Sẵn sàng du học – Để có thể ở lại Pháp sau khi đã tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam cần phải có một cam kết tuyển dụng hay hợp đồng lao động với mức lương gấp rưỡi lương tối thiểu (khoảng 2.220 euro mỗi tháng theo quy định năm 2017).
Nếu không có cam kết tuyển dụng, sinh viên quốc tế (không thuộc châu Âu) đã tốt nghiệp có thể xin giấy phép lưu trú tạm thời (APS) trong quá trình tìm việc tại Pháp, giấy phép này có hiệu lực trong 12 tháng và không được gia hạn thêm. Để xin APS, sinh viên cần có bằng Cử nhân thực hành hay một loại bằng cấp trình độ Thạc sĩ hoặc có dự án khởi nghiệp.
Một số lời khuyên hữu ích để tìm việc tại Pháp
Trước khi bắt đầu tìm việc, hãy xác định loại công việc mà bạn muốn tìm. Hãy chuẩn bị CV và thư xin việc (lettre de motivation) theo nhu cầu của các nhà tuyển dụng Pháp.
- Hãy theo dõi các trang web tuyển dụng việc làm và đặt chế độ thông báo tuyển dụng qua mail dựa vào những tiêu chí tìm việc của bạn. Pôle Emploi thường tổng hợp các thông báo tuyển dụng từ mọi nơi. Trang APEC cũng có nhiều thông báo tuyển dụng, hãy truy cập thường xuyên các trang web này.
- Hãy dành thời gian để trau chuốt CV của bạn và điều chỉnh nó sao cho phù hợp với những vị trí công việc mà bạn ứng tuyển.
- Đừng ngại gửi hồ sơ ứng tuyển cho các công ty mà bạn quan tâm dù họ đang không tuyển dụng. Điều này có thể sẽ làm cho công ty biết đến bạn.
- Hãy chú ý về độ tương tác trên mạng xã hội và những thông tin cá nhân của bạn mà người khác có thể xem được. Các nhà tuyển dụng ngày càng sử dụng nhiều mạng xã hội để tìm hiểu về các ứng viên mà họ sẽ phỏng vấn.
- Hãy đến tham gia những ngày hội việc làm để gặp các nhà tuyển dụng. Với CV và thư xin việc trong tay, bạn có thể phỏng vấn với một loạt công ty tại đó. Bạn sẽ không có nhiều thời gian để thuyết phục họ, vậy nên hãy chuẩn bị kĩ càng trước khi nói.
Hãy tận dụng kỳ thực tập cuối khóa
Sinh viên thường bắt buộc phải đi thực tập cuối khoá để được tốt nghiệp, kỳ thực tập này sẽ giúp cho sinh viên làm quen với môi trường công việc và có cơ hội áp dụng thực hành những kiến thức và kĩ năng đã được học ở trường. Kể cả khi chương trình học của bạn không yêu cầu thì cũng đừng ngại tham gia một kỳ thực tập, nó sẽ giúp bạn bổ sung CV và mở rộng quan hệ nghề nghiệp mà có thể bạn sẽ tận dụng được sau này.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khi tìm việc
Các tổ chức cựu sinh viên, văn phòng hỗ trợ nghề nghiệp (BAIP), các dịch vụ môi giới việc làm, diễn đàn tuyển dụng… Có rất nhiều cơ quan tổ chức có thể giúp các sinh viên tốt nghiệp tìm việc.
Các bạn trẻ đã tốt nghiệp (từ trình độ TN THPT + 4 trở lên) có thể tìm đến APEC (Association pour l'emploi des cadres). Tổ chức này có thể giúp bạn trong quá trình tìm việc. Nếu không bạn có thể liên lạc với Pôle Emploi : họ hỗ trợ tất cả những người đang tìm kiếm việc làm ở bất kể trình độ nào.
Hãy tận dụng các mạng lưới nghề nghiệp của bạn
Hãy cho những người thân xung quanh biết rằng bạn đang tìm việc làm và tham khảo những công ty đang tuyển dụng các công việc trong ngành nghề của bạn. Các mạng xã hội chuyên tuyển dụng như LinkedIn sẽ cho phép bạn đăng tải CV của mình lên mạng, duy trì và phát triển một mạng lưới nghề nghiệp (bạn cũ, đồng nghiệp, đối tác…) và phản hồi các tin tuyển dụng.
Các mạng lưới cựu sinh viên như France Alumni, diễn đàn kết nối các cựu du học sinh quốc tế đã tốt nghiệp tại Pháp, là công cụ khá hữu ích để tìm việc hoặc tìm hiểu về những công ty mà bạn quan tâm.
Thái Hải (SSDH) – Theo Dân trí