Sẵn sàng du học – Với những học sinh trung học phổ thông: Nếu bạn muốn có được một bức thư giới thiệu từ một giáo viên mà sẽ chẳng giúp ích gì cho việc nhập học của bạn, thì việc nên làm sẽ là: Không gây bất cứ ấn tượng nào với giáo viên đó. Thư của giáo viên là công cụ hỗ trợ ủy ban tuyển sinh đánh giá mức độ nghiêm túc của bạn về mục đích trong lớp học, khả năng lãnh đạo của bạn trong các cuộc thảo luận, và cách mà đạo đức công việc của bạn tỏa sáng. Vì vậy, nếu bạn muốn tạo sự khác biệt cho bản thân trong một quá trình nhập học đầy cạnh tranh, có vài điều đơn giản mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua.
Nếu bạn không biết ai sẽ sẵn lòng viết một bức thư giới thiệu khi bạn yêu cầu, ấn tượng bạn tạo ra đã đến lúc cần tỏa sáng hơn nữa. Vậy làm điều đó như thế nào? Theo tờ New England Patriots khuyên nhủ đó là "Làm phần việc của bạn". Không gì có thể đánh bại được sự chuẩn bị và thực hiện nhiệt huyết. Làm bài tập về nhà, đi học đúng giờ, tập trung trong giờ học, và tích cực đóng góp không chỉ vì lợi ích của riêng mình mà còn vì thành công chung của tập thể lớp. Khi đó, nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và truyền đạt tới các nhân viên tuyển sinh đại học.
Ngay khi tôi vừa cùng với đồng nghiệp của mình tại Đại học Drew xem xét xong các hồ sơ xét tuyển trong năm học với lượng ứng tuyển tăng kỉ lục 20%, tôi đã có một vài lời khuyên. Lướt qua hàng loạt các bộ hồ sơ, chỉ có những bức thư tốt nhất mới nhận được sự chú ý tuyệt đối của chúng tôi. Điều gì làm nên một bức thư giới thiệu tuyệt vời? Những câu chuyện về hoạt động của sinh viên. Một loạt các tính từ có thể rất hấp dẫn và có giá trị. Tuy nhiên, hiệu quả nhất là khi cán bộ tuyển sinh "nhìn" thấy được học sinh qua chính đôi mắt của giáo viên với tất cả sức trẻ, sự quan tâm và cố gắng. Bởi vì, những nỗ lực thậm chí còn quan trọng hơn cả thành công.
Những bức thư như vậy đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Gần đây tôi đã dẫn dắt một Hội thảo cấp khoa về thư giới thiệu của các giáo viên tại Học viện Danh thánh, một trường nữ công giáo hàng đầu tại Tampa, Florida. Để giúp học sinh biết được những gì sẽ được nêu lên trong thư giới thiệu, và cách các cán bộ tuyển sinh nhìn nhận thông tin đó, tôi đã đưa ra một vài lời khuyên:
Giáo viên nên lịch sự từ chối yêu cầu viết thư đề nghị của học sinh nếu họ không thể ủng hộ học sinh đó một cách nhiệt tình. Bạn có thể thẳng thắn hỏi xem liệu giáo viên của mình có thể viết bằng cả sự nhiệt tình hay không – bởi vì nếu không, bạn tốt nhất nên tìm kiếm một người khác. Thậm chí cho dù họ có do dự chấp nhận giúp đỡ bạn, cũng nên tìm đến một người khác. Tất nhiên, cũng có những khi sự phấn đấu của học sinh không dẫn đến thành công, nhưng bất cứ học sinh nào không làm bài tập ở nhà, thể hiện tư tưởng lợi ích cá nhân hay đi học trễ, đều cho giáo viên một lí do hoàn hảo để tin rằng, tư chất của học sinh ấy không xứng đáng với một lời giới thiệu từ họ. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những bức thư giới thiệu khập khiễng, và kết quả đã quá hiển nhiên.
Thư giới thiệu cũng có thể làm theo hình thức đánh dấu trắc nghiệm, biểu mẫu có sẵn như vậy từng được đăng tải trên Common Application. Nó bao gồm 15 hạng mục, trước hết là "Thành tựu học thuật" và bao gồm cả "Phản ứng trước trở ngại" và "Sự quan tâm mọi người". Mỗi nội dung được xếp hạng từ "Dưới mức trung bình" đến "Xuất sắc đến mức hiếm gặp trong sự nghiệp của tôi". Những phần như vậy sẽ giúp nhân viên tuyển sinh đại học khái quát sơ lược ý kiến của giáo viên về học sinh của mình. Những biểu mẫu được điền một cách chân thành, là một công cụ đánh giá học sinh khá hữu hiệu.
Vì sao? Bởi bất cứ ai được đánh giá "Trung bình", "Tốt" hoặc thậm chí là "Rất tốt" đều trở nên mờ nhạt trước "Xuất sắc", "Nổi trội" hay "Xuất sắc đến mức hiếm gặp trong sự nghiệp của tôi".
Nhiệm vụ của thư từ giáo viên là thể hiện hoạt động của học sinh trong lớp, thông qua các ý kiến liên quan trong giờ học, các câu hỏi đưa ra và các bài báo, bài kiểm tra, báo cáo trong phòng thí nghiệm hay bài thuyết trình đã hoàn thành. Một bức thư giới thiệu lí tưởng không những chỉ ra học sinh đã làm gì, như là tiêu đề văn bản hay thí nghiệm, mà còn nêu ra những trích dẫn từ các buổi thảo luận và bài tiểu luận của học sinh. Cái nhân viên tuyển sinh muốn biết là chi tiết về những gì học sinh đang làm trong lớp học hay các buổi ôn tập kiến thức.
Thời điểm duy nhất mà giáo viên nên mô tả học sinh trong các hoạt động ngoại khóa là khi giáo viên đã chứng kiến hoạt động ấy và có một câu chuyện tuyệt vời để kể lại. Người viết đã đọc những câu truyện hữu ích về những gì học sinh đã nói trong các buổi hội nghị, các màn trình diễn trên sân khấu, hoặc các trận đấu trên sân thể thao – nhưng chỉ khi bằng chính sự thuật lại của giáo viên sau khi chứng kiến trực tiếp. Nếu không, thì tất cả những sự tường thuật đó đối với nhân viên tuyển sinh cũng chỉ giống như "tin đồn" với các thẩm phán mà thôi.
Bạn có thể giúp giáo viên của bạn viết thư giới thiệu tốt hơn nếu bạn chia sẻ về những trường đại học mà bạn muốn ứng tuyển, tại sao bạn chọn những trường đại học đó và thời hạn là khi nào. Ví dụ, nếu bạn biết thế mạnh của mình là khi bạn có thể áp dụng kiến thức trong lớp học vào các tình huống thực tế, giáo viên có thể giúp bạn làm nổi bật khả năng ấy trong thư giới thiệu khi với điều kiện bạn nói cho giáo viên biết rằng, trường bạn nộp đơn luôn đề cao học tập thực tiễn.
Bức thư giới thiệu tuyệt vời nhất mà tôi từng được đọc bao gồm hai đoạn văn dài và một kết luận ngắn. Mỗi đoạn văn dài mô tả học sinh một cách chi tiết trong một lớp học khác nhau, đoạn đầu là về lớp học môn tiếng Anh truyền thống với các hoạt động đọc, thảo luận và viết về văn học. Đoạn thứ hai mô tả sinh viên trong một lớp viết văn sáng tạo tiếp nối môn tiếng Anh. Bức thư, chỉ ngắn hơn một trang, đã phát huy vai trò rất lớn trong việc đánh giá ứng cử viên rằng liệu họ có thể thành công trong một lớp học đại học không.
Trong kì tuyển sinh tại Đại học Drew năm nay, chỉ có một bức thư giới thiệu thật sự giành được sự chú ý của tôi. Giáo viên viết bức thư đã kể lại tình cảnh một ngày sau khi một học sinh khác trong lớp qua đời, đột ngột và đầy bi thảm. Cả ngôi trường đã phải vật lộn để dần chấp nhận thực tại. Để làm dịu không khi, giáo viên ấy đã chọn một bài thơ và đọc cho cả lớp, nhưng lại quá xúc động và không thể tiếp tục đọc và cuối cùng nhận được sự giúp đỡ từ một sinh viên đã tiến lên bên cạnh mình từ lúc nào. Cậu học sinh đã thay giáo viên đọc nốt bài thơ cho lớp mình. Đó là hành động của sự đồng cảm, trưởng thành và điềm tĩnh. Đó là người mà chúng tôi muốn gặp tại khuôn viên trường mình.
Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet