Sẵn sàng du học – Ngày nay khi nhắc đến du học sinh Trung Quốc người ta không còn thấy sự siêng năng, cần cù nữa mà thay vào đó là hình ảnh những 'cậu ấm cô chiêu' chỉ chăm chăm giở trò gian lận.
Với điều kiện kinh tế khá giả, ngày càng nhiều gia đình trung lưu và thượng lưu cho con đi du học ở các quốc gia mà họ tin rằng có nên giáo dục tiên tiến hơn.
Thế nhưng, song song với đó, số du học sinh phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi những quốc gia tới du học vì gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường học tập ở phương Tây ngày càng tăng.
Theo công ty Pittsburgh, một công ty chuyên về các dịch vụ giáo dục nước ngoài, có khoảng 8.000 du học sinh bị trục xuất khỏi các trường học của Mỹ trong năm 2015.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc đặt quá nhiều kì vọng vào việc học của con cái.
WholeRen Education, đơn vị tư vấn du học cho các sinh viên Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 1.600 du học sinh Trung Quốc ở Mỹ, từ cấp trung học cho tới các nghiên cứu sinh.
Kết quả cho thấy có ba nguyên nhân chủ yếu khiến sinh viên Trung Quốc bị đuổi học tại Mỹ là: điểm số thấp, gian lận thi cử và không tuân thủ các quy định của nhà trường. Đây đều là những vấn đề mà rất nhiều sinh viên một số nước Châu Á mắc phải.
Lý do tại sao nhiều du học sinh Trung Quốc bị điểm số thấp?
20 năm trước đây, sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học chủ yếu là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ luôn cố công học hành để giành được học bổng.
Ngược lại với các tiền bối, du học sinh Trung Quốc hiện giờ hầu hết là các 'cậu ấm cô chiêu', con nhà khá giả và thường bị bố mẹ tống đi du học vì không đủ điểm thi đầu vào tại các trường tốt ở đại lục
'Hầu hết các bậc phụ huynh Trung Quốc đều bị ám ảnh bởi chuyện chọn trường điểm cho con. Họ làm mọi cách để con được nhận vào top 100 trường đại học tốt nhất, thậm chí bằng cách làm giả học bạ', ông Andrew Chen, Giám đốc phát triển của WholeRen Education cho biết.
Bản chất những học sinh này đã không phải là những người học hành xuất chúng gì, qua nước ngoài học họ còn phải đối mặt với các khó khăn khác như sốc văn hóa, tiếng Anh không thành thạo và rất nhiều những cản trở khác nữa.
Ngoại ngữ kém khiến họ không hiểu được bài giảng của giáo sư, giáo trình cũng không thể đọc hiểu nên không thể hoàn thành tốt các đề tài được giao.
Họ cũng không thể giao tiếp được với bạn bè hay nhờ thầy cô giúp đỡ mà chỉ biết co cụm lại thành một nhóm với nhau ngồi ở cuối lớp.
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến những thành phần đi học cho bố mẹ 'vui lòng' không thể có được điểm số cao. Và tất nhiên với số điểm lẹt đẹt triền miên, chẳng có lý do gì mà nhà trường có thể giữ họ lại cả.
Sinh viên đánh mất hình ảnh vì các 'chiêu trò' gian lận
Theo báo cáo năm 2014 của Viện Giáo dục Quốc tế, số lượng du học sinh Trung Quốc tại Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, trong số hơn 274.000 du học sinh nhập học trong niên khóa 2013 – 2014, đã có tới khoảng 8.000 người bị cho thôi học.
Theo ông Andrew Chen, Giám đốc phát triển của WholeRen Education, cho hay hình ảnh du học sinh Trung Quốc trên đất Mỹ đang ngày càng xấu đi, đặc biệt là trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thế nhưng, trong khi số du học sinh bị đuổi vì điểm số thấp đang có xu hướng giảm thì tỷ lệ bị cho thôi học vì gian lận thi cử và vi phạm quy định nhà trường lại tăng 1%.
Vì thiếu năng lực học tập nên những 'đứa trẻ nhảy dù' Trung Quốc đã nghĩ ra đủ chiêu trò gian lận để chống chế với các kì thi.
Sinh viên Trung Quốc liên tục nhận được quảng cáo từ các dịch vụ thi thay, viết bài luận hộ qua email và tin nhắn bằng tiếng Trung, để nhanh chóng có được tấm bằng.
Theo Reuters, các công ty sẽ viết bài luận cho khách hàng, xử lý bài tập về nhà cho họ thậm chí cả bài thi. Đối với hàng trăm sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ, những lời mời này thật khó cưỡng lại.
Đại học Iowa, một trong những trường đại học công lớn nhất vùng Trung Tây Mỹ, cho biết họ đang điều tra ít nhất 30 sinh viên bị nghi ngờ gian lận nhưng theo một số nguồn tin, hầu hết trong số này đều là người Trung Quốc.
Hôm 28/5/2016, Bộ Tư Pháp Mỹ đã truy tố 15 du học sinh Trung Quốc tuổi từ 19 – 26 vì tội sử dụng hộ chiếu giả để mượn người đi thi hộ vào các cuộc thi đầu vào các trường đại học ở Mỹ.
Thói vô tổ chức vô kỷ luật ăn sâu vào máu
Theo 'Sách trắng về Vấn đề Trục xuất Du học sinh Trung Quốc tại Mỹ' năm 2015, con số sinh viên Trung Quốc bị đuổi học vì điểm số thấp chiếm 58%. Còn lại 23% bị đuổi học vì gian lận thi cử và 10% vì trốn học.
'Học sinh, sinh viên Trung Quốc chưa có thái độ đúng đắn với việc học. Rất nhiều người trong số họ tỏ rõ sự vô trách nhiệm hoặc suy nghĩ thiển cận đối với sự nghiệp học hành của mình.
Đáng lên án hơn, họ chọn cách gian lận để đạt được điểm số cao hoặc không hề biết mình phải dẫn nguồn khi lấy tài liệu từ các nguồn tài nguyên khác', ông Chen cho biết.
Ngoài ra, thói vô tổ chức vô kỷ luật trong học đường ăn sâu vào máu học sinh Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến họ khó có thể trụ được khi đi du học ở nước ngoài.
Không chỉ vô trách nhiệm với việc học và giở trò gian lận trong thi cử, những 'đứa trẻ nhảy dù' này còn buông thả trong cách sống và lệch lạc trong cách ứng xử.
Bị gia đình 'tống' đi du học từ khi còn tuổi teen, không có ai bên cạnh để 'kèm cặp' nên những đứa trẻ này dễ sa ngã vào những hành vi xấu mà không hề hay biết vì chúng quá cô đơn.
Vụ việc ba học sinh Trung Quốc tham gia vào cuộc hành hung tập thể bạn cùng lớp xảy ra tại Rowland Heights, Los Angeles, Mỹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh và hội chứng 'những đứa trẻ nhảy dù' ở Trung Quốc.
Theo đó, Yunyao Zhai, Yuhan Yang, Xinlei Zhang đã bắt cóc một bạn học tới một công viên rồi lột quần áo, đánh đập, nhổ nước bọt, dí thuốc lá lên người nạn nhân, thậm chí còn cắt tóc và bắt nạn nhân tự ăn tóc mình.
Ngày 17/2/2016, ba du học sinh này đã phải trả giá đắt cho hành vi bắt cóc và hành hung bạn cùng lớp dã man của mình với tổng mức án lên tới 29 năm, trong đó Yunyao Zhai lĩnh án 13 năm tù, Yuhan Yang 10 năm và Xinlei Zhang 6 năm.
Những con số đáng báo động về số lượng du học sinh Trung Quốc bị đuổi học khỏi các trường đại học ở Mỹ và nguyên nhân khá quen thuộc nói trên liệu có đáng để các nhà giáo dục Trung Quốc nói riêng và một số nước Châu Á nói chung phải suy ngẫm?
Cá Domino (SSDH) – Theo soha