4 điều bạn cần tránh khi xin du học tại Mỹ

0

SSDH – Nhiều bạn học sinh, sinh viên thường có một vài suy nghĩ sai lầm khi xin học tại các trường ĐH Mỹ. Dưới đây là 4 điều bạn cần tránh khi xin học tập tại Mỹ để không xảy ra những điều đáng tiếc khi làm hồ sơ du học Mỹ.

 du%20hoc%20my2.jpg

 

1. Danh sách các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, và phục vụ cộng đồng của bạn càng dài, bạn càng thuyết phục được hội đồng tuyển sinh?

 

Nhiều sinh viên tin rằng các nhà tuyển sinh tìm kiếm những cá nhân tham gia thật nhiều, thậm chí là tất cả các lĩnh vực của đời sống sinh viên bao gồm các câu lạc bộ học thuật hay sở thích, thể thao, hoạt động ngoại khóa và tình nguyện. Tuy nhiên, điều đó không đúng. Các nhà tuyển sinh không hề ấn tượng với một đơn đăng ký lộn xộn với một danh sách các hoạt động quá dài. Khi xem xét các đơn đăng ký, họ tìm kiếm những sinh viên quan tâm và cống hiến sâu sắc vào một vài hoạt động thay vì những sự tham gia hời hợt trong tất cả các lĩnh vực, những sinh viên chứng tỏ được rằng họ đam mê chủ đề mình tham gia và những người phấn đấu để có vai trò tiên phong hay lãnh đạo. Các nhà tuyển sinh muốn lớp sinh viên năm thứ nhất là một tổng thể toàn diện chứ không chỉ là một lớp học tập hợp những cá nhân toàn diện.

 

Hội đồng xét tuyển sẽ không đánh giá cao những đơn đăng ký lộn xộn với danh sách dài các hoạt động. Những gì họ tìm kiếm là thời gian bạn tham gia các hoạt động. Họ có thể phát hiện nếu một sinh viên tham gia hoạt động nào đó đơn giản chỉ vì muốn thêm vào lý lịch của mình. Rốt cuộc, việc gắn bó với các hoạt động bạn quan tâm trong nhiều năm sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh hơn là tham gia quá nhiều hoạt động.

 

2. Gửi càng nhiều thông tin trong hồ sơ đăng ký, càng dễ lọt vào mắt hội đồng tuyển sinh hơn

 

Gửi nhiều thông tin hơn so với những gì nhà trường yêu cầu sẽ gây trở ngại cho việc đọc hồ sơ du học Mỹ. Sinh viên và phụ huynh có thể cho rằng gửi hết tất cả các bản sao giấy chứng nhận hay giải thưởng học tập, giải thưởng thể thao.., hoặc nhiều thư giới thiệu là cần thiết để giúp cho hồ sơ nổi bật. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng đồng thời nó cũng có thể mang lại những phản ứng tiêu cực. Hội đồng tuyển sinh xem xét hàng trăm hồ sơ mỗi ngày và họ không thực sự có đủ thời gian để nhìn vào một mớ giấy chứng nhận thành tích của bạn. Hãy chỉ gửi thêm những gì bạn thấy quan trọng và thực sự tự hào.

 

Tùy theo yêu cầu của trường, bạn có thể phải gửi mẫu công việc hoặc công trình nghiên cứu. Điều này thường chỉ áp dụng cho các trường năng khiếu như trường nghệ thuật và thiết kế. Nếu trường bạn đăng ký không yêu cầu nộp những thứ này, việc gửi thêm tài liệu sẽ ít có ích lợi gì.

 

3. Thư giới thiệu từ các cá nhân có vị trí cao sẽ tăng cơ hội được nhận học của bạn

 

Cha mẹ thường có xu hướng nghĩ rằng người viết thư giới thiệu càng quan trọng thì cơ hội  được nhận vào trường của con mình càng cao. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng thư giới thiệu nên được viết bởi những người biết rõ bạn và tiếp xúc với bạn thường xuyên như giáo viên, sếp, hoặc người cố vấn. Tất nhiên nếu bạn được Tổng Thống Obama hay ai đó nổi tiếng viết thư giới thiệu thì sẽ rất ấn tượng, nhưng nếu không có thì điều đó cũng sẽ không ảnh hưởng gì trực tiếp đến hồ sơ.  Thậm chí trong một số trường hợp, thư giới thiệu từ người nổi tiếng mà không thực sự biết rõ bạn còn có thể làm hại hồ sơ, ví dụ như Tổng Thống Obama viết rằng bạn là một thần đồng toán học nhưng bằng chứng là điểm phẩy môn Toán của bạn ở trên lớp lại chỉ thuộc dạng trung bình. Cán bộ tuyển sinh thường sẽ ít để ý đến tên tuổi và chức vụ cá nhân trừ khi điều đó gián tiếp cho họ thấy rõ hơn một phần con người bạn. Trừ khi sinh viên quen biết người viết thư giới thiệu hoặc đã từng làm việc cho họ, không thì lá thư sẽ không có giá trị đối với hồ sơ xin học. Cán bộ tuyển sinh tìm kiếm lá thư có nội dung thực chất. Họ muốn biết về sinh viên và liệu những người quen biết họ trong cuộc sống có cảm thấy sinh viên này là một đóng góp tích cực cho nhà trường hay không. Những lá thư mơ hồ từ những người có địa vị cao sẽ chỉ cản trở hồ sơ xin học của sinh viên.

 

Nộp nhiều hơn số lượng thư giới thiệu được yêu cầu cũng không tăng cơ hội được nhận học nếu như những lá thư nộp thêm không nói được thêm điều gì mới về bạn. Xin thêm thư giới thiệu của giáo viên Toán lớp 11 trong khi bạn đã có thư của giáo viên Toán lớp 12 sẽ là thừa thãi. Chỉ nên nộp thư bổ sung khi lá thư đó cho hội đồng tuyển sinh biết rõ hơn về một mặt nào đó của con người bạn mà chưa được thể hiện, hoặc thể hiện chưa rõ ràng ở những chỗ khác. Không nên nộp quá nhiều gây loãng hồ sơ.

 

4. Điểm thi càng cao càng tốt vì chúng quan trọng hơn các bài tiểu luận và các yếu tố khác

 

Theo các bài báo từ tạp chí Forbes và The Washington Post, bài tiểu luận là rất quan trọng trong hồ sơ đăng ký. Nhiều sinh viên tin rằng chỉ có điểm thi mới làm đẹp hay làm hỏng hồ sơ đăng ký, để rồi mắc phải sai lầm khi viết bài tiểu luận vào phút cuối hoặc dành rất ít thời gian viết qua loa. Họ không dành thời gian để suy nghĩ về câu hỏi, đưa ra một chủ đề tốt, và thậm chí là không chỉnh sửa bài viết trước khi nộp. Trên thực tế, một bài luận nghèo nàn với các lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả sẽ gây cản trở rất lớn cho hồ sơ của bạn, thậm chí khiến hồ sơ bị loại.

 

Điều này không có nghĩa là sinh viên không nên cố gắng trong các kỳ thi của mình. Điểm thi vẫn là quan trọng. Tuy nhiên, bài luận chiếm một phần lớn trong hồ sơ đăng ký.

 

Nguồn: Thanh niên

Share.

Leave A Reply