Bệnh trầm cảm có phải bóng ma dọa nạt cuộc sống hiện đại?

0

Sẵn sàng du học – 200 trang sách không thể tổng quát hết kiến thức về mọi bệnh lý tâm thần, nhưng có thể coi “Cẩn trọng cái đầu” là một cuốn sách “vỡ lòng” về trầm cảm và rối loạn tâm lý.

Qua cách diễn đạt gần gũi của tác giả Juno Dawson cùng bản dịch chu đáo của nhóm Beautiful Mind Vietnam, cuốn sách Cẩn trọng cái đầu (tên gốc: Mind your head) đã thẳng thắn kéo những hiểu biết cơ bản về bệnh trầm cảm ra khỏi những đám mây mơ hồ đoán định, để độc giả nhận ra rằng, những mối đe dọa về sức khỏe tâm thần cũng thường trực gần bên cạnh chúng ta không kém gì virus gây cảm cúm.

Không phải quá xấu hổ khi gặp rắc rối tâm thần

Nói như vậy không có nghĩa là cuốn sách dày 200 trang này được biên soạn với mục đích dọa nạt cộng đồng và biến bệnh trầm cảm thành một “bóng ma” đáng sợ rình rập cuộc sống hiện đại của con người mỗi ngày. Thậm chí, ngược lại, bạn sẽ hiếm khi tìm đọc được một cuốn sách cung cấp kiến thức về “nỗi buồn” với một giọng văn nhẹ nhàng, hài hước và thân thiện đến thế.

ssdh-can-trong-cai-dau2

 

Thông điệp lớn nhất mà cuốn sách này mang đến, chính là mỗi chúng ta không cần phải quá xấu hổ khi đối mặt với những rắc rối tâm thần của chính mình. Trầm cảm, hay rối loạn tâm lý không phải là căn bệnh độc quyền của những ngôi sao giàu có, của những cô cậu học sinh được nuông chiều thích làm mình làm mẩy, càng không phải chỉ gắn chặt với những tên tội phạm biến thái được nhắc tới trên những bản tin giật gân.

Tựa gốc của Cẩn trọng cái đầu chính là Mind your head – một câu nhắc nhở thường được dùng để cảnh báo ai đó đi đứng cẩn thận kẻo bị cộc đầu. Và tất cả chúng ta, trong cuộc sống này thì ai mà chẳng có đôi ba lần bị cộc đầu vào giá sách, vào mép tường, vào móc treo quần áo…

Từ những chia sẻ rất thực tế trong sách Cẩn trọng cái đầu, mỗi độc giả cũng nhận thấy rằng, hóa ra những vấn đề sức khỏe tâm thần mà chúng ta gặp phải, nó cũng phổ biến như chuyện bị cộc đầu vậy, chẳng chừa một ai, nó có thể chỉ choáng váng một chút rồi tự tan biến ngay, nhưng cũng có thể tạo ra một chấn thương rất nặng nề nếu ta không thực sự lắng nghe những triệu chứng của bản thân mình.

Cẩn trọng cái đầu là một cuốn sách có sự cân bằng cả về mặt lý thuyết khoa học lẫn những chia sẻ và tâm sự. Các kiến thức y khoa được chọn lọc và kiểm chứng bởi Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng người Anh Olivia Hewitt, được đan cài vừa đủ để độc giả có thể hoàn toàn tin tưởng vào những lời khuyên trong sách, nhưng đồng thời không cảm thấy nội dung sách quá khô khan và nặng nề.

ssdh-can-trong-cai-dau1

 

Dẫn dắt tất cả là câu chữ của Juno Dawson – người khiến bất cứ ai cũng cảm thấy thân thiết ngay từ những trang đầu tiên, như thể dù bạn đọc đang ở trạng thái khép kín đến đâu thì cũng muốn mở lòng để đón nhận sự giúp đỡ. Cẩn trọng cái đầu, chính vì thế, từ một tác phẩm vốn sẽ có thể là một cẩm nang về khái niệm gì đó rất xa xôi, trở thành cuốn sách thường thức, dễ tiếp thu và dễ “gây nghiện” như một cuốn sách dạy nấu ăn hay dạy những bí quyết để hẹn hò cho người độc thân vậy.

Sách vỡ lòng về rối loạn tâm lý

Nhưng đừng cho rằng cuốn Cẩn trọng cái đầu sẽ có xu hướng tô hồng hay “bọc đường” cho bệnh trầm cảm hay những rối loạn tâm lý. Sự thật về trầm cảm sẽ được “phơi” ra, không che đậy và cũng không cắt tỉa cho dễ nhìn hơn.

“Điều tệ nhất về trầm cảm là nó vắt kiệt sự hứng thú ra khỏi mọi thứ và mọi người mà bạn từng yêu thích. Nó hút lấy động lực của bạn cho đến khi những thứ dễ dàng nhất trở thành đàn voi ma mút khổng lồ". Nếu chưa từng bị trầm cảm, bạn sẽ thấy những dòng này giống như một cách viết phóng đại hoa mỹ, nhưng nếu từng bị trầm cảm, bạn lập tức hiểu rằng mình không hề cô đơn, mình không hề yếu đuối, bởi hóa ra từ trước đến nay cũng có rất nhiều người phải chịu đựng những triệu chứng giống như mình.

200 trang sách không thể tổng quát hết tất cả kiến thức về mọi bệnh lý tâm thần, nhưng có thể coi Cẩn trọng cái đầu là một cuốn sách “vỡ lòng” về trầm cảm và rối loạn tâm lý. Khi bạn dám đọc hết Cẩn trọng cái đầu, thì rồi bạn sẽ dám tìm hiểu những cuốn sách và những tài liệu chuyên sâu hơn về trầm cảm.

Bạn thậm chí không cần phải ngại ngùng khi có người thân hay bạn bè nhìn thấy bạn đặt cuốn Cẩn trọng cái đầu ở đầu giường, bởi vì hóa ra, thà tưởng rằng mình bị trầm cảm, nhưng không phải, còn tốt hơn là tưởng rằng mình không bị trầm cảm nhưng sự thật thì căn bệnh này đã bắt đầu ăn mòn bạn từ bên trong rồi.

“Một điều quan trọng tôi học được là không cần hổ thẹn về những vết sẹo – chúng là một phần con người tôi và tôi không có trách nhiệm phải cảm thấy có lỗi với những người khác nếu họ không thoải mái. Để lộ sẹo ra ngoài không phải là hành động phô trương hay khiêu khích – đây là cơ thể của tôi và tôi có quyền làm thế".

Không có trách nhiệm phải cảm thấy có lỗi với những người khác. Trầm cảm không đồng nghĩa với “ích kỷ”, cũng không hề liên quan gì đến “bản lĩnh kém”. Nếu bạn đọc một trong những dòng chia sẻ trong Cẩn trọng cái đầu, và thấy mình trong đó, hy vọng bạn sẽ thấy bớt bất an cho một hành trình dài trước mắt. Còn nếu bạn không thấy mình trong đó chút nào, vậy xin chúc mừng bạn, và cũng mong rằng những kiến thức cơ bản của cuốn sách, vào lúc nào đấy, sẽ trở nên hữu ích khi bạn cần chăm sóc cho một người bạn, một người thân không may bị “cộc đầu”.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply