Sẵn sàng du học – Điều quan trọng đối với các trường đại học Úc là phải hành động đồng loạt, nhanh chóng và dứt khoát để cung cấp một giải pháp giúp đỡ cho du học sinh. Và điều quan trọng là Thủ tướng phải cho thấy rằng ông hiểu được đặc tính dễ bị tổn thương của các du học sinh.
Chính phủ bang Victoria và ACT gần đây đã phát hành các gói hỗ trợ cho du học sinh gặp khó khăn do COVID-19.
Victoria công bố gói hỗ trợ trị giá 45 triêu đô la Úc được đồng đóng góp bởi các trường đại học Victoria, trong đó du học sinh có thể đủ điều kiện nhận hỗ trợ lên tới 1,100 đô la. ACT đã cung cấp 450,000 đô la Úc để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương sở hữu thị thực tạm thời và du học sinh không có thu nhập do COVID-19.
Lãnh thổ phía Bắc, Queensland, Nam Úc, Tasmania và Tây Úc đều có những biện pháp hỗ trợ khác nhau dành cho du học sinh – có thể là gửi tiền hỗ trợ, hỗ trợ sức khỏe tâm lý miễn phí hoặc giúp đỡ về thực phẩm và nơi ở.
Những động thái này của các bang hoàn toàn trái ngược với chính phủ liên bang. Các du học sinh mà hầu hết họ đang sở hữu thị thực tạm thời, đã bị loại khỏi gói kích thích trị giá 130 tỷ đô la Mỹ. Thủ tướng Scott Morrison cho biết những du học sinh không thể tự hỗ trợ có thể trở về đất nước của họ.
Những bình luận như vậy có thể khiến cho danh tiếng giáo dục quốc tế của Úc bị tổn hại nặng nề. Cách Úc hỗ trợ du học sinh đang học tập tại đây có thể củng cố danh tiếng toàn cầu của mình như một quốc gia đáng để tới học tập.
Các báo cáo gần đây cho thấy các đối thủ cạnh tranh của Úc khi thu hút các du học sinh – Anh, New Zealand, Canada và Ireland – đã đề nghị hỗ trợ cho những người gặp khó khăn. Điều này bao gồm quyền được nhận phúc lợi chính phủ và sự linh hoạt trong vấn đề thị thực.
Ngay cả trước đại dịch này, du học sinh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và COVID-19 làm cho những khó khăn này càng trở nên nghiêm trọng.
Họ không chỉ bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc không thể trở về nước, nhiều người gần như không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè thân thiết ở Úc.
Do đó, điều quan trọng đối với các trường đại học Úc là phải hành động đồng loạt, nhanh chóng và dứt khoát để cung cấp một giải pháp giúp đỡ cho du học sinh. Và điều quan trọng là Thủ tướng phải cho thấy rằng ông hiểu được đặc tính dễ bị tổn thương của các du học sinh.
Các du học sinh dễ bị tổn thương đến thế nào
Hầu hết mọi người đều cho rằng phần lớn du học sinh Trung Quốc đến từ các gia đình giàu có. Nhưng một nghiên cứu dựa trên 652 du học sinh Trung Quốc đã tiết lộ sự khác biệt đáng kể về cả nhân khẩu học và xuất thân, cũng như các nguồn tài trợ cho chương trình học của họ.
Trong khi đa số (67%) nguồn học phí của du học sinh là do cha mẹ tài trợ thì 17% là nhờ tiền tiết kiệm của du học sinh. Phần lớn các du học sinh tự chi trả học phí đã trải qua những thách thức cả về cảm xúc và tâm lý trong quá trình học tập ở nước ngoài.
Du học sinh Trung Quốc chiếm phần lớn (khoảng 40%) du học sinh tại Úc, nhưng hàng chục nghìn học sinh khác cũng đến từ các quốc gia châu Á khác bao gồm Ấn Độ, Nepal, Việt Nam và Pakistan.
