Sẵn sàng du học – Mỗi một vùng miền ở xứ sở chuột túi đều có những nét đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh quan và phong cách sống. Danh sách “bảy ngày đợi mong”dưới đây là những lựa chọn mà các cựu du học sinh Úc cho rằng bất cứ sinh viên nào có cơ hội học tập và sinh sống tại Úc cũng nên trải nghiệm – để có thể trọn vẹn cảm nhận lối sống văn hóa bản địa, và xa hơn, để không cảm thấy tiếc nuối khi đã trở về nhà.
Ngày đầu tiên – Tham gia lễ hội Sydney
Lễ hội Sydney thường được tổ chức vào tháng Giêng, bao gồm những hoạt động đặc sắc như bắn pháo hoa, biểu diễn, ca múa trên đường phố. Đặc biệt là vào mỗi thứ bảy sẽ có nhiều buổi hòa nhạc được tổ chức miễn phí với sự góp mặt của các ban nhạc và DJ như Sir Ian McKellen, Bijork, Ralph Fiennes hay Cate Blanckett, khuấy động khán giả nhảy múa suốt đêm dọc theo công viên Hyde.
Đừng quên ghé qua Nhà hát Con Sò tại cảng Sydney bởi danh thắng phải-ghé này chính là mội trong những địa điểm tập trung nhiều chương trình biểu diễn nhất. Đi dạo quanh bến cảng, chụp ảnh, hoặc gửi bưu thiếp cho chính mình từ đây cũng là một ý tưởng chỉ nghĩ đến đã thấy vui rồi.
Ngày thứ hai – Đi xem giải bóng bầu dục Úc
Những tín đồ thể thao chắc hẳn sẽ rất hứng thú khi được tới xem một trận đấu trong giải bóng bầu dục nhà nghề Úc (AFL). Thậm chí nếu không phải là tín đồ thể thao thì việc xem một trận bóng cũng là một hoạt động xã hội thú vị dành cho bạn. Trải nghiệm không khí trong từng trận bóng sẽ nhanh chóng mang lại cho bạn một cảm giác rất đặc biệt.
Nếu được, hãy thử chơi một trận bóng bầu dục để thực sự “sống” cùng bộ môn này. Ngoài xem bóng bầu dục, sân bóng Cricket Melbourne cũng là một điểm nhất định phải đến thăm với những người yêu thể thao, hoặc tò mò về tinh thần thể thao của thành phố.
Ngày thứ ba – Mua sắm tẹt ga ở Brisbane
Bạn sẽ khó mà từ chối thú vui mua sắm khi đặt chân tới đây. Brisbane có tới hơn 1000 thương hiệu và một danh sách dài các cửa hàng hấp dẫn nhất nước Úc.
Từ khu mua sắm lớn nhất dành cho người đi bộ ở Úc – Queen Street Mall tới Fortitude Valley là nơi tập trung nhiều nhà thiết kế địa phương, chưa kể phố James Street và Emporium là nơi tập trung các cửa hàng xa hoa thuộc những nhà mốt lớn, trong khi đó, Paddington là địa chỉ thân thiện của sinh viên quốc tế vì đây chính là nơi bạn có thể tìm thấy những món đồ gia dụng, sách, thời trang vintage và đồ thiết kế.
Ngày thứ tư – Sống chậm ở Perth
Sự cô lập về mặt địa lý của Perth khiến điểm đến này là một lựa chọn rất hợp để “đi trốn” cùng ai đó. Hội lãng mạn sẽ thích dậy thật sớm tản bộ quanh những con đường rộng và thoải dọc theo sông Swan. Nếu không, bạn cũng có thể bắt một chuyến tàu từ Perth xuống Fremantle để nhìn ngắm thuyền buồm trên sông và tận hưởng kiểu khí hậu thư thái Địa Trung Hải.
Cũng được thiên nhiên ưu ái như Sydney, Perth sở hữu vô số các bãi biển thoai thoải cát trắng. Chiều về, bạn có thể dừng chân tại một vài bảo tàng cổ, nếm thử rượu vang rồi lang thang uống café ở bãi biển Cottesloe, đợi ngắm hoàng hôn. Đây là một trong những bãi biển được nhiều người chọn nhất Tây Úc để ngắm “ngày tàn và đêm lên”.
Ngày thứ năm – Thưởng rượu ở Adelaide
Nhắc đến rượu Úc, Penfolds là cái tên luôn xuất hiện đầu tiên (và chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến bạn chuếnh choang say được đấy!) Nhà sản xuất rượu vang huyền thoại này đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sản xuất rượu vang từ năm thành lập 1844. Các vườn nho Penfolds và hầm rượu Magill Estate – biểu tượng của rượu vang Penfolds chỉ cách trung tâm thành phố 15 phút lái xe.
Đến đây, bạn có thể nhâm nhi, hỏi chuyện các chuyên gia sành về rượu rồi chọn một vài chai mang về. Nếu có thêm một buổi sáng nữa ở Adelaide, nhớ đăng ký tour du lịch di sản Magill Estate 45 phút để xem cách làm và lưu trữ các loại rượu vang, cũng như nhâm nhi một vài ngụm để tận hưởng vị ngọt rất riêng của Adelaide.
Ngày thứ sáu – Tham quan Công Viên Hoang Dã Darwin tại Berry Springs
Darwin là xứ sở của những công viên kỳ vĩ như Mary River, Litchfield hay Kakadu… mà chắc chắn một ngày là không đủ để đi hết. Tại đây bạn có thể ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ đặc trưng cùng nền văn hóa thổ dân chỉ có ở nước Úc. Nơi đây cũng là nhà của những chú wallabies phương bắc (một giống chuột túi nhỏ hơn kangaroo), cá sấu, bồ nông, và rồng Komodo, và tất nhiên không thể thiếu Koala.
Mặc dù Koala là một trong những biểu tượng gắn liền với nước Úc, việc ôm koala chỉ được cho phép ở Queensland, Nam Úc, và Tây Úc. Thế nên, nếu thật sự muốn ôm Koala, bạn hãy ghé thăm khu bảo tồn Koala ở thành phố Brisbane, nơi bạn được chiêm ngưỡng và có thể tận tay chạm vào một “bé” Koala xinh xắn.
Ngày thứ bảy – Lang thang bảo tàng ở Canberra
Canberra là điểm hẹn của những tín đồ yêu thích khám phá bảo tàng và các tòa nhà chính phủ. Bảo tàng Quốc gia Australia ở Canberra sử dụng công nghệ kể chuyện hiện đại, tái hiện lại mọi thứ sống động hơn bao giờ hết. Có vô vàn câu chuyện chờ được bạn khám phá, trầm trồ: Bộ sưu tập nghệ thuật bản địa Úc lớn nhất, bộ sưu tập tranh Ned Kelly của Sidney Nolan – một trong những chuỗi trưng bày và sưu tầm tranh của Úc trong thế kỷ hai mươi lớn nhất, Blue Poles bởi Jackson Pollock. Nếu đến đây vào hôm trời đẹp, bạn nhớ dành thời gian dạo qua khu vườn trưng bày ngoài trời bên cạnh hồ vì nơi này có rất nhiều các tác phẩm điêu khắc rất đẹp.
Thời gian còn lại trong ngày, hãy tổ chức tiệc thịt nướng theo kiểu Úc với bạn bè mới quen, bởi tiệc thịt nướng là một “cái hẹn” tuyệt vời để gặp gỡ và gắn kết mọi người trong văn hóa Úc.
Thái Hải (SSDH) – Theo Hotcourses