Nỗi niềm những du học sinh ăn Tết nơi xứ người

0

Sẵn sàng du học – Tết là khi mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, bên mâm cỗ đầy. Tuy nhiên, nhiều du học sinh ở nước ngoài lại phải đón cái Tết nơi xứ người.

Đối với nhiều du học sinh, một cái Tết bình thường như những ngày còn ở Việt Nam bên gia đình lại là một điều xa xỉ. Vì nhiều lý do khác nhau, mà họ không thể về được, thậm chí vài năm mới về được một lần.

Phần lớn du học sinh ở các nước phương Tây vẫn phải đi học bình thường những ngày Tết, bởi các nước phương Tây chỉ có ngày Tết dương lịch. Một số khác thì không đủ chi phí để về nhà, phải ở lại làm thêm…

Khi mùi vị của mùa xuân tràn về, cũng là lúc nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, bạn bè, nhớ những gì thuộc về Việt Nam của các du học sinh trở nên da diết nhất.

Bạn Kim Ngọc (22 tuổi, du học sinh tại thành phố Daejeon – Hàn Quốc) cho biết: “Em thực sự thèm cảm giác được đi cùng bố mua đào với quất mấy ngày giáp Tết, rồi cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ đêm 30 để đón Giao thừa. Giờ thì không còn những ngày đấy nữa. Em cũng chỉ hi vọng được về Việt Nam sớm, dù cũng đã quen với cảm giác nhớ nhà rồi”.

  Bạn Kim Ngọc (22 tuổi, du học sinh tại thành phố Daejeon - Hàn Quốc).

 Bạn Kim Ngọc (22 tuổi, du học sinh tại thành phố Daejeon – Hàn Quốc).

“Cũng may là nhờ có các anh chị người Việt ở đây, em cảm thấy như mình có gia đình thứ hai vậy. Tìm được người nói tiếng mẹ đẻ với mình ở một nước khác, cảm giác đó thật sự vừa vui vừa tự hào. Ở cộng đồng người Việt, em có thêm nhiều bạn bè, cùng được làm bánh chưng, dưa hành dù nguyên liệu không hề rẻ một chút nào. Hồi mới sang đây, mọi người trong cộng đồng giúp em rất nhiều để có thể thích nghi với cuộc sống mới. Đến khi về kí túc xá, em dạy lại mấy bạn nước ngoài cách làm bánh chưng. Thực sự vui lắm” – Ngọc chia sẻ.

Còn bạn Vũ Minh Anh (26 tuổi, ở thành phố Sussex, nước Anh) chia sẻ: “Đây là năm thứ 4 mình đến Anh du học, nhưng chỉ về được có một lần năm ngoái. Ở London còn không có không khí Tết âm lịch chứ nói gì đến thành phố xa xôi này. Mình thuê trọ bên ngoài chứ không ở kí túc xá. Năm đầu tiên sang đây thật sự rất khó khăn để làm quen với mọi thứ. Bạn phải tưởng tượng cảm giác ở Việt Nam thì đang bắn pháo hoa, mọi người đang quây quần bên nhau thì xung quanh mình chỉ có 4 bức tường với cái laptop cùng quyển tài liệu”.

Minh Anh cùng bạn bè ở trường ĐH Sussex.

Minh Anh cùng bạn bè ở trường ĐH Sussex.

Minh Anh nói tiếp: “Thường thì thời gian nghỉ Tết nguyên đán ở Việt Nam khoảng 10 ngày, mà bên đây thì họ chỉ có Tết dương thôi, nên chắc chắn là chẳng có gì thay đổi cả, vẫn sinh hoạt bình thường. Thế nên, mình chẳng thể bỏ học mà về quê được. Cũng năm đầu tiên, mình tìm thấy được một China Town nên đã vào đấy ăn cho nó có cảm giác như ở Việt Nam”.

Bạn Quốc Đoàn (du học sinh ở Quảng Châu) thì lại quen thuộc hơn với mảnh đất mới: "Mình có một điều may mắn, là đã ở đây một thời gian trước rồi. Bố mẹ mình sang Trung Quốc lao động cũng đã nhiều năm nên cũng không quá khó thích nghi với cuộc sống. Tết bên đây cũng giống với Tết ta, chỉ khác vài thứ không quá đáng kể. Thường thì sau giờ học, mình cố gắng làm thêm nên cũng đủ tự trang trải chứ không có nhờ bố mẹ gửi tiền".

Quốc Đoàn khá quen thuộc với cuộc sống ở Trung Quốc.

Quốc Đoàn khá quen thuộc với cuộc sống ở Trung Quốc.

Đoàn cho biết: "Mình hay đón Tết với gia đình ở đây, một phần cũng để tiện đi làm luôn. Cũng có những cái Tết mình cùng bố mẹ về quê chứ không gặp được ông bà với họ hàng cũng buồn lắm, nên cũng cố gắng về. Mỗi tội cứ Tết là người ta lại tăng giá vé tàu xe nên phải chuẩn bị tiết kiệm từ trước. Lại còn tắc nữa. Dân Tàu đông nhất thế giới mà".

Dù ở bất cứ đâu, các du học sinh cũng như cộng đồng người Việt luôn hướng về quê hương, luôn giữ trong mình những giá trị truyền thống. Và hơn ai hết, những người đi xa mới thấm thía được thế nào là 2 tiếng quê hương.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Kiến thức

Share.

Leave A Reply