Khoảng một nửa số du học sinh thuê nhà ở ngoài đều dựa vào tiền lương đến từ công việc để trả tiền thuê nhà. Giống như nhiều người khác, họ cũng bị mất việc trong đại dịch COVID-19 – nhưng họ không đủ điều kiện nhận trợ cấp lương của JobKeeper.
Vào ngày 30 tháng 3, Scott Morrison tuyên bố Nội các Quốc gia đã đồng ý đưa ra lệnh đình chỉ 6 tháng dành cho những chủ nhà đuổi người không đủ chi trả tiền nhà ra ngoài.
Điều này đã giúp ích nhưng đó chỉ là một phần trong vấn đề thuê nhà của du học sinh. Nhiều du học sinh theo tới Úc để học tập lại không thể trở về quê hương. Họ cũng không được phép phá vỡ hợp đồng thuê nhà sớm mà không bị phạt.
Thật đáng tiếc là sự lây lan của coronavirus cũng làm tăng sự phân biệt chủng tộc đối với người Úc gốc Á và du học sinh đến từ châu Á. Vào tháng Hai, một học sinh vừa trở về thăm gia đình ở Malaysia đã bị đuổi khỏi nhà cho thuê vì chủ nhà của cô cho rằng cô đã tới Trung Quốc vào dịp năm mới.
Mối lo ngại kéo dài về việc không chắc chắn rằng mình có thể hoàn thành được chương trình học hoặc tiếp tục trả tiền thuê nhà hay không có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý của các du học sinh.
Một báo cáo gần đây cho thấy do các rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và kiến thức, du học sinh có nguy cơ mắc bệnh tâm lý cao hơn so với học sinh trong nước.
Năm 2019, cảnh sát Victoria đã phát hiện 27 du học sinh qua đời do tự tử từ năm 2009 đến 2015 tại bang này. Nhưng nhân viên điều tra cho biết đây vẫn chưa phải là một đánh giá chính xác.
Sau phát hiện của cảnh sát Victoria, chính phủ tiểu bang đã chỉ định Orygen Youth Health thực hiện nghiên cứu để xây dựng một mô hình chăm sóc nhằm hỗ trợ về sức khỏe tâm lý và các dịch vụ cho du học sinh.
Úc có thể làm gì?
Úc có thể dẫn đầu bằng cách phát triển một mô hình chăm sóc đáp ứng nhu cầu của các du học sinh bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Điều này nên được thể hiện thông qua các chính sách và chương trình giúp cho du học sinh không còn cảm thấy sợ hãi và tồi tệ khi bị mắc kẹt trong hoàn cảnh của họ.
Chính phủ Úc phải hợp tác chặt chẽ với cả du học sinh và các trường đại học để hình thành sự hỗ trợ thiết thực để giảm thiểu những tác nhân gây ra bệnh tâm lý. Hỗ trợ có thể được thông báo bởi chính sách sức khỏe tâm thần quốc gia của chúng tôi và nhằm mục đích đảm bảo phạm vi can thiệp đã được chứng minh rộng nhất có thể nhằm thúc đẩy hạnh phúc, và giảm thiểu bệnh tâm lý và tổn thương tinh thần.
Hỗ trợ tài chính nhằm giảm bớt áp lực phải song song với hỗ trợ về sức khỏe tâm lý có thẩm quyền và dễ tiếp cận. Cách mà Úc phản hồi và hỗ trợ du học sinh trong đại dịch và hậu quả của nó sẽ là điểm quyết định cho giáo dục quốc tế Úc.
Theo quan điểm xây dựng Úc trở thành một đất nước có nền giáo dục quốc tế đáng tin cậy và có uy tín đối với du học sinh hiện tại và tương lai, COVID-19 đã tạo cơ hội để chúng tôi có thể sống trong sự đồng cảm sâu sắc, như một xã hội bình đẳng và quốc tế.
Người dịch: Thuỳ Dương (SSDH)