Sẵn sàng du học – Tổng giám mục Puginier là một nhân vật có nhiều liên quan đến lịch sử Hà Nội, tên ông được người Pháp đặt cho vườn hoa trước dinh Toàn quyền, là quảng trường Ba Đình ngày nay.
Không những vậy, tên của ông còn được đặt cho con đường lớn chạy thẳng vào khu vườn hoa này, tức là con đường Điện Biên Phủ ngày nay.
Phải đến tháng 8/1945, khi bác sĩ Trần Văn Lai lên làm Thị trưởng Hà Nội, ông mới cho đổi tên vườn hoa và vòng xoay Puginier trước cửa lối vào vườn Bách Thảo (nằm trên đường Hùng Vương hiện nay) thành vườn hoa Ba Đình, để rồi địa điểm đó được chọn làm nơi tổ chức lễ tuyên ngôn độc lập lịch sử.
Sau cách mạng tháng Tám, tên đường Puginier cũng được chính quyền mới của thủ đô đổi tên thành đường Dân Chủ Cộng Hòa.
Để tìm hiểu về cuộc đời của vị giám mục này, chúng ta nên đọc cuốn Đời Tổng giám mục Puginier của tác giả Louis-Eugène Louvet (sách nằm trong tủ sách Góc nhìn sử Việt, do NXB Hà Nội và Omega Book xuất bản năm 2019, bản dịch của Nguyễn Tiến Văn).
Cuốn sách này được thực hiện và hoàn thành năm 1894, chỉ 2 năm sau khi Đức cha Paul-Francois Puginier Phước (1835-1892) – Giám mục địa phận Tây Đàng ngoài (có hiệu tòa là Giám mục Mauricastre trong thời gian từ 1868-1892), thành viên hội Thừa sai Paris – qua đời.
Đây là một trong những tác phẩm biên niên thuật lại tương đối đầy đủ và chi tiết về cuộc đời một trong những nhân vật có những can hệ quan trọng với xứ Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Louis-Eugène Louvet (1838-1900) là một trong những tác giả chuyên nghiên cứu về đề tài Công giáo và Đông Dương. Ông từng là người giúp việc cho Giám mục Dupanlop và cũng đã có khoảng 3 tháng làm việc cạnh Giám mục Puginier vào năm 1874.
Với lợi thế tiếp cận được các thư từ và tài liệu lưu trữ liên quan đến nhân vật chính cùng những mối tương tác của ông, nên trong tác phẩm này, tác giả Louvet không chỉ phác họa nên chân dung con người vị giám mục mà còn cả bối cảnh thời cuộc lúc bấy giờ.
Tác giả phân chia cuộc đời của vị giám mục thành 3 phần chính, gồm thừa sai, giám mục, và người yêu nước. Với vai trò vị thừa sai, sẽ đưa chúng ta nhập vào những việc làm và những đức tính của vị tông đồ.
Ở tư cách vị giám mục, độc giả sẽ thấy người kế tục của những vị như Retord và Theurel, bước tiếp dấu chân của những nhân vật này và thực thi trọng trách đứng đầu Sứ bộ miền Tây Đàng ngoài – là sứ bộ quan trọng nhất trong hai mươi bốn sứ bộ được giao phó cho hội thừa sai của ông, những phẩm tính của một nhà quản lý lão luyện.
Phần người yêu nước sẽ kể lại những cố gắng của ông để phục vụ nước Pháp, kể cả khi ông cảnh báo chính quyền và quân đội Pháp về những sai lầm của họ và cứu vớt những quyền lợi trói buộc vào đất nước.
Tất nhiên tác giả đứng theo góc nhìn người Pháp, nên ca ngợi những đức tính yêu nước của Giám mục Puginier chủ yếu là vì quyền lợi nước Pháp, dù vẫn khẳng định “trái tim vị tông đồ này đủ bao la để ôm lấy trong cùng một tình yêu hai tổ quốc” hay cho rằng vị giám mục này “hoàn toàn xa lạ với những lý do thuần chính trị đã khiến chính phủ Pháp và triều đình Huế đụng độ”.
Trong chương sách về cuộc chinh phục Bắc kỳ và đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873-1874), tác giả Louvet cho rằng “đây là thời kỳ đau đớn nhất trong cuộc đời Đức cha Puginier”. Ông cũng biện minh về những trang sách của mình: “Nếu có những lời cáo buộc nặng nề đối với những kẻ khi đứng đầu các sự việc, thì tôi chỉ làm trong mức độ cần thiết và dựa trên những tài liệu chính thức”.
Tuy nhiên qua những trang sách, chúng ta cũng có thể hiểu rõ thêm về cuộc kháng chiến của quân và dân thành Hà Nội, dưới sự chỉ huy của Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương, những cuộc thương thuyết giữa hai bên dưới sự dàn xếp của Puginier trước khi tiếng súng chính thức bắt đầu. Còn sau đó, khi súng và đại bác của quân Pháp đã thắng, người Pháp bắt đầu đặt nền bảo hộ lên nước ta.
Đức cha Puginier cũng là người đã có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ Lớn Hà Nội hiện nay, công trình được khánh thành năm 1887 mà đến cuối thế kỷ XVIII vẫn được người Pháp coi là tòa nhà đặc sắc nhất Hà Nội.
Ngoài cuốn Đời Tổng giám mục Puginier, tác giả Louvet còn có một số cuốn sách về đề tài Công giáo tại Việt Nam trước đây, như Nam kỳ theo đạo, Đức cha Adran: Thừa sai và ái quốc, Các sứ bộ Công giáo hồi thế kỷ XIX…
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing