Có “cớ” để cập nhật thông tin cho chính mình
Bên cạnh những blog chỉ xoay quanh các vấn đề cảm xúc cá nhân, có thể tìm thấy rất nhiều những blog chuyên ngành, blog thông tin, giải trí riêng. Nếu bạn viết blog về tin tức mà lại không cập nhật tình hình thời sự, viết blog về du lịch mà chẳng chia sẻ những xu hướng điểm đến mới, blog du học mà lại thiếu trải nghiệm cá nhân, hay blog về ngành Luật mà lại vắng bóng những pha kiện tụng “hấp dẫn” thì chẳng thể thu hút nhiều người đọc.
Vì thế, tự mỗi blogger sẽ dần hình thành cho mình thói quen nắm bắt thông tin để có thể thực hiện những bài viết nhiều người quan tâm, và điều này rất tốt cho khả năng tổng hợp tin tức cũng như nâng cao kiến thức phổ thông của mình.
Nhân rộng tên tuổi
Việc xuất hiện trên các mạng Xã hội giờ không còn là một lựa chọn nên-không mà là điều bắt buộc với một số ngành nghề. Nếu bạn học Báo chí và muốn trở về Việt Nam làm việc, đương nhiên là bạn sẽ phải có một nơi-nào-đó trên mạng để “khoe” những bài viết của mình, chia sẻ phong cách viết cũng như phô bày các kĩ năng mà một nhà báo tương lai cần có (tổng hợp thông tin, viết lách, dịch thuật, phân tích, phỏng vấn…)
Với sự nở rộ của các mạng Xã hội, việc chia sẻ và lan tỏa các “công trình” viết lách càng đơn giản hơn bao giờ hết. Bạn có thể chia sẻ đường dẫn bài viết từ blog của mình trên linkedin, Facebook, Fanpage, Gooogle+ hay cả những trang “canh gác” thông tin như Scoop.It.
Đó là lí do có rất nhiều nhà văn bước ra từ thế giới ảo.
Thêm điểm cộng cho CV
Một khi tiếng tăm của bạn đã được lan rộng, CV của bạn sẽ có giá trị hơn khi đi xin việc, dù đó đơn giản chỉ là một công việc làm thêm. Kinh nghiệm là, nếu bạn có một lượng người đọc khủng, hãy sử dụng con số này để thêm phần thuyết phục về sức nặng truyền thông của bản thân.
Admin của một Fanpage 200.000 like tất nhiên sẽ là thông tin hấp dẫn hơn, so với một ứng viên khác chỉ đề cập trong hồ sơ là “có kĩ năng quản lý mạng xã hội” một cách khơi khơi, không dẫn chứng.
Thêm nữa, trong mắt một nhà tuyển dụng, một ứng viên biết viết blog là một ứng viên có khả năng viết, có chính kiến, dám thể hiện, thích chia sẻ (và tất nhiên là cũng dám đương đầu với dư luận)
Và nếu bạn viết blog bằng tiếng nước ngoài thì chắc chắn là tấm CV ấy sẽ đưa bạn ít nhất là vào đến vòng phỏng vấn!
Tốt cho kĩ năng và phong cách viết
Đối với một người làm công việc viết lách, sự luyện tập là điều vô cùng quan trọng để quyết định một phong cách riêng. Không phải ai sinh ra cũng đều có một cá tính độc đáo khi viết văn. Đó là lí do có người viết với câu chữ giản dị, có kẻ lại mê sử dụng chữ nghĩa… thoát tục, cao siêu, và cũng có người viết theo văn phong hiện đại, lập luận rõ ràng.
Viết blog ra tiền
Tất nhiên là chỉ có những ai đã thực sự nổi tiếng với lượng “traffic” khủng (lượng bạn đọc vào ra blog lớn) mới là những người được các nhãn hàng tìm đến “nhờ” chèn thông điệp PR hay đặt “banner” quảng cáo trên trang web.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, một khi đã có tiếng tăm, kĩ năng và quan trọng nhất là một lượng bạn đọc nhất định, các cơ hội sẽ tự nhiên kéo tới. Nếu là người chuyên viết về du học, bạn có thể kiếm tiền bằng cách cộng tác với chuyên mục du học của các báo hay các trung tâm tư vấn du học tại Việt Nam. Trong trường hợp là du học sinh Nhiếp ảnh, tại sao không “lợi dụng” blog để up những bộ ảnh đẹp mà mình thực hiện trong quá trình du học nước ngoài hay các đề tài ở lớp. Từ sở thích đến công việc làm thêm ưa thích thật sự không phải là một quãng đường cách xa nhau như bạn vẫn nghĩ!
Sau cùng, vẫn còn một lí do nữa mà bạn nên bắt đầu viết blog – đó là việc lưu nhớ những trải nghiệm, chia sẻ những bài vở đã được học thời du học.