh chấm theo thang điểm từ 1-9. Điểm cao nhất là 9 điểm. Tỷ lệ học sinh đạt điểm tối đa 9/9 mỗi môn chỉ chiếm từ 3-4% trong tổng số thí sinh thi trên toàn quốc trong năm học 2017-2018.
Đối với kỳ thi GCSE ở Anh, học sinh sẽ phải thi từ 8-11 môn, đối với các trường cho du học sinh quốc tế thì thi từ 6-8 môn. Môn tiếng Anh thi là tiếng Anh cho người nước ngoài. Thi từ 8-11 môn nhưng mỗi môn học sinh phải thi từ 2-3 bài cộng lại chia trung bình mới ra điểm môn thi đó.
Kỳ thi GCSE là kỳ thi dài nhất khoảng 6 tuần với tổng số khoảng 30 bài thi, sức ép lên học sinh rất căng. Điểm xét vào A level, hay hệ IB dựa trên điểm của tất cả các môn, điều này đòi hỏi học sinh phải học toàn diện không thể học lệch được.
Điểm thi kiểm tra học kỳ, hay cuối năm học ở Anh không được tính để xét thi cuối cấp, mà chỉ để giáo viên đánh giá, đưa ra điểm dự đoán của học sinh khi thi để học sinh nộp cùng trong bộ hồ sơ đăng ký vào trường A level hay đại học. Học sinh vẫn có các bài kiểm tra giữa học kỳ và cuối mỗi kỳ để giáo viên đánh giá trình độ học sinh và gửi thông báo đến cho phụ huynh mỗi học kỳ. Học sinh không biết điểm số của nhau để tránh tình trạng ganh đua, phân biệt.
Mỗi môn học sẽ chia thành các nhóm học với những trình độ khác nhau để giáo viên giảng và giao các bài tập ở các mức độ khác nhau. Sau mỗi học kỳ, giáo viên sẽ xem xét đánh giá lại để phân chia lại nhóm các loại học lực khác nhau. Nếu như những năm cấp 1, khi họp phụ huynh, giáo viên sẽ trao đổi trực tiếp với từng phụ huynh, chứ không họp cả lớp chung như ở Việt Nam. Giáo viên sẽ gặp mỗi phụ huynh từ 10-15 phút để trao đổi cụ thể từ học lực cho đến tính cách, những điểm cần khắc phục của mỗi trẻ.
Đối với học sinh cấp 2, việc chia nhóm sẽ chia nhỏ hơn và học sinh sẽ được giới thiệu thêm các trang web để tự học. Việc lựa chọn đăng ký cho học sinh thi tại hội đồng thi nào sẽ do nhà trường quyết định. Do vậy việc chuyển trường của học sinh từ những năm cuối cấp 2 và hệ A level là khó khăn vì các trường theo học các chương trình khác nhau, phục vụ cho kỳ thi cuối cấp của học sinh mình theo các hội đồng chấm thi mà nhà trường đăng ký thi.
Anh có 7 hội đồng chấm thi khác nhau, các hội đồng này đều phải tuân theo quy định của cơ quan đánh giá chất lượng (Ofqual). Các hội đồng chấm thi là các tổ chức độc lập và các trường có thể chọn đăng ký thi tại các hội đồng thi khác nhau cho các môn thi. Hội đồng chấm thi GCSE và A level ở Anh có 7 hội đồng chấm gồm AQA, CIE, OCR, Pearson, Edexcel,WJEC và CCEA.
Học hệ A level, học sinh sẽ chỉ học từ 3-4 môn và học hệ IB sẽ học 6-8 môn. Cách giảng và học ở A level hoàn toàn khác với cách của hệ phổ thông cơ sở. Học sinh yêu cầu tự học cao hơn, làm việc độc lập hơn, và mức độ bài tập nặng hơn rất nhiều so với hệ GCSE. A level không chia nhóm trình độ học để dạy. Giáo viên chủ yếu giao bài tập qua mạng và học sinh làm bài và nộp bài cho giáo viên qua mạng. Thậm chí, giáo viên sẽ đưa đáp án để học sinh tự chấm cho mình rồi mới nộp bài lại cho giáo viên.
Đối với hệ đại học và sau đại học, các trường ở Anh sẽ xét điểm thi các môn A level hoặc IB của học sinh và dựa theo tiêu chí chung của từng trường đại học để xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, các học sinh sẽ phải nộp đơn xin vào các trường đại học của mình từ cuối học kỳ 1 của năm lớp 13. Mỗi học sinh được quyền nộp đơn cho 5 trường đại học khác nhau.
Bộ hồ sơ dự tuyển sẽ gồm phần lý lịch học thuật bản thân, một bài luận và điểm dự đoán điểm thi A level của học sinh đó do trường A level hoặc IB cung cấp cho hội đồng tuyển sinh. Căn cứ vào các yếu tố trên, trường đại học sẽ đưa ra thư mời học có điều kiện hoặc vô điều kiện với ứng viên đó. Đưa ra thư mời học vô điều kiện đối với thí sinh chưa qua kỳ thi tốt nghiệp A level hay IB thực ra rất hiếm. Đa phần là học sinh sẽ nhận được thư mời chấp nhận học có điều kiện từ các trường đại học vào mùa Xuân, trước khi thi tốt nghiệp 2-5 tháng.
Nếu điểm thi tốt nghiệp A level đạt đúng yêu cầu của trường đại học đó thì trường đại học sẽ chính thức đưa ra giấy mời nhập học vào khoảng giữa tháng 8 và nhập học đầu tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, sau khi nhận được thư mời học có điều kiện từ các trường đại học, học sinh sẽ chỉ được giữ lại hai trường đại học mà mình mong muốn được học nhất mà thôi cho dù có thể nhận được thư mời có điều kiện của cả 5 trường.
Đối với một số trường đại học danh tiếng như Oxford và Cambridge, học sinh sẽ có các vòng thi riêng, ngoài kỳ thi A level chung. Tiêu chí để xét vào các trường đại học là dựa chủ yếu vào điểm thi A level và bài luận của thí sinh. Các trường đại học đều công khai đăng trên trang web của nhà trường về tiêu chí điểm học để có thể được chấp nhận vào trường.
Để lựa chọn các trường đại học, ngành học mà mình muốn học, các học sinh có thể vào webiste của trường và của bộ giáo dục, xem các bảng xếp hạng trường dựa theo các tiêu chí như ngành học, tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ số người ra ra trường tìm được việc làm trong vòng 6 tháng để quyết định chọn nên đăng ký vào trường đại học nào.
Sinh viên học bậc đại học ở Anh phải tự học rất nhiều, thực học lên lớp có giảng viên chỉ khoảng 6 tháng/mỗi năm học, sinh viên nghỉ các đợt như giữa kỳ, Giáng sinh, Năm mới… rất dài và nhiều, nhưng thực tế đó là thời gian học sinh phải tập trung tự học và ôn thi.
Ngô Nam Sơn, hiện đang học thạc sĩ ngành kế toán tài chính tại Đại học Queen Mary tại London cho biết môi trường học đại học và cao học ở Anh, sinh viên phải chủ động và tự học rất nhiều để có thể hoàn thành tốt khóa học. Các điểm thi tốt nghiệp GCSE, A level sẽ theo học sinh cho đến khi đi tìm việc làm. Tốt nghiệp đại học xong, sinh viên sẽ phải đối mặt với các cuộc thi tuyển việc làm.
Các cuộc thi này thường chỉ đòi hỏi bằng tốt nghiệp đại học loại gì chứ không chú trọng vào học ngành, vì ai làm được bài thi do nhà tuyển dụng đưa ra sẽ được công ty nhận vào và đào tạo tiếp. Nhà tuyển dụng chủ yếu sẽ kiểm tra kỹ năng phân tích, tổng hợp, kiến thức tính toán chung và các kỹ năng mềm, chứ không hỏi quá sâu về chuyên ngành mà sinh viện đã được học tại trường đại học, ngoại trừ những ngành đặc thù như bác sĩ, luật sư… cần đòi hỏi kiến thức từ bậc đại học. Chẳng hạn bạn tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử, địa lý vẫn có thể vào làm trong ngân hàng nếu bạn thi đỗ kỳ thi tuyển dụng.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