Sẵn sàng du học – Bạn có tự tin rằng máy móc hay công nghệ không thể thay thế được mình trong tương lai? Người trẻ New Zealand đã được trang bị đầy đủ những kỹ năng cốt yếu, sẵn sàng ứng phó với những biến động không ngờ đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách đây không lâu, việc tuyển thủ cờ mây số một thế giới Lee Sedol bị đánh bại bởi phần mềm máy tính AlphaGo, hay việc tập đoàn Foxconn của Đài Loan (nhà sản xuất linh kiện chính của hãng Apple) dùng 1.000 robot để thay thế hơn 60.000 lao động thật sự đã làm cả thế giới ngỡ ngàng và dần lo lắng về việc robot ngày càng thông minh và chiếm việc làm của con người.
Trước nguy cơ lao động con người có thể bị máy móc thay thế toàn bộ, dưới đây là những kỹ năng “phòng vệ” mà giáo dục New Zealand đã trang bị cho người trẻ.
Kỹ năng công nghệ không chỉ dừng lại ở hiểu biết cơ bản
Từ thất bại của tuyển thủ cờ vây Lee Sedol, có thể thấy công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều bước tiến đột phá và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0.
Hiểu được điều đó, giáo dục New Zealand đã đưa thẳng bộ môn này vào chương trình học của học sinh ngay từ lớp một.
Theo đó, trẻ em sẽ được hướng dẫn thật cụ thể để không chỉ nắm được những khái niệm cơ bản về công nghệ số như robot, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data),… mà còn biết nắm bắt tư duy máy tính, ứng dụng kỹ năng thiết kế và các kết quả kỹ thuật số để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chính phủ New Zealand còn chi mạnh tay 700 triệu đô la để trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy các nhóm ngành khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghệ số.
Chúng ta thắng robot bởi óc sáng tạo
Tiến sĩ Bernhard Schindlholzer, chuyên gia lĩnh vực Máy học và Thương maị điện tử (Machine Learning & E-commerce), đến từ Google từng chia sẻ: “Thứ lớn nhất mà con người có thể hơn máy tính là khả năng tư duy sáng tạo và thiết kế những giải pháp cho các vấn đề – thứ mà robot vĩnh viễn chỉ có thể bắt chước”.
Ở mọi bậc học, người trẻ New Zealand đều được khuyến khích suy nghĩ sáng tạo. Các trường học New Zealand luôn có những sáng kiến thiết thực để khơi gợi đam mê sáng tạo của học sinh, sinh viên (HSSV). Có thể nhắc đến như việc thành lập trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo Unleash Space của ĐH Auckland – nơi hiện thực hóa những dự án kinh doanh độc đáo của sinh viên tại trường.
Hay như trường hợp của một giáo viên lớp cơ điện tử ở trường tiểu học thành phố Christchurch đã mời chính mẹ vợ của mình vốn là một người khuyết tật để chia sẻ những khó khăn của bà. Việc đó truyền cảm hứng cho học sinh ứng dụng công nghệ máy in 3D sáng tạo ra hàng loạt những tiện ích và thiết bị thông minh, giúp người khuyết tật giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày…
Giáo dục New Zealand còn trang bị cho các em tư duy phản biện để có thể biết cách nhìn nhận vấn đề rõ ràng, đánh giá khách quan, từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả và sáng tạo nhất. Đây là lý do tại sao New Zealand cho phép giáo viên tự biên soạn giáo trình giảng dạy phù hợp với từng em học sinh.
Không bị áp đặt vào bất kỳ khuôn mẫu kiến thức nào, học sinh có thể thoải mái trao đổi với giáo viên bằng cách đặt câu hỏi và tranh luận về một đề tài yêu thích, dần dần tư duy phản biện có thể hình thành như một thói quen.
Đặt câu hỏi và tranh luận với nhau là phong cách học tập điển hình tại New Zealand. Em Mai Trang, du học sinh Việt tại trường Trung học Waiuku College chia sẻ: “Ở lớp em thường xuyên diễn ra những màn tranh luận sôi nổi giữa HS và giáo viên.
Cách học theo kiểu đặt câu hỏi phản biện như thế giúp tụi em hiểu và nắm kiến thức rất nhanh. Không những vậy, cách học này còn giúp em trở nên nhạy bén khi nhìn nhận nhiều vấn đề khác trong cuộc sống”.
Rèn luyện tinh thần học tập suốt đời
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chỉ khi có tinh thần học tập suốt đời và không ngừng cập nhật kiến thức thì con người mới giữ được thế chủ động trong kỷ nguyên với robot hay trí tuệ nhân tạo… Và đây cũng là kim chỉ nam cho nền giáo dục của New Zealand.
Điều này thể hiện rõ nhất qua hệ thống giáo dục quốc gia NCEA (tương đương bằng tốt nghiệp THPT tại Việt Nam). Theo học NCEA, mỗi học kỳ học sinh chỉ phải học từ 5 – 6 môn.
Ngoài ba môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh và Khoa học, còn lại HS có thể chọn lựa những môn phù hợp với sở thích và định hướng cá nhân.
Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp NCEA, học sinh có thể chọn học nghề hoặc học ĐH tùy thích, vì ở New Zealand học nghề hay học ĐH đều được coi trọng như nhau. Chính những yếu tố này giúp học sinh đến trường hoàn toàn vì yêu thích, một nền tảng quan trọng của tinh thần học tập suốt đời.
Không chỉ có học sinh sinh viên, đến giáo viên New Zealand cũng có tinh thần học tập suốt đời. Theo chia sẻ của thầy Mark Vella – người từng có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy ở New Zealand, cứ ba năm giáo viên nước này phải làm mới chứng chỉ giảng dạy một lần.
Họ phải chứng minh được trong ba năm họ đã có những tiến bộ nhất định không chỉ trong kiến thức chuyên môn mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là một trong những lý do giúp giáo viên Kiwi được xếp top 4 toàn thế giới về sự chuyên nghiệp (theo khảo sát của OECD năm 2016).
Ngoài ra, tinh thần này còn được lan tỏa đến người cao tuổi. Bằng chứng là hầu như mọi trường ĐH của New Zealand đều xây dựng những trung tâm học tập suốt đời hướng đến những người cao tuổi vẫn còn khao khát học tập.
Với những chuẩn bị chu đáo trên, giáo dục New Zealand đã vinh dự được xếp số 1 thế giới về chỉ số chuẩn bị cho tương lai (theo báo cáo của Economist Intelligence Unit). Và cũng vì thế, người trẻ nước này luôn cảm thấy tự tin trước những thách thức của cách mạng 4.0.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí